Nga cấp tốc nâng cấp Pantsir-S1 sau khi bộc lộ điểm yếu tại Syria

Hãng thông tấn Nga Sputnik vừa đăng tải thông tin cho biết, phiên bản nâng cấp của tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 với tên định danh Pantsir-S1M sẽ sớm được ra mắt.

Hệ thống tên lửa - pháo phòng không tầm thấp Pantsir-S1 là một trong những vũ khí Nga có màn thể hiện ấn tượng nhất trên chiến trường Syria suốt thời gian dài qua.

Có mặt ngay từ khi quân đội Nga hiện diện tại căn cứ không quân Hmeimim, Pantsir-S1 đã đóng vai trò cận vệ, bảo vệ các tổ hợp phòng không tầm xa S-400 Triumf một cách rất tốt.

Không chỉ có vậy, Pantsir-S1 còn là vũ khí chính bảo vệ căn cứ Hmeimim trước các đợt tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử do phiến quân thực hiện liên tiếp gần đây.

Trong tay quân đội chính phủ Syria, Pantsir-S1 đã nhiều lần bắn hạ tên lửa hành trình không đối đất của Israel, góp phần giảm thiểu thiệt hại đối với lực lượng vũ trang nước này.

Tuy vậy Pantsir-S1 không phải là thứ vũ khí hoàn hảo, nó đã bộc lộ một số điểm yếu trong thời gian qua, khiến Nga phải cấp tốc đưa ra các gói nâng cấp lên phiên bản Pantsir-S1M.

Nhược điểm lớn nhất của Pantsir-S1 chính là tầm bắn của tên lửa không đáp ứng yêu cầu tác chiến, nhất là khi radar đã nhận rõ mục tiêu nhưng chưa thể khai hỏa, dẫn tới tạo cơ hội để đối phương lẩn tránh khi bay vào gần.

Để giải quyết vấn đề này, Pantsir-S1 có thể sẽ được tích hợp loại đạn tên lửa mới vốn dành cho phiên bản cao cấp Pantsir-SM với tầm bắn kéo dài gấp đôi lên tới 40 km.

Để dẫn bắn hiệu quả cho loại tên lửa mới, radar điều khiển hỏa lực, thiết bị hỏi đáp cũng như phần mềm kiểm soát bắn cũng yêu cầu phải có sự nâng cấp tương xứng.

Một vấn đề nữa cũng đang gây tranh cãi đó là có nên giữ lại hai khẩu pháo tự động 30 mm cho Pantsir-S1M nữa hay không, vì thực tế tại Syria cho thấy hiệu quả của nó rất thấp.

Các mục tiêu bị bắn hạ bởi Pantisr-S1 chủ yếu là chiến công của tên lửa, pháo thậm chí nhiều trường hợp còn không dám khai hỏa vì góc hạ nòng quá thấp, rất dễ gây đạn lạc vào quân ta.

Giải pháp tối ưu nếu muốn giữ lại khẩu pháo thì phải lắp cho nó ngòi điện tử và có chế độ lập trình điểm nổ theo lệnh của đài radar điều khiển hỏa lực hợp nhất.

Nhưng kích cỡ của viên đạn pháo 30 mm bị cho là quá nhỏ để có thể tích hợp thiết bị ngòi điện tử vào trong, thực tế cũng cho thấy cỡ pháo tối thiểu có thể lắp ngòi điện tử phải là 35 mm.

Thêm một vấn đề nữa cần lưu tâm đó là giá thành của gói nâng cấp liệu có khiến Pantsir-S1M trở nên đắt đỏ ngang với Pantsir-SM hay không, vì như vậy việc hiện đại hóa sẽ là thừa thãi.

Lúc này thay vì tiếp tục nâng cấp Pantsir-S1 lên chuẩn Pantsir-S1M, Nga cũng như các khách hàng hoàn toàn có thể nghĩ tới việc chế tạo hoặc mua mới luôn phiên bản Pantsir-SM.

Công việc hiện đại hóa Pantsir-S1 dự kiến sẽ được Nga hoàn thành vào cuối năm nay, hy vọng đến lúc đó sẽ có được cái nhìn toàn diện và chính xác nhất về vũ khí này.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-cap-toc-nang-cap-pantsirs1-sau-khi-boc-lo-diem-yeu-tai-syria/779097.antd