Nga chính thức cho xuất khẩu Su-57, Việt Nam có quan tâm?

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 đã được Bộ Quốc phòng Nga cho phép xuất khẩu sớm hơn nhiều so với dự định ban đầu.

Tại Triển lãm Hàng không quốc tế LIMA 2019, ông Victor Kladov, Giám đốc về Chính sách khu vực và Hợp tác quốc tế của Tập đoàn công nghiệp quốc phòng nhà nước Rostec đã cho biết, Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ phê chuẩn kế hoạch xuất khẩu tiêm kích tàng hình Su-57 trong vài tuần tới.

Phiên bản thương mại của Su-57 với tên định danh Su-57E dự kiến chính thức ra mắt tại Triển lãm Hàng không Dubai vào tháng 11/2019, "Chúng tôi tin rằng Trung Đông là thị trường hấp dẫn đối với chiếc chiến đấu cơ này", ông Kladov nói thêm.

Việc Nga dự định xuất khẩu sớm tiêm kích tàng hình Su-57 được đánh giá là hành động nhằm quay vòng vốn sản xuất để tái đầu tư trang bị cho Không quân Nga, đồng thời muốn "nhờ" các khách hàng kiểm nghiệm nốt tính năng của máy bay.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 của Nga

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 của Nga

Đúng như kỳ vọng, mới đây hãng thông tấn Nga Interfax đã dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, các tài liệu phục vụ việc cho phép xuất khẩu Su-57 đã được thông qua, mở đường cho việc chiếc tiêm kích tàng hình này sớm xuất hiện trên thị trường vũ khí thế giới.

Theo Bộ trưởng Công Thương nghiệp Nga, ông Denis Manturov thì chiến đấu cơ Su-57 có tiềm năng rất lớn ở Trung Đông, nơi đang có nhu cầu đối với máy bay thế hệ 5 nhưng Mỹ sẽ chưa hoặc không bao giờ bán F-35 Lightning II cho họ.

Ngoài thị trường Trung Đông, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng nổi lên với 2 ứng viên sáng giá là Trung Quốc và Ấn Độ, khi Bắc Kinh cần có mẫu đối chứng công nghệ với J-20 của mình, còn New Delhi trước sự thất bại của chương trình FGFA cũng muốn mua luôn Su-57 để thay thế.

Việt Nam liệu có sớm đặt mua tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57?

Một ứng viên tiềm năng khác cũng được nhắc tới chính là Không quân nhân dân Việt Nam, khi chúng ta được người Nga đánh giá là cần tới phi đội 24 chiếc Su-57 vào giai đoạn sau năm 2020 để hiện đại hóa lực lượng, do vậy khi Nga đã cho phép xuất khẩu Su-57 thì liệu Việt Nam có sớm quan tâm?

Mặc dù nhu cầu là có nhưng một lần nữa phải khẳng định rằng nguyên tắc mua vũ khí của Việt Nam là chỉ đặt niềm tin vào những loại nào đã chứng tỏ được năng lực qua thời gian dài sử dụng, trong khi Su-57 lại chưa đáp ứng điều kiện trên và còn khá nhiều khiếm khuyết, nhất là ở động cơ.

Với đặc điểm trên, theo các chuyên gia Việt Nam sẽ không nằm trong danh sách những khách hàng đầu tiên của Su-57 mà ít nhất cũng phải vài năm nữa, sau khi quan sát kỹ chiến chiến đấu cơ thế hệ 5 này thể hiện trong thành phần không quân những quốc gia khác.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/nga-chinh-thuc-cho-xuat-khau-su-57-viet-nam-co-quan-tam-3378389/