Nga bắt đầu được coi là nhân tố chống bành trướng

Matxcova gợi ý với Mông Cổ rằng nước này có thể trở thành một quốc gia thành viên mới của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể.

Quá hợp lý, tại sao lại không? (Vì) càng nhiều quốc gia tham gia vào hệ thống, hệ thống đó càng mạnh.

Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề là ở chỗ một đất nước đang có quan hệ chính trị chặt chẽ với Nga là Trung Quốc sẽ có thái độ như thế nào đối với viễn cảnh đó.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia Nga Gevorg Mirzayan đăng trên báo “Vzgliad” (“Quan điểm”) và nhiều báo Nga khác ngày 8/7/2020 về tam giác quan hệ Nga- Mông Cổ- Trung Quốc. Chúng tôi có bổ sung thêm bản đồ để tiện hình dung.

Ảnh: Mark Schiefelbein / AP / TASS

Ảnh: Mark Schiefelbein / AP / TASS

Ngày 7/7/2020, Vụ trưởng Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao LB Nga Georgy Zinoviev cho biết là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (Liên minh quân sự giữa các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan- viết tắt-CSTO) có thể sớm có thành viên mới. Và đây không chỉ là một thành viên mới bình thường, mà là một quốc gia đầu tiên nằm ngoài không gian hậu Xô Viết –đó là Mông Cổ.

Ông nói: “Mông Cổ đã được đề nghị tham gia CSTO và điều đó (Mông Cổ tham gia CSTO) chắc chắn là một ưu tiêu quan trọng của Nga nếu xét từ quan điểm các lợi ích của LB Nga.

Đề nghị này đang được phía Mông Cổ xem xét một cách thuận lợi, - nó (đề xuất của Nga) đã nhận được những phản hồi (tích cực) từ phía giới lãnh đạo Mông Cổ”.

Không gian rộng lớn

Tại sao đề nghị đó lại được Mông Cổ phản hồi tích cực – chuyện này cũng dễ hiểu. Trong Điều lệ của CSTO có ghi rõ rằng những quốc gia tham gia tổ chức này cam kết bảo vệ lẫn nhau chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.

Và những mối đe dọa này, nói chung, cũng không khó để nhận ra. Đối với Belarus, đấy là các nước láng giềng Phía Tây, và cả Ucraine. Với Armenia –đó là Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Đối với các nước Trung Á- đó là mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan xuất phát từ lãnh thổ Afghanistan. Còn đối với Mông Cổ, thì vào thời điểm hiện tại, mối đe dọa an ninh chủ yếu đối với nước này đến từ Trung Quốc.

Trên thực tế, Mông Cổ đang ở trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Chỉ có khoảng ba triệu người sống trên một diện tích tới gần một triệu rưỡi km vuông (để so sánh: diện tích này gấp 35 lần diện tích tỉnh Matxcova (xin lưu ý là tỉnh Matxcova chứ không phải là thành phố Matxcova). Do đó, quốc gia này đứng vị trí cuối trên thế giới xét về mật độ dân số (chỉ 2 người/ 1km2).

Trong khi đó, đây vùng đất rất giàu khoáng sản, trong đó có cả các kim loại hiếm, và cũng là khu vực trung chuyển rất thuận tiện cho giao lưu thương mại Nga-Trung. Và người Mông Cổ đang cố gắng tận dụng những lợi thế đó.

Về vấn đề này, cựu Đại sứ Mông Cổ tại Nga Luvsandandaryn Khangai đã từng nói: “Tôi tin rằng: do Mông Cổ nằm giữa Nga và Trung Quốc nên chúng tôi có thể nhận được những lợi ích kinh tế to lớn từ việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông dọc theo “Con đường Trà” (một tuyến của “Con đường Tơ lụa”).

Mông Cổ vừa đang tìm cách tham gia sâu vào các dự án năng lượng Nga-Trung –nhưng đồng thời cũng ráo riết đa dạng hóa các mối quan hệ của mình bằng cách tuyên bố quy chế trung lập và thực hiện chính sách “nước láng giềng thứ ba”.

