Nga áp đảo trận chiến Syria, thế chân Mỹ ở Trung Đông

Trung Đông đang được tái cơ cấu theo hướng mới. Rất có thể sắp tới Mỹ sẽ 'bốc hơi' khỏi Trung Đông một cách tương đối hòa bình và Nga sẽ thế chân Mỹ trong khu vực này, UNZ nhận định.

Cường kích tối tân S-34 "thú mỏ vịt" Nga tham chiến tại Syria

Theo UNZ, con tàu khổng lồ mang tên nước Mỹ vẫn có thể đâm sầm và sụp đổ dưới gánh nặng của những tham vọng và nghĩa vụ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố giúp nước Mỹ hạ cánh an toàn nhất có thể.

Hành động của ông Trump được trợ giúp bởi Quốc hội và truyền thông. Mỗi khi ông Trump đề xuất, Quốc hội và truyền thông đều phản đối và điều này giúp đẩy nhanh tốc độ hạ cánh của nước Mỹ. Nhiều năm qua, Mỹ đã can thiệp thô bạo vào Trung Đông. Trước đây, đế chế Anh đã suy yếu và rút khỏi nhiều thuộc địa, bây giờ đến lượt Mỹ.

Nói cách khác, Nga đang tiến vào trong khi Mỹ rút khỏi Trung Đông. Nga sẽ không thống trị khu vực này hay bất kỳ nơi nào. Thế giới đang quay trở về thế giới đa cực hồi thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với những nhân tố khác nhau nhưng cùng chung một mô hình. Mô hình này buộc Nga phải cố gắng hết sức để ổn định khu vực mà không trở thành bá quyền.

Nga đã đạt được giấc mơ nhiều thế kỷ: Đó là có một chỗ đứng ở Địa Trung Hải, phía bên kia eo biển Bosphorus. Giấc mơ đó đã kéo Nga tham chiến Thế chiến I và nước này đã giành được mục tiêu mà không phải chịu tổn thất quá nặng nề. Giờ đây họ lại tìm kiếm sự ổn định, và các nước láng giềng của Syria đã quá quen với sự hiện diện của Nga trong khu vực.

Các lãnh đạo Trung Đông hiện đang đổ xô đến Mátxcơva vì cảm nhận thấy Mỹ đang có xu hướng rời khỏi khu vực, trong khi đó các sứ giả của Điện Kremlin lại liên tục đến Trung Đông. Họ phải tái thiết lập trật tự khu vực sau cuộc nội chiến Syria. Ở khu vực này đang diễn ra một số cuộc đối đầu dính líu đan xen với nhau ở Syria, Palestine, Iraq, Yemen và các nhân tố chính như Nga, Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ả Rập Xê-út.

Israel đang chơi một ván bài hết sức nguy hiểm, đó là đánh bom quân đội Syria hàng ngày. Cho dù sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, Nga vẫn không thể bảo vệ các mục tiêu ở Syria, Nga chỉ đủ sức bảo vệ các căn cứ của mình. Máy bay của Israel có thể nhởn nhơ mà không bị trừng phạt ở Li-băng. Đôi khi có những chuyến bay trinh sát, đôi lúc lại ném bom.

Trong chuyến bay trinh sát gần đây, máy bay của Israel đã bị tên lửa chống máy bay thế hệ cũ của Syria đe dọa và rõ ràng đã trốn thoát mà không bị thương (cho dù phía Syria khẳng định là có tấn công những thông tin vẫn chưa được xác nhận). Vài giờ sau đó, máy bay của Israel đã đến và tiêu diệt cả khẩu đội tên lửa của Syria, trong khi Nga chỉ ngồi đó và không làm gì cả. Sự im lặng của Nga là hệ quả của một chuỗi sự kiện và cũng kéo theo những hệ quả nghiêm trọng.

