Nga bối rối trước xe tăng T-90 bằng bê tông của Việt Nam

Người Nga không ngừng đặt nhiều câu hỏi trước tượng đài xe tăng T-90S được làm bằng vật liệu bê tông của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đầu tuần này, nhiều tờ báo, trang tin điện tử nước ngoài bày tỏ sự ngạc nhiên trước tượng đài xe tăng T-90 đang được xây dựng tại Lữ đoàn Xe tăng 201, Quân đội Nhân dân Việt Nam. "Tượng đài được làm bằng bê tông, xét theo các bức ảnh thì bức tượng được chế tác rất chi tiết", tờ VN Sputnik News (Nga) nhận xét.

Đầu tuần này, nhiều tờ báo, trang tin điện tử nước ngoài bày tỏ sự ngạc nhiên trước tượng đài xe tăng T-90 đang được xây dựng tại Lữ đoàn Xe tăng 201, Quân đội Nhân dân Việt Nam. "Tượng đài được làm bằng bê tông, xét theo các bức ảnh thì bức tượng được chế tác rất chi tiết", tờ VN Sputnik News (Nga) nhận xét.

Tờ Sputnik còn nhận định, tượng đài được dựng lên với tỷ lệ 1: 1, những người tạo tượng đài thậm chí còn đúc đầy đủ các chi tiết của dải xích xe tăng.

Tuy nhiên, có thông tin cho rằng nhiều nhà bình luận từ nước Nga cảm thấy bối rối trước chiếc xe tăng T-90 bằng bê tông của Việt Nam. “Các nhà bình luận từ nước Nga, đất nước vốn chẳng thiếu gì thiết bị bọc thép, tỏ ra bối rối: tại sao lại cần chế tạo một chiếc T-90 bằng bê tông? Tượng đài xe tăng phải làm chính từ xe tăng!”, Sputnik ghi lại.

Thực ra, câu trả lời đơn giản thôi, với trang bị 64 xe tăng T-90S/SK mới mua từ Liên bang Nga, việc trích ra một chiếc làm tượng đài là rất phung phí, không cần thiết. Với bàn tay vàng của những người thợ xây mặc áo lính thì việc “chế tạo” một chiếc xe tăng T-90 bằng bê tông đôi khi kinh tế hơn nhiều, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ.

Trong ảnh là đội hình xe tăng T-90 của Lữ đoàn H01 – một trong những đơn vị tăng – thiết giáp tinh nhuệ nhất của QĐND Việt Nam hiện nay.

So với loại T-54/55 hay T-62 mà chúng ta sử dụng từ lâu, T-90 ở một đẳng cấp khác. Có thể ví như cưỡi T-54/55 như đi xe đạp thì lái T-90 là cảm giác của việc cầm vô lăng một chiếc ô tô hạng sang.

Phiên bản T-90 của Việt Nam được gọi là T-90S - phiên bản xuất khẩu của thế hệ T-90 đầu tiên được sản xuất năm 1992. So với bản nội địa, T-90S trang bị động cơ khỏe hơn V92S2F công suất 1.130hp của nhà máy Chelyabinsk, hệ thống giáp bảo vệ chủ động hoàn chỉnh với giáp Kontakt-5 và hệ thống bảo vệ Shtora-1.

Theo nhà sản xuất, T-90 sở hữu hệ thống điều khiển hỏa lực rất hiện đại, cho phép xe tăng bắn chính xác trong khi đang hành tiến. Trong một cuộc thử nghiệm vào những năm 1990, T-90 đã chứng minh được rằng với kíp lái kinh nghiệm, nó có thể di chuyển với tốc độ trung bình 25km/h, bắn 7 mục tiêu ở cự ly 1.500-2.000m chỉ trong vòng 54 giây. Cùng điều kiện thời gian, dòng Leopard của Đức chỉ bắn trúng 6 mục tiêu còn Abrams của Mỹ bắn 5 mục tiêu.

Nó được trang bị khẩu pháo 2A46M5 125mm có tầm bắn xa nhất đến 4.000m bằng đạn xuyên dưới cỡ, đến 5.000m với tên lửa chống tăng phóng qua nòng pháo 9M119M và đến 10.000m nếu dùng đạn nổ phá mảnh chống bộ binh. Tốc độ bắn của nó lên tới 7 phát/phút bằng hệ thống nạp tự động hoặc 2 phát/phút nếu nạp tay (trong trường hợp máy nạp gặp sự cố).

Cận cảnh tháp pháo T-90 trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-5, cụm ống phóng đạn khói 81mm PU kiểu 902B Tutra được sử dụng để tạo màn khói mù ngụy trang, gây nhiễu bức xạ laser chỉ thị mục tiêu. Hệ thống này có khả năng tạo màn khói 3 giây, tầm bắn tạo màn khói 50-80m, kích thước màn khói là 15m theo chiều cao và 10m theo chiều rộng.

Đặc biệt, T-90 là chiếc xe tăng đầu tiên ở Việt Nam với hệ thống làm mát giúp giữ gìn sức chiến đấu kíp lái trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Video Xe tăng T-90 Việt Nam lần đầu phô diễn lá chắn Shtora - Nguồn: QPVN

Hoàng Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-boi-roi-truoc-xe-tang-t-90-bang-be-tong-cua-viet-nam-1436726.html