Nga có mạo hiểm chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ?

Vụ nổ hôm 8/8 ở miền Bắc nước Nga là sự cố tên lửa hành trình sử dụng động cơ đẩy hạt nhân. Sự cố xảy ra khi Nga đang hướng tới đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Nga đang hướng tới đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. (Nguồn: AP)

Mục tiêu mập mờ

Năm nhà khoa học đã thiệt mạng và mức độ phóng xạ đã gia tăng đột biến ở một thành phố gần đó sau vụ nổ xảy ra tại một giàn nổi trên biển ở phía Bắc nước Nga hôm 8/8. Vụ nổ được xem như vụ thử tên lửa hạt nhân của Nga, cho thấy Moscow có thể đang theo đuổi một công nghệ nguy hiểm nhằm đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Lần này, may mắn là phóng xạ bị rò rỉ dường như không đe dọa tới người dân tại khu vực, và không ghi nhận được mức phóng xa tăng lên tại nước láng giềng Phần Lan hay Na Uy.

Cho tới nay, Chính quyền Nga chỉ công bố thông tin nhỏ giọt về vụ việc. Tuy nhiên, ngày 12/8, Vyacheslav Solovyov, Giám đốc khoa học của Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga, xác nhận rằng vào thời điểm xảy ra vụ nổ, các nhà khoa học hạt nhân tại bãi thử tên lửa quân sự Nyonoksa đang nghiên cứu về “các động cơ cỡ nhỏ sử dụng nguyên liệu phân hạch”.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Rosatom sau đó cho biết vụ tai nạn xảy ra khi các nhà khoa học đang thử nghiệm “nguồn năng lượng từ chất đồng vị để dùng cho động cơ nhiên liệu lỏng”.

Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng thuật ngữ kỹ thuật mập mờ như vậy cho thấy cơ sở này dường như đang thử nghiệm chính vũ khí mà Tổng thống Putin tuyên bố hồi tháng 3/2018. Khi đó, ông cho biết Nga đang phát triển một tên lửa hành trình với “phạm vi không giới hạn” mà có thể mang theo vũ khí hạt nhân tới bất kỳ nơi nào trên Trái Đất. Vipin Narang, Giáo sư ngành chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts, nói: “Không hề có kịch bản nào khác lý giải vụ việc này. Tất cả bằng chứng đều rất trùng khớp. Hiện rất khó để tưởng tượng về khả năng nào khác ngoài lập luận này”.

Vụ nổ thảm khốc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ từ bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và đưa ra phàn nàn rằng Nga đã vi phạm hiệp ước. Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới, vốn hạn chế vũ khí hạt nhân tầm xa, cũng sẽ hết hạn vào tháng 2/2021 trừ phi được gia hạn.

Thất bại trong chương trình thử nghiệm sẽ là một tin xấu cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, đúng lúc ông đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình diễn ra hàng tuần ở Moscow. Nguyên cớ của cuộc biểu tình là sự tức giận của hàng chục nghìn người dân Nga trước việc các chính trị gia đối lập không được tham gia cuộc bầu cử vào Hội đồng Thành phố Moscow, và sâu sa hơn là do mức sống của người dân bị giảm sút. Một tai nạn hạt nhân trong một chương trình vũ khí tốn kém mà ông Putin công khai theo đuổi rõ ràng sẽ làm ông mất điểm hơn trong mắt công chúng trong thời điểm này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang vào ngày 1/3/2018, khi ông tiết lộ kế hoạch thiết lập tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân. (Nguồn: TASS)

Cuộc chạy đua vũ trang

Jeffrey Lewis, chuyên gia về hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến hạt nhân James Martin thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury Mỹ nhận định Mỹ có thể đang "sảy chân" hoặc đang trượt dần vào cuộc chạy đua vũ trang với Nga. Theo chuyên gia Lewis, vũ khí được thử nghiệm tuần trước có thể là Burevestnik, được dịch ra là “Chim hải âu petrel”. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gọi đây là SSC-X-9 Skyfall. Nếu được hoàn tất, đây sẽ không chỉ là tên lửa được trang bị vũ khí hạt nhân mà còn sử dụng năng lượng hạt nhân, với việc mang theo một lò phản ứng nhỏ để đốt cháy không khí trong động cơ phản lực của nó.

Hiện có rất ít thông tin về phiên bản này của Nga nhưng các chuyên gia lo sợ về tuyên bố của Tổng thống Putin năm ngoái khi ông nói rằng phiên bản vũ khí này của Nga có thể gây ra nhiều quan ngại về an toàn.

Vụ việc hôm 8/8 là dấu hiệu mới nhất cho thấy nỗ lực của Nga nhằm đạt được thành công trong lĩnh vực mà Mỹ đã thất bại. Tuy nhiên, lần này, mọi tính toán của Moscow cũng không theo kế hoạch. Đây là tai nạn mới nhất trong một số vụ thử thất bại của Nga kể từ khi nước này bắt đầu kế hoạch từ năm 2017.

Cheryl Rofer, nhà hóa học đã về hưu từng làm việc tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, nơi “khai sinh” ra bom nguyên tử tại New Mexico, cho rằng ông Putin sẽ không bao giờ thành công. Bài viết trên trang mạng Nuclear Diner cho biết: “Các tính toán cơ bản về kỹ thuật cho thấy một tên lửa sử dụng động cơ hạt nhân với nguồn năng lượng rất nhỏ như vậy sẽ rất khó khăn hoặc không thể chế tạo được”.

Theo các chuyên gia, rất khó để chế tạo một loại tên lửa đủ nhẹ nhưng lại mang đủ nhiên liệu để có thể bay được. Tuy nhiên, lý do chính nó bị ngăn cấm trong quá khứ đó là thiết kế này có khả năng phát tán các hạt phóng xạ xuống đất trong khi bay. Chuyên gia Lewis cho rằng, Nga hiện đang rất lo lắng trước hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Vì vậy, Moscow đang nỗ lực sáng chế một loại vũ khí lợi hại và có phần "kỳ quái".

(theo NBC News)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-co-mao-hiem-chong-lai-he-thong-phong-thu-ten-lua-cua-my-99319.html