Nga bắt chuyên gia máy bay siêu thanh với cáo buộc phản quốc

Nga đã bắt giữ một nhà vật lý chuyên nghiên cứu mảng nhạy cảm về máy bay siêu thanh, cáo buộc ông này tội phản quốc.

Chuyên gia Anatoly Gubanov bị bắt giữ với cáo buộc phản quốc vì tình nghi chuyển giao dữ liệu mật ra nước ngoài. Ảnh: The Sun

Chuyên gia Anatoly Gubanov bị bắt giữ với cáo buộc phản quốc vì tình nghi chuyển giao dữ liệu mật ra nước ngoài. Ảnh: The Sun

Tờ Newsweek dẫn hãng thông tấn TASS (Nga) cho biết chuyên gia Anatoly Gubanov bị các sĩ quan tình báo FSB bắt giữ. TASS dẫn một nguồn thực thi pháp luật giấu tên cho biết ông Gubanov bị tình nghi đã “chuyển giao các dữ liệu phát triển hàng không bí mật ra nước ngoài”.

Darya Rozmakhova, nữ phát ngôn Tòa án quận Lefortovo ở Moscow, phát biểu với TASS hôm 4/12: “Tòa án đã quyết định bắt giữ trong một tháng và 30 ngày, tức là đến ngày 2/2/2021, như một biện pháp kiềm chế đối với Anatoly Aleksandrovich Gubanov, bị tình nghi phạm tội theo Điều 274 Bộ luật Hình sự Nga” – đây là một tội phạm được xếp vào loại tội phản quốc mức độ cao.

Vụ án hiện đang được xử lý kín, và nếu bị kết tội, Gubanov có thể đối mặt với 20 năm tù giam.

Theo tờ The Sun, Phó giáo sư Anatoly Gubanov, 63 tuổi, làm việc tại Viện Khí động lực học Trung ương Zhukovsky từ năm 1979, phụ trách giám sát một bộ phận thuộc phòng xử lý khí động học học máy bay và tên lửa. Chuyên gia này tập trung vào mảng máy bay tốc độ cao, theo TASS.

Gubanov là một thành viên của gia đình nổi tiếng trong ngành chế tạo máy bay của Nga. Bố vợ ông, Leonid Shkadov là một nhà khoa học lỗi lạc và là nhân vật chủ chốt trong ngành hàng không Liên Xô. Ba trong số 5 người con của ông Gubanov cũng làm việc trong ngành công nghiệp hàng không.

Các con của ông Gubanov làm việc cùng bố tại Viện Khí động học Trung ương Zhukovsky. Ảnh: The Sun

Hãng tin Interfax (Nga) dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, ông Gubanov từng tham gia vào nhiều hội thảo quốc tế và các dự án liên quan đến máy bay siêu âm chạy bằng hydro.

Gubanov còn là một giảng viên tại Viện Vật lý và Công nghệ Moscow (MIPT). Khi được TASS liên hệ, Viện trưởng MIPT Nikolai Kudryavtsev cho biết: “Tôi không biết người nào có tên như vậy. Chúng tôi có rất nhiều nhân viên và tôi có nhiều nhiệm vụ. Có thể sau này tôi sẽ được nói rõ ông ấy là ai, nhưng cho đến lúc này thì tôi không thể nói bất cứ điều gì”.

Nga là quốc gia đi đầu về công nghệ siêu thanh, công nghệ mang tiềm năng cách mạng hóa các hệ thống vũ khí. Chẳng hạn, tên lửa siêu thanh có thể bay với vận tốc Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) và hơn thế - tức khoảng 6.100 km/h – với quỹ đạo tương đối bằng phẳng trong khi vẫn cơ động giữa chuyến bay, khiến cho chúng khó bị hệ thống phòng thủ đối phương đánh chặn.

Tổng thống Nga Putin và các quan chức quân sự nhiều lần ca ngợi nghiên cứu về siêu thanh của Nga. Năm 2018, khi tiết một các loại vũ khí mới, ông Putin cho biết, một loại tên lửa hành trình siêu thanh mới “là bất khả chiến bại khi đối mặt với tất cả các hệ thống phòng thủ hiện tại và tương lai, cả phòng thủ tên lửa và phòng không”.

Tên lửa Tsirkon - có thể di chuyển với vận tốc Mach 8, tương đương 9.000km/h. Ảnh: Getty

Hồi tháng 10 vừa qua, quân đội Nga cho biết họ đã thử thành công một quả tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon. Quả tên lửa đã bay với tốc độ gấp hơn 8 lần vận tốc âm thanh. Tổng thống Putin ca ngợi vụ phóng thử này là “một sự kiện lớn” của đất nước.

Quân đội Mỹ được cho là đang đi sau Nga và Trung Quốc trong các chương trình phát triển siêu thanh. Mỹ hiện đang đầu tư mạnh để lấp khoảng trống này. Hồi đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đề xuất tăng 23% ngân sách cho chương trình vũ khí siêu thanh.

Cả Lục quân và Hải quân Mỹ đều đang phối hợp nghiên cứu một loại vũ khí siêu thanh được gọi là Common-Hypersonic Glide Body (CHGB). Theo Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy, nguyên mẫu vũ khí đã thực hiện chuyến bay thử thành công đầu tiên hồi tháng 3/2020, đánh trúng mục tiêu trong vòng 15cm.

Trong khi đó, Không quân Mỹ đang tiến trước với loại vũ khí phản ứng nhanh AGM-183A do Lockheed Martin sản xuất, còn được gọi là ARRW. Không quân hiện đang hoàn tất giải đoạn thử nghiệm sơ bộ với ARRW, khi lắp thành công nguyên mẫu của loại vũ khí này lên máy bay ném bom chiến lược B-52. Vũ khí phản ứng nhanh ARRW dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động thử nghiệm vào tháng 10/2021.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-bat-chuyen-gia-may-bay-sieu-thanh-voi-cao-buoc-phan-quoc-20201205113144217.htm