Nga bắt bài đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ Mỹ

Mỹ thông báo triển khai đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ W76-2 trên tàu ngầm chiến lược nhằm đáp trả việc Nga đã thử nghiệm các loại vũ khí tương tự.

Mỹ đua vũ khí hạt nhân chiến thuật

Ngày 5/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết nước này lo ngại việc Hải quân Mỹ quyết định triển khai các tên lửa hạt nhân công suất thấp trên tàu ngầm vì chúng làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân hạn chế.

Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov cho rằng việc triển khai đầu đạn W76-2 dưới danh nghĩa tăng cường răn đe khiến Nga rất quan ngại về chiến lược hạt nhân của Mỹ.

Phản ứng của Nga được đưa ra một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã triển khai một tàu ngầm trang bị loại tên lửa tầm xa mới, được lắp đầu đạn hạt nhân tương đối nhỏ. Mỹ khẳng định động thái này là nhằm đáp trả việc Nga đã thử nghiệm các loại vũ khí tương tự.

Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Rood cho biết, việc triển khai đầu đạn cấp độ chiến thuật W76-2 là nhằm “giải quyết kết luận rằng những đối thủ tiềm tàng, như Nga, tin rằng việc triển khai các loại vũ khí hạt nhân cấp độ chiến thuật sẽ mang lại cho họ lợi thế trước Mỹ và các đồng minh cũng như các đối tác của Mỹ”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov

Theo bài viết đăng tải trên trang web của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, các tác giả William Arkin và Hans Kristensen cho biết, đầu đạn W76-2 ước tính có sức nổ tương đương 5 kiloton, so với các đầu đạn hạt nhân có sức nổ 455 kiloton và 90 kiloton đã được trang bị trên các tàu ngầm của Mỹ.

Họ khẳng định các loại đầu đạn nhỏ mới đã được triển khai trên tàu ngầm USS Tennessee hiện đang tuần tra ở Đại Tây Dương.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov cho biết Nga đang tái vũ trang và "các mẫu thiết bị quân sự hứa hẹn" cũng có nghĩa là các đầu đạn của Mỹ không phải là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Nga song vẫn liên quan.

Ông Ryabkov nói: "Sự xuất hiện trên các tàu sân bay chiến lược đầu đạn năng lượng thấp nghĩa là những lập luận trước đây của Mỹ về khả năng sử dụng thiết bị như vậy đang được thực hiện. Điều này phản ánh thực tế Mỹ thực sự đang hạ thấp ngưỡng hạt nhân và họ đang thừa nhận khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế và chiến thắng trong cuộc chiến này. Điều này vô cùng đáng báo động".

Mỹ xác nhận đưa vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ lên tàu ngầm

Cũng trong ngày 5/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dự lễ trình thư ủy nhiệm tại Điện Kremlin để chào đón 23 đại sứ nước ngoài mới đến Moscow, trong số này có Đại sứ Mỹ John Sullivan. Ông Putin nói hòa bình và an ninh trên hành tinh chủ yếu phụ thuộc vào sự ổn định và khả năng dự đoán trong quan hệ giữa Nga và Mỹ, dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào các vấn đề của nhau.

Tổng thống Nga Putin nói: "Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại có ý nghĩa với phía Mỹ, kể cả trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược".

Theo giới phân tích, những nghi ngờ của Nga đối với chính sách hạt nhân Mỹ nảy sinh kể từ khi Washington rút khỏi hiệp định vũ khí chiến lược mang tính bước ngoặt, Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) tháng 8/2019, viện dẫn các vi phạm của Nga, điều mà Moscow phủ nhận.

Hiện tại, Hiệp ước START mới, được ký năm 2010 và sẽ hết hạn vào năm 2021, là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân lớn cuối cùng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.

Nga tỏ thái độ không lo ngại

Bình luận về bước đi mới nhất của Mỹ, trang Sputnik của Nga cho biết tàu chiến đầu tiên mang tên lửa với đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ là tàu ngầm hạt nhân Tennessee lớp Ohio. Hải quân Mỹ hiện có 18 tàu ngầm cùng loại thuộc lớp này, trong số đó 14 tàu mang 24 tên lửa Trident mỗi tàu.

Theo Sputnik, đầu đạn hạt nhân W76-2 với sức công phá 5 kiloton đã được trang bị cho quân đội Mỹ vào năm 2019, phát triển trên cơ sở đầu đạn 100 kiloton được chế tạo vào những năm 1980.

Điều đáng chú ý là các chuyên gia chỉ mất chưa đầy một năm để phát triển loại đầu đạn mới bởi công đoạn thiết kế chỉ bắt đầu vào tháng 4/2018 theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump.

Lầu Năm Góc tuyên bố vũ khí mới được thiết kế để cân bằng tiềm năng với Nga do Moscow sở hữu số lượng lớn vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ. Giới quân sự Mỹ tin rằng Moscow sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu Nga thất bại với vũ khí thông thường.

