Nga 'chết lặng' trước động thái khó tin của Ba Lan

Giới chức Ba Lan từ chối mời một phái đoàn Nga đến tham dự lễ kỷ niệm 80 năm ngày nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ II. Động thái này của Ba Lan đã khiến Nga cực kỳ phẫn nộ và lên án kịch liệt. Bản thân một số chính khách đối lập ở Ba Lan cũng phản đối hành động của chính phủ Ba Lan.

Tổng thống Putin

Tổng thống Putin

Ông Krzysztof Szczerski - một cố vấn của Tổng thống Ba Lan, hôm 20/3 cho biết trong bài bình luận được đăng tải trên hãng thông tấn của Ba Lan - PAP rằng Nga không được mời đến tham dự các sự kiện vào tháng 9 tới do các hành động “gây hấn” ở Ukraine.

Nga đã phải hứng chịu rất nhiều các biện pháp trừng phạt quốc tế khác nhau kể từ sau khi nước này tiến hành vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và do bị cáo buộc hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Ông Szczerski tiết lộ, lễ kỷ niệm sắp tới sẽ được tổ chức “cùng với các nước mà Ba Lan đã có sự hợp tác thân thiết trong giai đoạn hiện nay để hướng tới hòa bình dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế, hướng tới chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ."

Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố được phát đi vào cuối ngày thứ Tư (20/3) rằng, Nga thực sự “choáng váng” trước hành động “coi thường” của Ba Lan đối với Nga. Moscow tức giận cáo buộc chính phủ Ba Lan đang tìm cách viết lại lịch sử để phù hợp với các mục tiêu chính trị của nước này và đang tìm cách biến lễ kỷ niệm vào tháng 9 trở thành cuộc họp “bí mật” riêng.

"Bất chấp sự đóng góp then chốt của đất nước chúng tôi trong cuộc chiến chống lại phát xít Đức và giải phóng Ba Lan khỏi tay những kẻ xâm lược phát xít, Ba Lan lại không dành cho Nga một chỗ trong lễ kỷ niệm cuộc chiến này”, tuyên bố của Nga viết.

Moscow tin rằng, phương Tây thường tìm cách quên đi thực tế rằng chính Liên Xô đã cứu thế giới khỏi tay phát xít Đức.

Ước tính có đến 27 triệu binh sĩ của Hồng quân và người dân của Liên Xô đã thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ II và chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến chết chóc nhất lịch sử loài người được xem như là niềm hãnh diện, tự hào to lớn của nước Nga.

Một số chính khách Ba Lan cũng bày tỏ sự không đồng tình với quyết định của chính phủ cánh hữu của Ba Lan trong việc phớt lờ Nga.

Cựu Thủ tướng Leszek Miller – người đang chạy đua tranh cử một ghế trong Quốc hội Châu Âu, đã phát biểu trên truyền hình Polsat rằng, “thật khó để nói về Chiến tranh Thế giới thứ II mà không đề cập đến các nỗ lực vũ trang của Liên Xô."

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đến Ba Lan tham dự lễ kỷ niệm ngày nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ II cách đây 10 năm và khi đó, ông Putin đã có bài phát biểu tại bán đảo Westerplatte, Gdansk. Đây là nơi thế chiến II bắt đầu với cuộc xâm lược của phát xít Đức vào ngày 1/9/1939.

Chuyến thăm nói trên của ông Putin được thực hiện dù khi đó quan hệ giữa Nga và Ba Lan cũng rơi vào căng thẳng. Trong một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương, ông Putin và Thủ tướng Ba Lan khi đó là ông Donald Tusk đã tiến hành hội đàm với nhau.

Đề cập đến sự kiện ông Putin đến tham dự lễ kỷ niệm cách đây 10 năm, ông Michal Baranowski – người đứng đầu văn phòng Warsaw của Quỹ Marshall Đức ở Mỹ, cho rằng: "Tình hình hiện tại khác rất nhiều với khi đó. Kể từ đó, chúng ta đã chứng kiến vụ sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc chiến ở Donbass – nơi Nga phá vỡ mọi quy định và tiêu chuẩn có thể và tự cô lập chính mình. Sẽ rất là sốc nếu ông Putin được mời đến tham dự như một nguyên thủ bình thường bởi tình hình bây giờ không bình thường”.

Trong khi đó, văn phòng Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda giải thích “điểm then chốt trong việc mời đại biểu đến tham dự lễ kỷ niệm không liên quan đến lịch sử mà liên quan đến thời hiện tại”.

Động thái trên của Ba Lan là mới nhất trong hàng loạt bước đi mà nước này thực hiện nhằm chống lại Nga trong những năm gần đây. Ba Lan là một nước thành viên NATO nằm gần với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga.

Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan đã thể hiện thái độ phản đối Nga mạnh mẽ, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine. Ba Lan được ví như “tiền đồn” chống Nga của NATO.

Song song với đó, trong thời điểm này, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng để lấy cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực. Sự thổi phòng về mối đe dọa từ Nga cũng khiến nhiều nước láng giềng Đông Âu và Baltic ra sức tăng cường sức mạnh quân sự cho nước họ đồng thời liên tục kêu gọi, thúc giục Mỹ và NATO tăng cường sự hiện diện quân sự đến khu vực xung quanh Nga.

Với cái cớ về mối đe dọa từ Nga, Ba Lan có rất nhiều hành động khiêu khích, chọc giận nước láng giềng Nga. Ba Lan là nước được Mỹ và NATO chọn làm nơi lắp đặt các bộ phận trong hệ thống phòng thủ tên lửa được cho là nhằm vào Nga. Ba Lan cũng là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tập trận của Mỹ và NATO. Chưa hết, Ba Lan còn từng công khai tuyên bố, nước này đang đàm phán với Mỹ về khả năng đưa “kho vũ khí hạng nặng” của Washington đến đặt trên đất Ba Lan.

Thái độ của Ba Lan khiến Nga thực sự tức giận và liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201903/nga-chet-lang-truoc-dong-thai-kho-tin-cua-ba-lan-629687/