Nga có Barguzin thay RT-23 Molodets- niềm tự hào một thời

Giới chuyên gia quân sự Nga cho rằng, Nga sẽ khai tử đoàn tàu hỏa chiến lược RT-23 'Molodets' – niềm tự hào một thời của Liên Xô.

Vì một số lý do khách quan, nòng cốt của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga là các hệ thống tên lửa mặt đất, bao gồm cả các tổ hợp di động và các tổ hợp trong bệ phóng silo. Ngoài ra, dưới thời Liên Xô, các chuyên gia đã tạo ra tổ hợp tên lửa chiến lược đường sắt di động BZhRK "Molodets" và các tổ hợp này đã được đưa vào trạng thái trực chiến.

Hiện nay, các tổ hợp này được đưa ra khỏi biên chế, gần như tất cả các đoàn tàu đã được xử lý phá hủy. Ngoài ra, còn có hai tổ hợp BZhRK RT-23 Molodets đã được chuyển giao cho bảo tàng để làm minh chứng cho một thời phát triển công nghiệp quốc phòng Liên Xô.

Mỹ mới là nước đầu tiên phát triển “Đoàn tàu ma”

Liệu nước Nga hiện đại có thể khôi phục dự án "đoàn tàu hạt nhân" hay không? Trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Nga Sputnik, tiến sĩ Vladimir Evseev, chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí chiến lược, đã tiết lộ những chi tiết thú vị về đoàn tàu hỏa chiến lược này.

Ngoài ra, ông còn cho rằng, Nga sẽ khôi phục dự án BZhRK nhưng là các đoàn tàu mới với tên lửa mới, chứ không phải loại cũ.

Tiến sĩ Vladimir Evseev nhấn mạnh, cần phải lưu ý rằng, không phải Liên Xô là nước đầu tiên nảy ra ý định phát triển “đoàn tàu ma”, mà chính Hoa Kỳ mới là nước đầu tiên bắt tay chế tạo hệ thống tên lửa triển khai trên đường sắt, vì nước này cũng như Nga, có mạng lưới đường sắt rất lớn.

Vào đầu những năm 1960, Mỹ đã phát triển dự án tổ hợp tên lửa chiến lược đường sắt di động với năm tên lửa nhiên liệu rắn LGM-30 Minuteman, nhưng dự án này quá tốn kém nên đã bị đình chỉ.

Vào giữa những năm 1980, các chuyên gia Mỹ đã bắt đầu khôi phục dự án "đoàn tàu hạt nhân" mang theo hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa LGM-118A Peacekeeper (MX).

Tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc với sự kiện Liên bang Xô viết và khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Hoa Kỳ, nước tự coi mình là người chiến thắng trong trong cuộc chiến này, đã chấm dứt hoạt động của dự án vì coi nó là không còn cần thiết.

Đoàn tàu hỏa RT-23 UTTKh "Molodets" từng là niềm tự hào một thời của Liên Xô

Đoàn tàu hỏa RT-23 UTTKh "Molodets" từng là niềm tự hào một thời của Liên Xô

RT-23 UTTKh "Molodets": Dự án để đời của Liên Xô

Còn ở Liên Xô, nước được công nhận là một cường quốc đường sắt vĩ đại, các công việc thực hiện dự án BZhRK đã bắt đầu vào tháng 1 năm 1969. Văn phòng thiết kế Yuzhnoye ở Ukraine đã được giao nhiệm vụ phát triển cả "đoàn tàu hạt nhân" và tên lửa của nó.

Các nhà thiết kế Liên Xô đã biết về dự án Mỹ phát triển "tàu hỏa hạt nhân"; vì thế, nhiệm vụ của các nhà thiết kế Liên Xô là tạo ra một đoàn tàu có thể vượt qua thiết bị của "đối phương tiềm năng" về mức độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng sống sót.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này là vô cùng phức tạp, các chuyên gia đã phải đưa ra những giải pháp sáng tạo để giải qiyết rất nhiều vấn đề kỹ thuật.

Các thử nghiệm đầu tiên của "đoàn tàu hạt nhân" và tên lửa của nó chỉ được thực hiện vào giữa những năm 1980. Tên lửa nhiên liện rắn RT-23 UTTKh "Molodets" (tên mã NATO là SS-24 Scalpel) đặt trên tàu hỏa đã được phóng từ vị trí đứng yên. Đoàn tàu với mô hình tên lửa được ngụy trang như một đoàn tàu chuyên container lạnh chở hàng đã vượt qua hàng ngàn km theo các tuyến đường sắt Liên Xô, rồi thực hiện vụ phóng tên lửa.

Vào tháng 10 năm 1987, tổ hợp tên lửa đường sắt (BZhRK) RT-23 UTTKh "Molodets" đầu tiên đã được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đây là đoàn tàu với đầu kéo diesel, trang bị đầy đủ tất cả các thiết bị phục vụ cuộc sống cho 70 quân nhân phục vụ đoàn tàu, bao gồm cả tổ lái máy.

Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên Xô, các cuộc tuần tra chiến đấu của “đoàn tàu hạt nhân” đã bị hủy bỏ. Và theo Hiệp ước START-2 năm 1993, Nga đã cam kết loại bỏ các tên lửa RT-23UTTKh và các đoàn tàu hạt nhân.

Molodets sẽ bị khai tử

Mặc dù vào đầu những năm 2000, Nga đã rút khỏi hợp hiệp ước không có lợi này, nhưng gần như tất cả các đoàn tàu BZhRK Molodets vẫn bị tháo dỡ và xử lý, và các đầu máy đã được chuyển giao cho Tập đoàn Đường sắt Nga (RZhD). Hai đoàn tàu đã trở thành vật trưng bày tại bảo tàng ở St. Petersburg và ở Togliatti (vùng Volga).