Trong chuyến thăm gần đây nhất tới Nga, Thủ tướng Israel Netanyahu đã cảnh báo Tổng thống Vladimir Putin rằng Israel sẽ không im lặng nhìn Iran và Hezbollah cải thiện vị thế so với Israel ở Syria, và ông yêu cầu Nga rút quân Iran ra khỏi Syria. Ông Putin dù từ chối nhưng đã bày tỏ sự thấu hiểu và hứa sẽ cố giữ quân Iran cách biên giới Israel 5 dặm. Kể cả muốn nhiều hơn, ông Putin cũng không thể làm gì.

Chiến đấu cơ Israel nhiều lần tấn công Syria

Iran là đồng minh của Nga ở Syria và còn hơn thế nữa. Iran tham gia (cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga) trong tiến trình hòa bình ở Astana. Iran, Azerbaijan và Nga đã hình thành tuyến đường vận chuyển dầu và hàng hóa Nam-Bắc quan trọng; Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga dự định hợp tác cung cấp khí đốt cho châu Âu. Iran ủng hộ Mátxcơva trong cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan Chechnya được Washington hậu thuẫn, đó là quan hệ đồng minh mà ông Vladimir Putin đã nói về Iran trong cuộc phỏng vấn với Oliver Stone.

Quan hệ giữa Iran và Nga không phải là mối quan hệ tình cảm đơn thuần mà là sự hợp tác và phối hợp ăn ý trong các sự vụ. Những người Iran ở Syria đã chiến đấu hết sức mình. Nếu không có họ, Nga sẽ phải đưa quân tới tham chiến trực tiếp, điều mà ông Putin chắc chắn sẽ ngần ngại hành động, UNZ cho hay.

Binh lính Iran là những chiến binh quả cảm và chính phủ Syria muốn chiến thắng thì phải cần đến họ. Họ đã chứng minh tinh thần chiến đấu khi lực lượng Shia của Iraq do Vệ binh Cách mạng Iran huấn luyện đã chiếm được Kirkuk, cùng với quân đội chính phủ Iraq, buộc chính phủ Kurdistan với mong muốn giành độc lập phải trả giá.

Kurdistan được coi là “Israel thứ hai”, một nước không phải nước Ả Rập thế tục, thân thiện với Israel. Bị coi là “Israel thứ hai” là một so sánh không mấy hay ho trong khu vực hiện đang nhức đầu vì Israel.

Kurdistan hiện nay đang đóng ở Kirkuk. Khu vực này với những giếng dầu có ý nghĩa và giá trị đặc biệt quan trọng. Kirkuk rơi vào tay người Kurd khi IS đánh đuổi được quân đội Iraq. Nhưng IS lại không đánh Kurd, bên được cho là từng giúp đỡ IS ở Mosul.

Người Kurd ở Iraq đã không thể giữ được Kirkurd trước đợt tấn công của quân đội Iraq

Ngoài việc bị coi là Israel thứ hai, người Kurd còn bị coi là IS thứ hai, nói cách khác là một dự án của Israel và Mỹ nhằm phá vỡ sự thống nhất mong manh của thế giới Ả Rập. Nhưng trái ngược với Israel, Kurdistan đã không quản lý tốt mọi thứ.

Masoud Barzani, lãnh đạo của Kurdistan (cho dù không được cộng đồng người Kurd ở thành phố Sulaymaniyah thừa nhận) đã tự cho mình số tiền lương mỗi tháng cao hơn cả của ông Obama mỗi năm. Không chỉ vậy, ông Barzani còn lấy lợi nhuận từ dầu mỏ làm của riêng và trở thành tỷ phú.

Tệ hơn cả là ông là một nhà quản lý không lấy gì làm giỏi giang. Trong khi giá dầu đang cao, Kurdistan đã ngừng sản xuất tất cả mọi thứ trừ dầu, và người dân đã phải sống dựa vào của bố thí cho sự trung thành của họ. Khi giá dầu rẻ, nền kinh tế của Kurdistan đã sụp đổ với khoản nợ lên đến 20 tỷ USD, ông Barzani quyết định gia tăng rủi ro lên cao hơn và tuyên bố quyền độc lập cho khu tự trị, bao gồm cả Kirkuk. Ông hi vọng Israel và Mỹ sẽ không để Iraq thúc ép mình vì ông có cố vấn của Israel và các huấn luyện viên quân sự của Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng tin vào sức mạnh quân sự của người Kurd.

