Nga bác cáo buộc của phương Tây về tấn công mạng

Trong những ngày đầu tháng 10 này, nhiều nước châu Âu, Mỹ, Canada đã lên tiếng cáo buộc đặc vụ Nga âm mưu tấn công mạng ở những nước này. Thậm chí, Bộ Quốc phòng Hà Lan còn công bố chi tiết chiến dịch của tình báo Nga nhằm tấn công mạng tại các cơ sở của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ở nước này.

Tuy nhiên, phía Nga đã bác bỏ cáo buộc trên, coi đây là những cáo buộc vô giá trị, lố bịch và là một phần của chiến dịch thông tin giả hòng gây phương hại các lợi ích của Moscow.

Nhiều chi tiết như trong truyện trinh thám

Một trong những bằng chứng cáo buộc Nga mà Bộ Quốc phòng Hà Lan đưa ra ngày 5-10 là hình ảnh một chiếc Citron C3 màu ghi xám đậu ở bãi đỗ xe của khách sạn Marriott Hotel ở thủ đô La Hay của Hà Lan ngày 13-4-2018.

Theo cơ quan này, chiếc xe do 4 công dân Nga thuê trước đó 2 ngày. Thậm chí, Cơ quan tình báo Hà Lan (MIVD) còn nêu rõ tên của 4 người trên, cụ thể là Alexei Morenets, Evgeni Serebriakov, Oleg Sotnikov và Alexei Minin. “Những người này đã bay từ Moscow tới Amsterdam vào ngày 10-4 bằng hộ chiếu ngoại giao. Đây là những đặc vụ của Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU). Chúng tôi ngờ rằng họ đang chuẩn bị cho một vụ tấn công tin tặc”, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld khẳng định.

Ngay lập tức, toàn bộ các cơ sở của OPCW được nâng mức cảnh báo cao. MIVD đã theo dõi và phát hiện trong chiếc xe ôtô thuê này, các đặc vụ GRU đã cài các thiết bị theo dõi như ăngten, máy tính để tấn công mạng của các cơ sở của OPCW. “Chiến dịch bắt giữ 4 đặc vụ GRU diễn ra thuận lợi. MIVD đã thu giữ 20.000 USD và 20.000 euro tiền mặt, tài liệu, nhiều điện thoại, máy ảnh, máy tính và các thiết bị do thám. Một trong những điện thoại bị thu giữ có kết nối với hệ thống vệ tinh ở Moscow và các văn phòng GRU”, bà Ank Bijleveld cho biết.

Bốn công dân Nga bị Hà Lan cáo buộc là điệp vụ của GRU. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hà Lan.

Ngoài ra, MIVD cũng tìm thấy trong túi của Alexei Morenets cuốn sổ tay ghi hành trình đi taxi tới sân bay Moscow. Theo cuốn sổ này, Alexei Morenets lên xe ở một trong những con phố gần trụ sở GRU. Tương tự, các lượt tìm kiếm trên trang web về OPCW cũng được tìm thấy trong máy tính của Evgeni Serebriakov. Bộ trưởng Ank Bijleveld nhận định: “Chiến dịch mà các đặc vụ GRU tiến hành ngang tầm thời Chiến tranh Lạnh”.

Moscow đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời khẳng định nhiều chi tiết như trong một bộ phim trinh thám. Các cáo buộc của Hà Lan chống Nga được đưa ra giữa lúc quan hệ giữa Moscow với Mỹ và phương Tây đang căng thẳng. Ngày 4-10, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội 7 đặc vụ thuộc GRU âm mưu tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu của Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) và nhiều tổ chức khác.

Phát biểu họp báo, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách an ninh quốc gia John Demers cho biết, bản cáo trạng bao gồm các tội danh rửa tiền, sử dụng các đồng tiền ảo như bitcoin, gian lận tài chính sử dụng công nghệ thông tin hoặc viễn thông, và đánh cắp nhân dạng. Ông Demers cho rằng, mục tiêu của Nga là nhằm vào các tổ chức thể thao quốc tế, cũng như OPCW và Công ty năng lượng hạt nhân Mỹ Westinghouse.

Cùng đưa ra kết quả tương tự, Vương quốc Anh cũng xác định hai nhân viên tình báo của GRU là Ruslan Bochirov và Alexander Petrov phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc ông Sergei Skripal và con gái. Theo Sputnik, đây không phải là lần đầu tiên phương Tây sử dụng chiêu trò tin giả nhằm cáo buộc Moscow liên quan tới các cuộc tấn công mạng. Cho đến nay, Moscow đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên của phương Tây.

Con bài chính trị

Theo Moscow, việc phương Tây tạo cớ GRU tấn công mạng trụ sở OPCW là một phần của chiến dịch thông tin giả hòng gây phương hại các lợi ích của Nga. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, ai cũng biết OPCW là nơi nghiên cứu mẫu độc tố novitchok - chất độc được sử dụng trong vụ mưu sát hai cha con cựu điệp viên người Nga Sergue và Ioulia Skripal ngày 4-3 vừa qua.

“Đây là hội chứng cuồng gián điệp của phương Tây và Nga là nạn nhân của một chiến dịch truyền thông mới có tổ chức mang tầm quốc gia. Phương Tây đã sử dụng cớ trên để “mượn gió bẻ măng”, cho rằng Moscow cần xóa dấu vết nên mới theo dõi OPCW”, bà Maria Zakharova khẳng định.

Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko cũng lên tiếng chỉ trích cáo buộc của Anh, cho rằng đây chỉ là câu chuyện mơ hồ do phía Anh dựng lên. Nga sẵn sàng ngồi lại đối thoại với Anh, thay vì “lời qua tiếng lại” thông qua truyền thông như vụ đầu độc ở Salisbury, Anh.

Trong một động thái đáp trả, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố tài liệu tố cáo Mỹ và Anh đang bí mật sản xuất và thử nghiệm vũ khí sinh học và hóa học trên người tại Gruzia, vi phạm luật pháp quốc tế. Theo tài liệu mà Bộ Quốc phòng Nga có được, phòng thí nghiệm bí mật của Mỹ đang vận hành tại Trung tâm Lugar, gần thủ đô Tbilisi của Gruzia.

Trong danh sách ưu tiên nghiên cứu của Mỹ tại phòng thí nghiệm ở Gruzia có "các tác nhân tiềm năng của vũ khí sinh học như các tác nhân gây bệnh tularemia, bệnh than, brucella, sốt xuất huyết, sốt xuất huyết Crimean-Congo và các bệnh khác truyền nhiễm qua côn trùng hút máu". Tất nhiên, Washington và London đều đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc cáo buộc Nga tấn công mạng chỉ là một con bài chính trị. Trong bối cảnh vị thế của Moscow đang tăng cao thời gian gần đây, việc phương Tây coi GRU là thủ phạm liên quan tới một loạt vụ tấn công mạng ở châu Âu và Mỹ vừa qua chỉ là cái cớ làm xấu đi hình ảnh nước Nga trong mắt cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cáo buộc là một chuyện, còn xác định ai thực sự là người đứng sau một cuộc tấn công mạng là chuyện khác, rất phức tạp và có khi chẳng bao giờ tìm ra thủ phạm.

Yên Phúc (theo actu.orange.fr)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nga-bac-cao-buoc-cua-phuong-tay-ve-tan-cong-mang-514515/