Nga chưa rút ra được đầy đủ kinh nghiệm từ cuộc chiến Karabakh?

Nga đã thiếu sót khi nghiên cứu chưa kỹ cuộc chiến Karabakh, dẫn tới việc họ gặp khó trên chiến trường Ukraine.

Báo chí Nga mới đây cũng phải thừa nhận rằng quân đội nước này lẽ ra đã có màn thể hiện tốt hơn tại Ukraine, nếu rút được bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc chiến Karabakh.

Báo chí Nga mới đây cũng phải thừa nhận rằng quân đội nước này lẽ ra đã có màn thể hiện tốt hơn tại Ukraine, nếu rút được bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc chiến Karabakh.

Theo nhận xét, trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, rõ ràng là Nga đã không rút ra được bài học chính của cuộc chiến Karabakh, mặc dù rõ ràng ngày nay chiến thắng trên chiến trường đạt được nhờ vũ khí chính xác cao.

Cuộc xung đột mới nhất ở khu vực Transcaucasus cho thấy rõ ràng với sự trợ giúp của các máy bay không người lái khá đơn giản và đạn tuần kích, một quân đội có thể tiêu diệt hiệu quả các thiết bị và vị trí quân sự của đối phương.

Ví dụ, máy bay không người lái Bayraktar TB2 bắn trúng các hệ thống vũ khí của Armenia bằng bom lượn dẫn đường MAM-L từ khoảng cách 15 km, mà không cần đi vào vùng tác chiến của tên lửa phòng không vác vai (MANPADS).

Thật không may, lực lượng vũ trang Liên bang Nga không có bất cứ thứ gì tương tự với số lượng đủ lớn. Đó là lý do tại sao các phi công Nga phải thực hiện một số thao tác với vũ khí theo cách khá kỳ lạ.

Ví dụ, phi công trên trực thăng vũ trang Mi-24N và Ka-52, cũng như máy bay cường kích Su-25, thường liều mình bắn vào các vị trí đối phương bằng đạn rocket không điều khiển trong tư thế mũi phi cơ nâng lên nhằm mục đích bắn xa hơn, dĩ nhiên cũng kém chính xác hơn.

Rõ ràng Quân đội Nga cũng đang thiếu các loại rocket cho pháo phản lực chính xác cao thuộc họ Tornado-S và đạn Krasnopol cho lựu pháo. Đây là những loại đạn đắt tiền và chỉ có thể được sản xuất với số lượng nhỏ, việc sử dụng chúng hiếm khi được báo cáo.

Đồng thời, lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng một số lượng tương đối nhỏ các bệ phóng M142 HIMARS và M270 MLRS cỡ nòng 227 mm, pháo kéo M777 và pháo tự hành cỡ nòng 155 mm, cũng như các loại vũ khí tương tự do phương Tây chuyển giao.

Hơn nữa, các loại vũ khí có độ chính xác cao thường xuyên được sử dụng, điều này làm gián đoạn công tác hậu cần của Quân đội Nga, từ đó giúp họ giành được nhiều lợi thế quan trọng.

Như đã xảy ra ở hướng Kherson - bằng cách phá hủy các cây cầu, lực lượng vũ trang Ukraine đã thực sự cô lập nhóm tác chiến của Quân đội Nga, khiến họ không có nguồn cung cấp thích hợp. Tấn công bằng đạn dẫn đường hiệu quả hơn là bắn diện rộng với hy vọng thành công.

Trong sáu tháng, lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy một số lượng đáng kể các hệ thống vũ khí như vậy của Quân đội Ukraine, thông qua phương tiện tấn công với độ chính xác cao.

Các đoạn video thường xuyên xuất hiện trên phương tiện truyền thông đã cho thấy UAV Lancet hay Shahed-136 đánh trúng khẩu pháo M777, M109..., tuy nhiên phương Tây có hàng trăm loại pháo và đạn như vậy để viện trợ Ukraine.

Đây là một cuộc xung đột hiện đại của thế kỷ 21, cho nên nó phải được tiến hành bằng vũ khí tối tân. Trước thực tế trên, Moskva cần phải huy động tổ hợp công nghiệp quân sự tích cực sản xuất ở mức cao nhất.

Nhưng cũng không dễ cho Nga, bởi dưới hiệu lực của các lệnh cấm vận do phương Tây áp đặt, Moskva không thể tiếp cận nguồn chip xử lý tốc độ cao nhằm tích hợp cho vũ khí hiện đại của mình.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-chua-rut-ra-duoc-day-du-kinh-nghiem-tu-cuoc-chien-karabakh-post522669.antd