Nga 'bật đèn xanh', nói vẫn muốn bán động cơ tên lửa cho Mỹ

Ông Dmitry Rogozin, chủ tịch Cơ quan hàng không quốc gia Nga (Roscosmos), khẳng định rằng Nga sẵn sàng nối lại hợp đồng bán động cơ tên lửa đẩy cho Mỹ nếu nước này vẫn có nhu cầu.

Chương trình không gian Mỹ dựa vào động cơ RD-180 để cung cấp năng lượng cho tầng đầu tiên của tên lửa đẩy Atlas V.

Chương trình không gian Mỹ dựa vào động cơ RD-180 để cung cấp năng lượng cho tầng đầu tiên của tên lửa đẩy Atlas V.

"Chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ tiếp tục, đồng thời tin rằng lãnh đạo nước này sẽ ủng hộ chúng tôi. Bất chấp lệnh các lệnh trừng phạt, việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao là cần thiết", Sputnik dẫn lời ông Rogozin trong cuộc họp báo ngày 4/9.

Ông Rogozin nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn chưa thể sản xuất được động cơ tên lửa đẩy với giá cả và chất lượng như phía Nga đã cung cấp. “Nếu WAshington vẫn có nhu cầu, Nga sẽ tiếp tục bán động cơ tên lửa cho nước này”, ông Rogozin khẳng định.

Lâu nay, chương trình không gian Mỹ dựa vào động cơ RD-180 để cung cấp năng lượng cho tầng đầu tiên của tên lửa đẩy Atlas V để thực hiện các vụ phóng các thiết bị hàng không vũ trụ của không quân Mỹ, cơ quan an ninh quốc gia (NSA) hay Cục tình báo Trung ương (CIA) cũng như phục vụ sứ mệnh khoa học và nghiên cứu của NASA.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh đã đe dọa xóa xổ những hợp đồng mua bán tên lửa này.

Hồi đầu tháng 8 mới đây, Thượng nghị sỹ Nga Sergey Ryabukhin cho biết, Moscow sẽ đáp trả loạt lệnh trừng phạt mới nhất của Washington và một trong những biện pháp đáp trả là cắt giảm việc bán loại động cơ tên lửa cực kỳ quan trọng với chương trình không gian của Mỹ.

Bình luận của Thượng nghị sỹ Ryabukhin được đưa ra ngay sau khi có thông tin về việc Nhà Trắng chuẩn bị đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, với cáo buộc Moscow có liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergey Skripal và con gái tại Salisbury, Anh. Nga bác bỏ hoàn toàn cáo buộc này và đề nghị hợp tác điều tra, song nhiều lần bị Anh khước từ.

Theo thượng nghị sỹ Ryabukhin, các biện pháp đáp trả của Nga có thể nhắm đến việc xuất khẩu động cơ tên lửa RD-180.

Năm 1997, Moscow và Washington ký thỏa thuận cung cấp 101 động cơ RD-180 cho Mỹ, nhưng vào năm 2016 Quốc hội Mỹ ban hành lệnh cấm sử dụng loại động cơ này cho đến hết năm 2019. Tuy nhiên sau đó không lâu, lệnh cấm này bị bãi bỏ do các nhà lập pháp Mỹ nhận ra rằng ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của nước này không có động cơ thay thế cho động cơ RD-180.

Sau khi lệnh cấm được bãi bỏ, United Launch Alliance (ULA), công ty liên doanh của Lockheed Martin và Boeing đặt hàng thêm 20 động cơ RD-180 từ Energomash. Động cơ này được sử dụng cho tên lửa Atlas V và theo một số nguồn tin, ULA dự kiến tiếp tục sử dụng động cơ của Nga cho đến năm 2028. Bên cạnh động cơ RD-180, Mỹ còn mua động cơ RD-181 do Nga sản xuất để trang bị cho tên lửa Antares chuyên dùng để phóng tàu vận tải Cygnus lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cho NASA.

Minh Đăng

Theo Sputnik

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/nga-bat-den-xanh-noi-van-muon-ban-dong-co-ten-lua-cho-my-20180504224212496.htm