Nga, Belarus rút khỏi Hiệp ước Bầu Trời Mở

Phía Nga đã thông báo tới Mỹ về quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở trong cuộc gặp Tổng thống Putin và Biden mới đây.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 18/6 tuyên bố, Nga sẽ hoàn toàn rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vào ngày 18/12 tới.

Các máy bay của Nga và Belarus trong một nhiệm vụ giám sát thuộc khuôn khổ OST. Ảnh: DEFENCE TALK

Các máy bay của Nga và Belarus trong một nhiệm vụ giám sát thuộc khuôn khổ OST. Ảnh: DEFENCE TALK

Theo tuyên bố, Nga đã thông báo với tất cả các quốc gia thành viên trước 6 tháng khi chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vào ngày 18/12. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định sẽ hỗ trợ Belarus, quốc gia cùng nhóm với Nga trong Hiệp ước - theo các nghĩa vụ cần thiết để đảm bảo tăng cường an ninh của Liên minh quốc gia

Belarus cũng tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước này. Hiện Belarus cũng đã gửi thông báo cho tất cả các nước thành viên, cũng như các đối tác của mình.

Được biết, việc Nga và Belarus rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở cũng đã được nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin thông báo và thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 16/6.

Trước đó, ngày 7/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký ban hành đạo luật rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Đạo luật này đã được cả Hạ viện và Thượng viện Nga thông qua lượt lần vào các ngày 19/5 và 2/6 vừa qua.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết vào năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002. Tham gia ký kết hiệp ước có 35 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nga, Canada và Liên minh châu Âu (EU). Theo hiệp ước, các quốc gia thành viên được tiến hành các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau, nhưng phải thông báo trước 72 tiếng để nước chủ nhà có thời gian phản hồi.

Theo quy ước, Mỹ và nhóm Nga - Belarus đều có 42 chuyến bay mỗi năm. Trong khi đó, Đức, Canada, Pháp, Anh, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, mỗi nước có 12 chuyến bay. Hạn ngạch thấp nhất dành cho Bồ Đào Nha, với hai chuyến. Theo quy định, các nước không được sử dụng toàn bộ định mức bay để giám sát một quốc gia duy nhất. Nga và Belarus không thể thực hiện hơn bốn chuyến bay (hạn ngạch cho một nhóm) trên không phận Mỹ và hơn hai chuyến giám sát Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Mỹ không được bay hơn tám chuyến trên bầu trời Nga và Belarus.

Quy định dành cho máy bay cũng được ghi rõ trong hiệp ước. Theo đó, máy bay quan sát không được trang bị bất kỳ loại vũ khí nào. Thiết bị chụp hình gắn trên máy bay được kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Chuyến bay cũng được thực hiện từ một sân bay cụ thể, trên máy bay luôn có đại diện của quốc gia mà chuyến bay đang tiến hành theo dõi. Hằng năm, khoảng một trăm chuyến bay giám sát được triển khai trên lãnh thổ của các quốc gia tham gia OST. Tuy nhiên, thực tế, các chuyến bay có thể bị hạn chế vì lý do an ninh quốc gia.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-belarus-rut-khoi-hiep-uoc-bau-troi-mo-3434063/