Mặc dù có uy lực lớn nhưng RT-23 UTTKh "Molodets" cũng có quá nhiều nhược điểm

Bàn về tương lai của hệ thóng răn đe chiến lược trên tàu hỏa Molodets, tiến sĩ Vladimir Evseev, chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí chiến lược, đã dự đoán sự cáo chung của nó và cũng giải thích tại sao Nga không còn ý định sử dụng các đoàn tàu BZhRK Molodets. Theo chuyên gia này, có những nguyên nhân sau:

Nguyên nhân thứ nhất là: Hiện nay, phương hướng ưu tiên trong quân đội Nga là các hệ thống tên lửa di động trên khung gầm có bánh xe. Các hệ thống khác phải thực sự mang lại ưu thế công nghệ vượt trội, nếu không, sẽ không thể được lựa chọn.

Nguyên nhân thứ hai là: Cần phải chú ý đến việc: Sau sự sụp đổ của Liên Xô, tổ hợp này đã trở thành “vũ khí được chế tạo ở nước ngoài” (Ukraine), mà quốc gia này đang đi theo đường lối thân phương Tây. Do đó, việc sử dụng các đoàn tàu này trong Lực lượng Vũ trang Nga là không thể chấp nhận được.

Nguyên nhân thứ ba là: Cần phải nói thêm rằng, đoàn tàu BZhRK "Molodets" nặng đến nỗi nó phải được đẩy bởi ba đầu máy xe lửa. Điều này cũng có thể "lọt vào mắt xanh quân địch", vì một đoàn tàu thông thường mà có tới ba đầu máy rõ ràng là quá bất bình thường.

Nguyên nhân thứ tư là: Đoàn tàu này đã có tên lửa quá lớn và nặng, kích thước của quả tên lửa không vừa với toa tàu tiêu chuẩn. Đây là một nhược điểm nghiêm trọng. Mỗi đợt phóng tên lửa RT-23UTTKh làm cho đường ray bị biến dạng, đoạn đường bị sụt lún có độ sâu 1,5 mét có thể khiến đoàn tàu trật đường ray.

Sau mỗi vụ phóng, các tuyến đường phải được củng cố và các đoàn tàu Molodets có thể bị phát hiện tương đối dễ dàng nếu theo dõi các đoạn đường đã được củng cố thêm. Tất cả điều này làm giảm đáng kể hiệu quả của BZhRK, vô hiệu hóa lợi thế chính của đoàn tàu hạt nhân là khó bị phát hiện.

Do đó, chắc chắn là đoàn tàu ma Molodets sẽ bị khai tử. Vậy Nga có còn hứng thú với các dự án kiểu này hay không?

Barguzin sẽ là con bài chiến lược của Nga

Vào cuối những năm 2000 đầu những năm 2010, Nga đã thông báo về sự hồi sinh có thể của tổ hợp tên lửa chiến lược đường sắt di động, nhưng, dự án này sẽ được phát triển trong nước với các giải pháp công nghệ mới. Dự án được đặt tên "Barguzin". Với dự án này, Nga muốn đáp trả lại mối đe dọa của chương trình “tấn công nhanh toàn cầu” của Mỹ.

RT-23 UTTKh "Molodets" sẽ bị thay thế bằng BZhRK Barguzin

Đoàn tàu hạt nhân sẽ được trang bị các phiên bản sửa đổi của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars (tên mã NATO - SS-27 Mod.2). Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, ban lãnh đạo chính trị quân sự của Liên bang Nga đã quyết định tạm thời đóng băng dự án này.

Chuyên gia Vladimir Evseev cho rằng, Nga chưa đặt dấu chấm hết cho dự án BZhRK, bởi những nút thắt về công nghệ trước đây Liên Xô chưa giải quyết được thì hiện Nga có thể khắc phục xong.

Vị chuyên gia Nga nhận định, tổ hợp phóng tên lửa trên tàu hỏa Barguzin vượt trội đáng kể so với tổ hợp “Molodets” thế hệ trước đó về độ chính xác và tầm bắn, cũng như về những đặc điểm khác.

Nhờ tên lửa nhẹ hơn và có kích thước vừa với toa xe tiêu chuẩn, Barguzin có thể phóng tên lửa trên bất kỳ đoạn đường sắt nào. Nếu cần thiết, BZhRK Barguzin có thể giáng đòn trả đũa hiệu quả hơn các tổ hợp mặt đất.

Ngoài ra, việc triển khai Barguzin sẽ là một phản ứng hiệu quả đối với mối đe dọa chiến lược do việc phát triển mạng lưới căn cứ quân sự NATO gần biên giới Nga.

Theo ông, giới lãnh đạo Nga đã mong Mỹ cùng gia hạn Hiệp ước START-3 được ký kết vào năm 2010 tại Prague. Nhưng bây giờ hầu như không thể hy vọng vào việc gia hạn hiệp ước này. Do đó, Nga cần thiết phải có phương án đáp trả xứng đáng đối với Hoa Kỳ.

Barguzin sẽ là "con át chủ bài" mà Nga có thể sử dụng nếu tình hình trở nên trầm trọng hơn và Mỹ nhận thức rõ điều này.

Theo dự đoán của vị chuyên gia quân sự Nga, các công trình sư nước này sẽ mất khoảng thời gian ngắn từ 3-5 năm để tạo ra nguyên mẫu tên lửa, thực hiện các đợt phóng thử nghiệm và chế tạo các hệ thống khác nhau. Đây là khoảng thời gian rất ngắn bởi các chuyên gia Nga đã có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và được kế thừa những thành tựu từ thời Liên Xô.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-co-barguzin-thay-rt-23-molodets-niem-tu-hao-mot-thoi-3415115/