Nhưng sự thật là binh lính người Kurd lại không hề muốn hy sinh vì Barzani, vì họ đều biết Kirkuk chẳng bao giờ thuộc về người Kurd. Họ đã rút lui và để cho quân lính Iraq chiếm lấy vùng Kirkuk.

Israel thất vọng, Mỹ phản bội đồng minh và Iran lại nẫng tay trên. Nhưng thực tế, đây lại là một điều may mắn, vì nếu người Kurd giành được độc lập sẽ kích động chủ nghĩa ly khai ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria. Do đó, Iran thực chất đã cứu Syria khỏi mối đe dọa thực sự từ người Kurd.

Và đến phần Israel, việc tiêu diệt khẩu đội tên lửa của Syria hết sức phức tạp. Hành động này diễn ra đúng vào ngày Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đến thăm Israel. Cho dù Israel cho biết họ đã thông báo trước cho phía Nga nhưng thực tế họ lại thông báo sau, và ông Shoigu nhận được tin từ trụ sở khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống Israel.

Ông Shoigu đã rất bực mình vì món quà chào đón này, và ông đã bày tỏ sự bất mãn với Israel. Israel trả lời rằng mặc dù đã chú ý đến lợi ích của Nga ở Syria, nhưng một khi an ninh quốc gia bị đe dọa thì họ sẽ không cần cân nhắc đến lời cố vấn của bên nào cả.

Tuy nhiên đây lại là một hành động hết sức sai lầm, vì Israel đã đẩy ngưỡng xung đột lên quá cao với một niềm tin sâu sắc rằng hành động như vậy sẽ đem lại cho mình chiến thắng. Và kết quả thường không lấy gì làm tốt đẹp.

Lần này, thái độ hung hăng của Israel đã phản tác dụng. Bộ trưởng Quốc phòng Iran đã hứa sẽ bảo vệ vùng trời của Syria. Lời đề nghị này có thể dẫn đến hai hệ quả. Thứ nhất, Nga sẽ cảm thấy ghen tị và sẽ đóng kín không phận của Syria và Li-băng chống lại Không quân Israel. Thứ hai, Nga sẽ đứng sang một bên và cho phép Iran thực hiện. Trong cả hai trường hợp, vị thế của Iran ở Syria đều được cải thiện, và Israel sẽ đánh mất sự tự do hành động ở Li-băng và Syria.

Sự không khoan nhượng của Israel có thể sẽ không ảnh hưởng đến việc hòa giải với Palestine. Hai đảng chính là PLO cai trị phía Bờ Tây và Hamas cai trị dải Gaza đã dàn xếp được những khác biệt. Dải Gaza sẽ trở lại dưới quyền kiểm soát của PNA. Israel hết sức tức giận vì họ luôn muốn nhìn thấy các đảng phái bên trong Palestine lục đục, giúp cho họ không thể đàm phán với ông Mahmud Abbas vì ông chỉ đại diện cho Bờ Tây. Giờ đây Israel lại viện cớ không thể đàm phán vì Hamas là lực lượng khủng bố.

Israel yêu cầu ba điều kiện tiên quyết từ Hamas gồm (1) công nhận Israel, (2) giải giáp, (3) ngừng việc tuyên truyền chống Israel. Hamas tất nhiên chẳng thể đồng ý với yêu sách này. Mỹ ủng hộ việc Israel từ chối đàm phán, và cho biết Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ tài chính cho PNA nếu Fatah và Hamas cùng tham gia vào một chính phủ.

Lúc này, Nga đã tận dụng cơ hội tiếp quản việc quản lý các nỗ lực hòa giải. Các lãnh đạo Hamas đã tới Mátxcơva và đã được tiếp đón nồng nhiệt.

