Nga ca ngợi linh hồn lá chắn thép K-300P Bastion-P Việt Nam

Chuyên gia Nga hết lời ca ngợi tính năng của tên lửa P-800 Onyx, mà Việt Nam cũng đang sở hữu với cái tên P-800 Yakhont thuộc hệ thống K-300P Bastion-P.

Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã công bố một video về vụ bắn tên lửa siêu âm của tổ hợp Bastion ở vùng Bắc Cực. Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin đã đề cập đến những lợi thế chính của hệ thống tên lửa bờ đối hạm này.

Kênh truyền hình Zvezda đã chiếu đoạn phim về cuộc diễn tập chiến thuật của Hạm đội Biển Bắc trong khu vực quần đảo Novosiberkye ở Bắc Cực.

Trong cuộc tập trận, quân đội Nga lần đầu tiên sử dụng hệ thống tên lửa ven biển Bastion, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trên đảo Kotelny. Hệ thống khai hỏa thành công tên lửa chống tàu siêu âm Onyx vào mục tiêu trên biển ở khoảng cách hơn 60 km.

Nhà bình luận quân sự Vladislav Shurigin, phụ trách chuyên mục quân sự của Izborsk Club trong cuộc phỏng vấn với Sputnik đã nói về những ưu điểm chính của tổ hợp tên lửa bờ đối hạm Bastion.

Theo ông, việc sử dụng Bastion trong diễn tập ở Bắc Cực thật là tuyệt vời. Nhưng chắc chắn đó không phải là thử nghiệm đầu tiên ở đây. Khi đưa vào biên chế trang bị, tổ hợp cần phải trải qua thử nghiệm trong tất cả các phạm vi sử dụng và điều kiện khí hậu.

Ưu điểm của tên lửa P-800 Onyx/Yakhont

Bastion là một hệ thống tên lửa bờ đối hạm rất tiên tiến và có uy lực cao, phiên bản xuất khẩu của nó (giống như của Việt Nam) được gọi là K-300P Bastion-P, sử dụng đạn tên lửa P-800 Oniks (Onyx, tên xuất khẩu là Yakhont), với tầm phóng 300km.

Sở dĩ Bastion-P được cho là một hệ thống tên lửa chống hạm siêu âm có một không hai trên thế giới, trước hết là nhờ tên lửa P-800 Onyx/Yakhont có sức mạnh vượt trội, với tầm phóng 300km, trọng lượng đầu đạn 250kg, đủ sức tiêu diệt các mục tiêu mặt nước có lượng giãn nước tới 10.000 tấn.

Việt Nam đang sở hữu hệ thống K-300P Bastion-P mua của Nga

Tên lửa P-800 Onyx và phiên bản xuất khẩu P-800 Yakhont, được thiết kế bay nhanh hơn tốc độ âm thanh 2,6 lần (Mach 2,6), tức là nó có thể bay với vận tốc 750 mét mỗi giây, để đánh chặn được nó là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi các đối thủ tiềm năng mất rất nhiều nỗ lực để tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa có hiệu quả.

Tuy nhiên, không chỉ có vận tốc mà P-800 Onyx còn có những ưu điểm lớn khác khiến nó có khả năng xuyên phá qua các hệ thống đánh chặn tầm gần và chống áp chế vũ khí điện tử của đối phương. Đó là khả năng thông minh của mỗi quả tên lửa, kết hợp với chiến thuật tấn công hỗn hợp cả loạt tên lửa kiểu bầy sói, nhưng có khả năng tự điều chỉnh mục tiêu cho từng quả tên lửa.

Tên lửa P-800 Onyx có hai loại hành trình bay cơ bản:

- Loại thứ nhất là hành trình bay chuyên ở tầm thấp, với tốc độ 680 m/s, có tầm bắn xa khoảng 120km. Loại hành trình này được sử dụng tấn công các mục tiêu đơn lẻ tầm gần, tuyệt đối bí mật, hoặc đối với nhóm tàu chiến địch có hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh, được sự hỗ trợ của các hệ thống trinh sát nhiều tầng.

- Loại thứ hai là hành trình bay cao thấp hỗn hợp với vận tốc 780 m/s, có tầm bắn xa khoảng 300 km, thường được sử dụng để tấn công phủ đầu ồ ạt với một nhóm nhiều tàu địch.

Ngay sau khi nhận chỉ thị mục tiêu và lệnh phóng từ hệ thống, quả tên lửa P-800 Onyx có thể bay lên độ cao 15 km và kích hoạt đài radar tự dẫn của tên lửa. Sau khi phát hiện mục tiêu, tên lửa tắt đài radar dẫn đường từ hệ thống trên bờ và hạ độ cao xuống 9-15m so với mực nước biển.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/nga-ca-ngoi-linh-hon-la-chan-thep-k-300p-bastion-p-viet-nam-3366397/