Nga có hơn 10.000 ca mắc mới trong ngày, bạo lực gia tăng tại Syria giữa dịch Covid-19

Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền Michelle Bachelet vừa lên tiếng cáo buộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các phe phái tại Syria lợi dụng dịch Covid-19 để tăng cường các hoạt động bạo lực nhằm vào dân thường.

Covid-19 có thể trở thành “thảm họa diệt vong” với những quốc gia đang tồn tại xung đột và bạo lực.

Cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc ghi nhận tình trạng bạo lực gia tăng trong tháng 4 với ít nhất 35 trường hợp là dân thường thiệt mạng trong các vụ nổ, trong khi con số này trong tháng trước đó là 7 trường hợp. Kể từ tháng 3, cơ quan này cho biết đã xảy ra 33 vụ tấn công bằng các thiết bị nổ tự tạo tại Syria, trong đó có 26 vụ xảy ra tại khu vực dân cư và 7 vụ tại các khu chợ.

Tới 18h ngày 8-5, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 3.933.100 ca nhiễm Covid-19, trong đó 271.031 người đã tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 1.349.832 người.

Châu Âu

Thủ đô Mátxcơva của Nga đã quyết định gia hạn các biện pháp phong tỏa đến 31-5. Hiện Nga đã vượt Đức và Pháp về tổng số ca nhiễm và là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao thứ 4 châu Âu và thứ 5 thế giới với 187.859 ca nhiễm (10.699 ca nhiễm mới).

Tại Pháp, giới chức nước này vẫn duy trì quan ngại về sự lây lan của dịch bệnh tại thủ đô Paris, dù thành phố này sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ tuần tới, nhưng ở mức hạn chế hơn so với các khu vực còn lại. Pháp dự kiến bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa từ ngày 11-5, sau khi số ca nhiễm và tử vong có dấu hiệu giảm dần. Hiện Pháp có 174.791 ca mắc Covid-19, xếp thứ 5 tại châu Âu.

Đức ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm tới 11,8% trong tháng 3-2020 so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1990.

Châu Mỹ

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) chi nhánh Philadelphia của Mỹ Patrick Harker cảnh báo nguy cơ rơi vào suy thoái lần nữa trong năm 2021, nếu nước này mở cửa nền kinh tế quá nhanh trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể tái bùng phát.

Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes cảnh báo trong vòng một tháng nước này có thể đối mặt với nguy cơ "sụp đổ kinh tế", do các biện pháp phong tỏa dẫn tới tình trạng thiếu thực phẩm và bất ổn xã hội. Brazil hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 trong khu vực Mỹ Latinh, với 136.519 người nhiễm và 9.265 người tử vong.

Châu Á

Chính phủ Nhật Bản bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh thu sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngân sách lên tới 2.300 tỷ yên (tương đương 21,8 tỷ USD) sẽ được sử dụng cho mục đích này với mức tối đa 2 triệu yên (khoảng 19.000 USD) đối với các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và tối đa 1 triệu yên đối với hộ kinh doanh cá thể.

Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học của Đại học Kitasato (Nhật Bản) chủ trì vừa sản xuất thành công một loại kháng thể trung hòa nhân tạo chống vi rút SARS-CoV-2, mở cơ hội tìm ra một phương pháp chữa trị Covid-19 mới. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng đã cấp phép lưu hành thuốc kháng vi rút Remdesivir của Mỹ để chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Châu Phi

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, số người tử vong vì vi rút SARS-CoV-2 tại châu Phi trong năm đầu tiên của đại dịch có thể lên tới 190.000 người nếu các biện pháp ngăn chặn không có tác dụng. Báo cáo dẫn nghiên cứu của văn phòng khu vực của WHO tại Brazzaville (Cộng hòa Congo) nhận định, khoảng 83.000 đến 190.000 người có thể tử vong và khoảng 29 triệu đến 44 triệu người tại châu Phi nhiễm SARS-CoV-2 trong năm đầu bùng phát dịch.

Hiện tại, châu Phi đang ghi nhận 55.641 ca mắc Covid-19, trong đó Nam Phi vẫn là nước có số người nhiễm nhiều nhất, ở mức 8.232 người.

Châu Đại Dương

Ngân hàng Dự trữ Australia dự báo kinh tế nước này giảm 6% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp tăng tới 10% trong bối cảnh các doanh nghiệp đóng cửa để ngăn chặn dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng nhiều lao động bị sa thải.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/966888/nga-co-hon-10000-ca-mac-moi-trong-ngay-bao-luc-gia-tang-tai-syria-giua-dich-covid-19