Giờ đây lãnh đạo Hamas lại tới Iran để yêu cầu giúp đỡ. Iran đã hứa sẽ giúp đỡ. Do đó chính thái độ không khoan nhượng của Israel đã đưa Iran tiến vào dải Gaza. Nga đã đề xuất các sáng kiến hòa bình, và khi những sáng kiến này bị bác bỏ thì Iran đã đưa ra giải pháp quân sự thay thế (tình thế này giống hệt như Kurdistan, khi Nga kêu gọi ông Barzani hoãn trưng cầu dân ý đòi độc lập một vài năm thì ông Barzani đã không nghe, và sau đó Iraq đã tiến vào và chiếm lấy Kirkuk.)

Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Lieberman cho biết, trong tương lai gần, Israel sẽ chiến đấu trong một cuộc chiến ba mặt trận cùng một lúc: ở Li-băng, ở Syria và ở dải Gaza. Ở cả ba địa điểm này, Iran đều đang đợi Israel, trừ khi Israel đồng ý với ý tưởng của Nga.

Còn về Mỹ thì sao? Ông Trump vẫn có lựa chọn gây chiến với Iran và lựa chọn này không phải là bất khả thi. Và sau đó sẽ không ai có thể sinh sống ở Trung Đông được nữa. Nếu Mỹ đứng ngoài cuộc thì có thể các bên sẽ tìm được một thỏa thuận hòa bình.

Ở một góc độ khác, Thổ Nhĩ Kỳ thực tế đã công khai rời xa Mỹ. Cảnh sát nước này đã bắt một nhân viên Lãnh sự quán của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ đã phản ứng một cách nặng nề, đó là ngừng cấp visa cho người dân Thổ. Thổ đáp trả bằng cachs cũng ngừng cấp visa cho công dân Mỹ.

UNZ cho rằng những hành vi trả đũa này là hệ quả của việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, điều này đã khiến Mỹ vô cùng tức giận.

Chọc tức Mỹ-NATO, Thổ Nhĩ Kỳ công khai mua hệ thống S-400 của Nga và A Rập Xê út cũng đang có ý định này

Việc di dời quân NATO khỏi căn cứ không quân quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế là hành động trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO. Thổ cũng giúp Nga và Iran phá hoại nền độc lập ngắn ngày của Nhà nước Kurdistan: họ đóng cửa đường biên giới không cho dầu của Kurdistan vận chuyển qua và nền kinh tế của nhà nước nhỏ bé này ngay lập tức đã suy sụp.

Ả Rập Xê-út, người bạn đáng tin cậy của Mỹ đã bắt đầu cảm nhận được nhiệt. Mới đây, Vua Ả Rập Xê-út đã tới thăm Mátxcơva và hứa sẽ mua S-400, đồng thời phàn nàn rằng Iran quá hung hăng và quyền lực trong khu vực.

Quan trọng hơn là Ả Rập Xê-út còn đồng ý cắt giảm lượng sản xuất dầu mỏ để đảm bảo cho giá dầu cao, đây là điều khoản hết sức có lợi cho Nga. Vì từ cuối những năm 1980 đến nay, nền kinh tế Nga đã gặp rất nhiều khó khăn khi Ả Rập Xê-út theo yêu cầu của Mỹ đã hạ giá dầu xuống thêm 5 USD/thùng, phá hoại nền kinh tế Liên Xô. Giờ đây dường như Ả Rập Xê-út và Nga đang âm thầm thỏa thuận với nhau.

Dẫu vậy, UNZ cho rằng cũng không nên quá hy vọng vào chuyến thăm của Quốc vương Riyadh vì thực tế lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Tuy nhiên, chuyến thăm này đã khẳng định rằng các nước Trung Đông đã coi Nga là một trong những nước quan trọng trong khu vực.

Có thể thấy, Trung Đông đang được tái cơ cấu theo hướng mới. Rất có thể sắp tới Mỹ sẽ bốc hơi khỏi Trung Đông một cách tương đối hòa bình và Nga sẽ thế chân Mỹ trong khu vực này.

Đặng Phương Thảo

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nga-ap-dao-tran-chien-syria-the-chan-my-o-trung-dong-144272.html