Nga cảnh cáo đối thủ về 'Bàn tay thần chết'

Chuyên gia Nga cảnh cáo các đối thủ nếu tấn công Nga sẽ gặp đòn phản kích chết chóc từ hệ thống được mệnh danh là 'Bàn tay thần chết'.

Nga có khả năng đáp trả tấn công tên lửa

Vừa qua, Quân đội Mỹ đã trình diễn kịch bản có thể xảy ra cho việc sử dụng tên lửa Precision Strike Missile (PrSM), được mệnh danh là "sát thủ" đối với các hệ thống phòng không Nga như S-400 Triumph hay S-500 Prometheus. Tranbg web của Defense News đã đăng tải đoạn video tương ứng.

Đoạn video cho thấy một máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules hạ cánh trên đường băng trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương, mang theo Thiết bị phóng đa miền tự trị (AML).

Cùng lúc đó, hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) rời khỏi một máy bay khác.

Các hệ thống được triển khai tại các điểm chiến lược quan trọng trên đảo. AML cho phép tự động phóng các PrSM chống hạm mô phỏng một cuộc "tấn công" vào tàu tuần dương Dự án 1164 Atlant của Nga (mã NATO là "Glory").

Còn HIMARS sử dụng PrSM tầm bắn mở rộng, được thiết kế để tiêu diệt hệ thống phòng không giống như như S-400 Triumph Nga "nằm trên một hòn đảo bị kẻ thù chiếm đóng".

Sau khi tàu chiến và hệ thống phòng không của đối phương bị phá hủy, AML và HIMARS được đưa trở lại máy bay, và các máy bay chiến đấu của Mỹ bắt đầu hoạt động nhằm tiêu diệt nốt các mục tiêu còn lại của đối phương.

Ấn phẩm viết rằng, kịch bản này có thể được ứng dụng trong hoạt động của chiến trường Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Bình luận về hoạt động của Mỹ nhằm vào Nga, Đại tá nghỉ hưu Viktor Baranets nói rằng, nếu tình huống này xảy ra thực sự, Mỹ cứ chờ mà trả giá, bởi Nga sẽ cho đối thủ biết khả năng đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa của mình.

Baranets bình luận về video quân đội Mỹ sử dụng hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS là "trò chơi máy tính" và đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của nó, đồng thời nhắc lại vũ khí vẫn chưa nhận được phê chuẩn của ủy ban Quốc hội Mỹ và Lầu Năm Góc.

Mỹ đang tìm kiếm các vũ khí khắc chế các vũ khí tiên tiến của Nga

Mỹ đang tìm kiếm các vũ khí khắc chế các vũ khí tiên tiến của Nga

Ông nhắc lại Nga có một vũ khí thực sự mà Moscow có thể sử dụng để đáp trả. Để làm ví dụ, ông trích dẫn tổ hợp điều khiển tự động Perimeter dành cho một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa lớn, mà Hoa Kỳ gọi là “Bàn tay Thần chết” (“Dead Hand”).

“Hệ thống này được kích hoạt trong trường hợp người Mỹ tấn công chúng tôi bằng một đòn bất ngờ, hủy diệt cùng một lúc tất cả các thành phố lớn của Nga như: Moscow, St.Petersburg hoặc các mục tiêu trong yếu như: Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu” - Baranets giải thích.

Ông cho biết thêm, Moscow có kế hoạch sử dụng các lực lượng hạt nhân chiến lược, theo đó "bất kỳ quốc gia nào tấn công Nga sẽ bị trừng phạt".

Perimeter: Đòn trả đũa ‘Tất cả cùng chết’

Từ năm 1985, hệ thống Perimeter chính thức đi vào hoạt động. Nó được thiết kế để bảo đảm rằng, ngay cả khi các cơ quan đầu não bị hủy diệt bởi đòn đánh đầu tiên, Liên Xô vẫn có khả năng trả đũa để khiến đối thủ cũng bị hủy diệt theo. Từ đó đến nay, Perimeter đã được thử nghiệm và nâng cấp nhiều lần.

Về bản chất, Perimeter là một hệ thống với mạng lưới liên lạc thay thế của Lực lượng Hạt nhân Chiến lược Nga - một hệ thống bí mật và đáng tin cậy không thể bị vô hiệu hóa.

Perimeter được bảo vệ vững chắc khỏi thiên tai, các hành động phá hoại thông thường và các vụ tấn công hạt nhân. Song, các chuyên gia Liên Xô/Nga cũng loại trừ khả năng hệ thống Perimeter bất ngờ "phát điên" và phát động tấn công hạt nhân mà không có bất kỳ lý do gì.

Trong khi được đưa vào trực sẵn sàng chiến đấu trên lãnh thổ rộng lớn, các trung tâm chỉ huy của hệ thống Perimeter thường xuyên giám sát các yếu tố thiên nhiên, địa chấn và bức xạ; đồng thời theo dõi dữ liệu của hệ thống cảnh báo tên lửa, chặn thu liên lạc trên các tần số mà đối phương sử dụng.

Sau khi phát hiện ra dấu hiệu của một cuộc tấn công hạt nhân, hệ thống báo cáo cho bộ tham mưu. Trong tình huống này, sẽ có các phương án xử trí sau:

Nếu câu trả lời là "cứ bình tĩnh", hệ thống sẽ nối lại hoạt động theo dõi tình hình. Nếu không có câu trả lời, Perimeter sẽ tự động truy vấn tới hệ thống điều khiển các tên lửa chiến lược.

Nếu không nhận được câu trả lời của hệ thống này, "bộ não điện tử" của Perimeter tự mình quyết định phát động cuộc tấn công hạt nhân trả đũa, vì nó nhận thức được rằng "đã đến lúc phát động đòn tấn công hủy diệt".

Hệ thống Perimeter sẽ tự động phóng các quả tên lửa đạn đạo điều khiển, chúng phát tín hiệu trực tiếp cho các hầm phóng tên lửa, tàu ngầm và các cơ sở hạt nhân khác còn sống sót để giáng đòn trả đũa. Đến giai đoạn này, hoàn toàn không cần sự tham gia của con người.

Có thể nói rằng, hệ thống này là một trong những yếu tố quan trọng nhất ngăn chặn chiến tranh thế giới thứ III, bởi các đối thủ của Moscow hiểu rằng, đòn tấn công hạt nhân Nga sẽ dẫn đến tình trạng "cả hai bên cùng chết".

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-canh-cao-doi-thu-ve-ban-tay-than-chet-3434147/