Hình ảnh được cho là của đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ W76

Sputnik dẫn lời giới chuyên gia đánh giá, các tàu ngầm lớp Ohio sẽ trở nên đa năng hơn - tức là có thể đáp trả nếu đối phương sử dụng vũ khí chiến thuật, và cũng có thể tham gia vào các cuộc xung đột cục bộ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quân sự, “kiềm chế Nga” chỉ là vỏ bọc che giấu mục đích thực sự của Mỹ nhằm tạo ra đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga, Tiến sĩ khoa học quân sự Konstantin Sivkov nhận định, đầu đạn W76-2 chủ yếu nhằm mục đích thực hiện tấn công vào các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Chuyên gia Nga nói với Sputnik: “Mỹ chưa tìm ra cách nào khác để giải quyết các vấn đề của họ. Quyết định này của Mỹ làm gia tăng nguy cơ xung đột hạt nhân dọc biên giới Nga và có thể dẫn đến cuộc chiến toàn diện.

Nga chỉ nên phản ứng bằng các biện pháp ngoại giao bởi đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ trước hết đe dọa các quốc gia khác. Chắc chắn rằng Nga sẽ không bị tấn công bằng những đầu đạn như vậy”.

Tên lửa chiến thuật Iskander của Nga có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật

Sputnik cũng dẫn đánh giá của giới quan sát cho rằng việc phát triển đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ mới là điều đáng báo động, bởi điều đó hạ thấp đáng kể ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhà phân tích chính trị quân sự Nga Alexander Perendzhiev lưu ý rằng bằng cách này, Mỹ có thể tăng cường yếu tố tấn công bất ngờ.

Ông Perendzhiev nói: “Tất nhiên, người Mỹ có thể sử dụng những tên lửa này. Trên thực tế, mối đe dọa như vậy rất khó để theo dõi. Theo tôi, bằng cách này, Mỹ muốn gieo rắc nỗi sợ hãi giữa các quốc gia không có khả năng kỹ thuật để phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm hạt nhân và không có hệ thống phòng thủ tên lửa đáng tin cậy.

Hiện nay, trong quá trình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa không chỉ của Nga mà còn của các quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cũng như những quốc gia mà Nga đang bảo vệ, như Syria, cần phải chú ý đến những thách thức mới”.

Theo chuyên gia Perendzhiev, Nga cũng có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên tàu ngầm nhờ có các tàu ngầm phù hợp. Chuyên gia này tự tin các tên lửa của Nga khó có thể bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hoặc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời cảnh báo khả năng đáp trả từ Nga.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên Nga Konstantin Sokolov lưu ý rằng việc sử dụng đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ là một ý tưởng vô lý và nguy hiểm.

Ông nói: “Một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ chắc chắn dẫn đến cuộc chiến tranh toàn diện. Mỹ phá hoại toàn bộ cấu trúc an ninh toàn cầu.

Họ làm như vậy để thực hiện chiến lược ‘hỗn loạn có kiểm soát’, khi toàn bộ hệ thống các thỏa thuận quốc tế cần thiết cho sự chung sống của các dân tộc trên thế giới đứng trước bờ vực sụp đổ”.

Nga không quá lo ngại về loại vũ khí mới của Mỹ?

Sputnik dẫn các nguồn cho biết, trước đây trong kho vũ khí của Mỹ đã có khoảng 1.000 đầu đạn hạt nhân công suất thấp như tên lửa hành trình cho máy bay ném bom B-52 hay bom B61. Tuy nhiên, các máy bay mang tên lửa hạt nhân dễ bị phát hiện hơn so với tàu ngầm và cũng dễ bị tổn thương trước các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.

Theo Sputnik, Liên Xô và Mỹ đã bắt đầu phát triển tích cực vũ khí hạt nhân chiến thuật vào những năm Chiến tranh Lạnh nhưng người Mỹ đã tiến xa hơn. Ngay từ những năm 1960, các đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ đã được triển khai trong tất cả các quân chủng quân đội Mỹ. Đầu đạn đặc biệt đã được đặt trên các hệ thống tên lửa phòng không, máy bay ném bom, tên lửa không đối không và mìn cỡ nhỏ.

Liên Xô bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật muộn hơn một chút và cũng có được một kho vũ khí “ấn tượng”. Liên Xô thậm chí đã tạo ra vũ khí hạt nhân mini có thể đặt trong ba lô, chỉ nặng khoảng 25 kg nên có thể đưa tới hậu phương địch để phá hoại các sở chỉ huy, sân bay và các hạ tầng khác.

Bên cạnh đó, Liên Xô cũng phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể bố trí dưới nước như ngư lôi. Năm 1955, Liên Xô đã thử nghiệm ngư lôi đầu tiên mang đầu đạn hạt nhân trên quần đảo Novaya Zemlya.

Tàu ngầm đã phóng ra đầu đạn có sức công phá 3,5 kiloton, phát nổ ở độ sâu 12 m và phá hủy nhiều tàu khu trục, tàu quét mìn và tàu ngầm.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-bat-bai-dau-dan-hat-nhan-co-nho-my-3396431/