Nga cấp vũ khí đỉnh cao cho 'kỳ phùng địch thủ' của Trung Quốc

Lô hàng tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf đầu tiên của Nga sẽ được bàn giao cho Ấn Độ vào cuối năm 2021 đúng như kế hoạch, Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga – ông Vladimir Drozhzhov vừa cho các phóng viên biết như vậy tại triển lãm quốc phòng quốc tế DefExpo 2020 tại Lucknow, Ấn Độ.

Tên lửa S-400

Tên lửa S-400

"Việc thực hiện hợp đồng này sẽ diễn ra đúng như kế hoạch. Lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối năm 2021. Hoạt động đào tạo các chuyên gia Ấn Độ sẽ bắt đầu trước giai đoạn bàn giao," ông Drozhzhov cho hay.

Moscow và New Delhi đã chính thức ký hợp đồng S-400 vào tháng 10 năm ngoái. Theo hợp đồng này, Nga sẽ bán cho Ấn Độ các tên lửa phòng không tối tân S-400 có trị giá lên tới hơn 5 tỉ USD.

Thông tin về hợp đồng S-400 giữa Nga với Ấn Độ đã khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều lo lắng. Cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn New Delhi có trong tay các tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Trung Quốc đặc biệt lo ngại về thông tin New Delhi ký được hợp đồng mua S-400 của Nga và sắp được Moscow bàn giao hệ thống vũ khí hàng đầu này. Việc Nga bán loại tên lửa có sức mạnh khủng khiếp như vậy cho Ấn Độ chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc không chỉ có cảm giác lo ngại, bất an mà còn tức giận. Quan hệ giữa Trung Quốc và nước láng giềng Ấn Độ không mấy êm đẹp. Giữa hai nước có cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở khu vực biên giới. Ngoài ra, còn tồn tại một cuộc đua ngầm rất mạnh giữa hai nước lớn của Châu Á nhằm tranh giành ảnh hưởng về vị thế trong khu vực cũng như quốc tế. Trong những năm qua, New Delhi nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của họ là nhằm để đối phó với hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.

Bắc Kinh cũng không cảm thấy thoải mái trước việc Moscow bán S-400 cho Ấn Độ bất chấp mối quan hệ được miêu tả là tốt chưa từng có giữa Nga với Trung Quốc.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Ngoài Trung Quốc, Mỹ cũng phản đối quyết liệt hợp đồng S-400 giữa Nga và Ấn Độ. Mối quan hệ đang ấm lên giữa Mỹ và Ấn Độ trong thời gian qua đã phải đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng xấu do việc New Delhi mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga. Giới chức Mỹ liên tục cảnh báo rằng, Ấn Độ nên suy nghĩ thật kỹ khi đưa ra những lựa chọn chiến lược liên quan đến vấn đề mua các tên lửa S-400 của Nga.

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Nga, theo đó bất kỳ nước nào có giao dịch với ngành quốc phòng và tình báo của Nga sẽ phải đối mặt với một loạt biện pháp trừng phạt phụ. Tuy nhiên, một dự luật quốc phòng mới cho phép Tổng thống Mỹ có quyền miễn các biện pháp trừng phạt cho một nước nào đó vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Trong khi nhiều quan chức Mỹ đe dọa trừng phạt Ấn Độ nếu nước này tiếp tục thúc đẩy tiến trình mua các tên lửa S-400 của Nga thì một số quan chức khác của Mỹ phản đối bước đi này do lo ngại nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của nước Mỹ.

Nguồn VnMedia: https://vnmedia.vn/quan-su/202002/nga-cap-vu-khi-dinh-cao-cho-ky-phung-dich-thu-cua-trung-quoc-c623aa5/