Nga cấp tốc đưa Su-57 trở lại Syria để đánh chặn F-22 Mỹ?

Theo đánh giá của chuyên gia Omar Lamrani, nếu xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Nga tại Syria thì lực lượng Hoa Kỳ với ưu thế áp đáp từ trên không sẽ dễ dàng giành phần thắng.

 Hiện tại tình hình ngoài khơi bờ biển Syria vẫn tiếp tục căng thẳng khi biên đội tàu chiến Nga với sự yểm trợ của máy bay ném bom Tu-160 và tiêm kích Su-30SM đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật.

Hiện tại tình hình ngoài khơi bờ biển Syria vẫn tiếp tục căng thẳng khi biên đội tàu chiến Nga với sự yểm trợ của máy bay ném bom Tu-160 và tiêm kích Su-30SM đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật.

Hành động trên của Nga được nhận xét nhằm gửi một thông điệp tới Mỹ, đó là Moskva sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ đồng minh Syria của họ bằng mọi giá.

Tuy nhiên theo nhận định của chuyên gia phân tích cao cấp Omar Lamrani thì rất khó để Hải quân Nga có thể chống cự lại lực lượng Mỹ nếu xảy ra xung đột giữa hai bên.

Ưu thế của Mỹ so với Nga không phải ở lực lượng tàu mặt nước hay tàu ngầm mà đến từ số lượng chiến đấu cơ đông đảo của họ đang đóng tại các căn cứ trong khu vực.

Ngoài áp đảo về số lượng thì Mỹ còn chiếm ưu thế về chất lượng khi tại đây họ đã triển khai cả tiêm kích tàng hình F-35 Lighting II và đặc biệt là chiếc F-22 Raptor.

Phải đối đầu với chiến đấu cơ thế hệ 5 thì có thể khẳng định được ngay rằng tiêm kích thế hệ 4 của Nga gần như không có cơ hội chiến thắng vì khoảng cách công nghệ là quá lớn.

Do vậy để phần nào san bằng khoảng cách mênh mông giữa hai bên tại chiến trường Syria vào lúc này, có nhiều ý kiến cho rằng Nga nên tiếp tục cho tiêm kích tàng hình Su-57 sang Syria để trực chiến.

Su-57 là tiêm kích thế hệ 5 duy nhất của Nga hiện nay, nó được thiết kế như một đối trọng với chiếc F-22 Raptor của Mỹ khi có khả năng không chiến tầm xa rất mạnh mẽ.

Thậm chí nếu xét về thông số lý thuyết thì Su-57 còn "ăn đứt" F-22 trên rất nhiều thông số kỹ chiến thuật cơ bản và đặc biệt là có khả năng cơ động cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên đáng tiếc rằng hiện tại Nga vẫn chưa hoàn thiện xong chiếc Su-57 của mình, ngoài một số lỗi cần khắc phục ở hệ thống cảm biến thì nan giải nhất vẫn là động cơ chưa phù hợp.

Khi chỉ được trang bị động cơ AL-41F1S vốn là loại lắp trên Su-35S thì Su-57 sẽ chưa thể bay hành trình và che giấu tín hiệu hồng ngoại, điều tối quan trọng với tiêm kích thế hệ 5.

Nhưng nếu như xác định chỉ dùng Su-57 cho không chiến ngoài tầm nhìn thì việc chưa có động cơ đúng chuẩn cũng không gây ảnh hưởng nhiều lắm đến khả năng tác chiến của nó.

Nếu Su-57 được tái triển khai tại Syria, Nga ít nhất cũng thu hẹp được khoảng cách về chất lượng chiến đấu cơ đối với Mỹ và chỉ còn phải lo đối phó với số lượng vượt trội của đối phương nữa mà thôi.

Mặc dù vậy, việc đưa một chiếc tiêm kích chưa hoàn thiện trực chiến với đối thủ hùng mạnh sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Đặc biệt hơn nếu bị bắn rơi thì chương trình vũ khí đầy tham vọng của Nga sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ.

Bởi vậy mặc dù đã có ý kiến đề xuất nhưng có lẽ khả năng để chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 lại được tung cánh trên bầu trời Syria là rất thấp, gần như bằng không.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-cap-toc-dua-su57-tro-lai-syria-de-danh-chan-f22-my/781140.antd