Có nghĩa là các nhà chức trách Mông Cổ không chỉ chú trọng phát triển các mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc và Nga, mà còn cố gắng xây dựng các mối quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác.

Bầy cừu cũng không cứu được

Tuy nhiên, chính sách này của Mông Cổ không thực sự hiệu quả do những đặc thù của nền kinh tế nước này. Trong thời kỳ Xô Viết, Mông Cổ phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ với nước láng giềng phía Bắc (Liên Xô), nên khi Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế Mông Cổ cũng suy sụp ngay sau đó.

Giờ đây, đất nước này đã chuyển dịch sang Trung Quốc –đích đến của tới 90% hàng hóa xuất khẩu của Mông Cổ là Trung Quốc.

Các công ty Phương Tây có thể đầu tư bao nhiêu cũng được vào ngành công nghiệp khai thác của Mông Cổ- nhưng các sản phẩm cuối cùng trước sau gì cũng sẽ được chở đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Và tuy trước mặt công chúng, các quan chức Trung Quốc hết lời khen ngợi các đồng nghiệp của mình, nhưng luôn không hề cảm thấy xấu hổ khi lợi dụng tối đa sự phụ thuộc của nền kinh tế Mông Cổ vào Trung Quốc.

Một ví dụ cụ thể: sau chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma (tuyệt đại đa số người Mông Cổ là Phật tử) đến Mông Cổ, Trung Quốc gần như đã áp đặt lệnh cấm vận đối với nước này, sau khi đã ép Ulan Bato (Mông Cổ) cam kết sẽ không có chuyến thăm mới nào nữa của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Và đến lúc đó thì các nhà lãnh đạo Mông Cổ đã hiểu rất rõ rằng dù họ có thể gửi tặng bất kỳ một "món quà" nào đó cho Bắc Kinh để thể hiện tình cảm hữu nghị (chẳng hạn như Mông Cổ đã tặng hàng chục nghìn con cừu để hỗ trợ cuộc chiến chống coronavirus của Trung Quốc) thì Bắc Kinh vẫn sẽ không bao giờ coi Mông Cổ là một người bạn bình đẳng.

Các chuyên gia quan ngại rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ kéo theo sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc “đặc sắc” Trung Hoa - và Mông Cổ dù có cố giữ quy chế trung lập của mình thì trước sau gì cũng trở thành một trong những nạn nhân.

Tất cả những dự báo này được tăng cường thêm “sức nặng” bởi mâu thuẫn truyền đời giữa người Mông Cổ đối và người Trung Quốc, cũng như những thông tin về việc chính quyền Trung Quốc đang đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số không phải là người Hán tại những khu vực Trung Quốc. Kể cả tại một vùng được gọi là Nội Mông - phần đất lịch sử Mông Cổ nhưng hiện giờ đang nằm trong thành phần của Trung Quốc.

Khi tác giả bài báo này (chuyên gia Nga Gevorg Mirzayan) đến khu Nội Mông và có các cuộc gặp với chính quyền địa phương- thì đã nhận ra một thực tế rằng tất cả quan chức địa phương đều là người Trung Quốc (người Hán).

Đi đâu về đâu?

Dĩ nhiên, một đất nước với những nỗi lo và tiềm năng như vậy đã thu hút sự chú ý của các chính khách Mỹ. Về bản chất, theo cách hiểu của Phương Tây thì Mông Cổ là "một nền dân chủ đang phát triển” nhưng lại bị kẹp giữa hai nước láng giềng và Mông Cổ sẽ có một tương lai cực kỳ khó khăn và khó đoán định khi mà mà hai nước láng giềng vĩ đại tìm cách vẽ lại bản đồ Âu-Á".

Một số chuyên gia Mỹ cho rằng nên tận dụng Mông Cổ và những nỗi quan ngại người Trung Quốc của người Mông Cổ. Theo một lập luận kiểu như: "Mông Cổ, cũng giống như nhiều quốc gia nhỏ khác có chung đường biên giới với Trung Quốc đang rất cần vai trò “dẫn dắt” của Mỹ.

Một vai trò “lãnh đạo” cho phép Hoa Kỳ thiết lập dọc biên giới Trung Quốc một trục gồm các quốc gia đồng minh hoặc các nước thân thiện với Mỹ- một dãy "các chòm sao dân chủ" gồm Mông Cổ, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và các quốc gia khác, rồi sau đó sử dụng những quốc gia này xé lẻ sự quan tâm (và phân tán sức mạnh) của Trung Quốc trên tất cả các mặt trận.

Và lẽ ra đây chỉ là một vấn đề riêng trong quan hệ Mỹ - Trung nếu như Mông Cổ không có biên giới chung với Nga. Matxcơva cho rằng không thể để gần ba nghìn rưỡi kilomet đường biên giới hầu như không được bảo vệ ở phía Nam Siberi (biên giới Nga- Mông Cổ) cho người Mỹ hoặc người Trung Quốc kiểm soát.

Chính vì vậy, rất có thể là vì thế nên Điện Kremlin đã đề xuất với người hàng xóm Mông Cổ một giải pháp thay thế - không phải là gia nhập "chòm sao các nền dân chủ", mà là đảm bảo an ninh cho mình trước các tham vọng lãnh thổ từ phía Trung Quốc bằng cách gia nhập CSTO.

Lợi thế cạnh tranh của Matxcova trước Washington trong vấn đề này không đơn giản là (giữa Nga và Mông Cổ) có đường biên giới chung và lịch sử tương trợ và hiểu biết lẫn nhau trong suốt thế kỷ 20, mà còn là “tiếng tăm” (tai tiếng) của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Mỹ gây dựng đồng minh, nhưng lại không cứu đồng mình trong những lúc hoạn nạn–Mỹ đã không cứu Gruzia năm 2008, bỏ mặc các tướng lĩnh Ai Cập năm 2011, không cứu Ucraine năm 2014, và đã nhiều lần không cứu người Kurd.

Có một điều rất thú vị là xét từ góc độ lý thuyết, Mỹ sẽ không phản đối một giải pháp thay thế như vậy. Và không chỉ vì trong vấn đề quan hệ với Mông Cổ, lợi ích của Mỹ và Nga trùng hợp nhau (cả hai quốc gia này đều ủng hộ một Mông Cổ độc lập và có chủ quyền), mà còn vì Nga, trong trường hợp này, cuối cùng cũng đã tham gia vào ít nhất một trong những dự án khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Và cái chốt của vấn đề được đặt ra ở đây là Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào trước sự “kết nối” này.

Và nếu Bắc Kinh phản đối, thì việc gia nhập đó, rất có thể là sẽ không sớm diễn ra - không chỉ vì những quan ngại của Matxcova, mà còn vì các thành viên khác của CSTO ở Trung Á sẽ không muốn bị lôi kéo ngay vào một cuộc xung đột với Trung Quốc. Do đó, rất nhiều khả năng là trước mắt Mông Cổ sẽ chưa tham gia trực tiếp vào CSTO.

Chuyên gia Vladimir Yevseev, Trưởng phòng Hội nhập Á- Âu và phát triển Tổ chức Hợp tác Thượng Hải thuộc Viện Các nước SNG cho rằng: “Về mặt lý thuyết, Mông Cổ có thể có mặt trong CSTO, nhưng không phải với tư cách là một thành viên chính thức, mà với tư cách là một quan sát viên. Tương tự như quy chế của Moldova trong Cộng đồng kinh tế Châu Âu vậy.

Rất có thể sẽ có một quy chế đặc biệt như vậy dành riêng cho Mông Cổ. Tất nhiên, đối với CSTO, một kịch bản như vậy là rất đáng quan tâm vì nó sẽ mở rộng được không gian chịu trách nhiệm, tăng cường các khả năng kiểm soát và sử dụng các tuyến giao thông vận tải”.

Nói một cách đơn giản: Nga sẽ cố gắng tìm cách "buộc" Mông Cổ vào liên minh phòng thủ với Nga để nước này không tham gia vào các liên minh quốc phòng với các nước khác.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-bat-dau-duoc-coi-la-nhan-to-chong-banh-truong-3418483/