Nga áp đảo Mỹ trên thị trường năng lượng EU

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường ống dẫn khí đốt qua Biển Baltic và mở rộng dự án điện hạt nhân ở Hungary, Nga đang khiến phương Tây lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Điện Kremlin đối với một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) lẫn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hôm 30-10, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch tuyên bố đã cấp phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream-2) của Nga đặt một phần đường ống khí đốt qua lãnh hải nước này.

Tổng thống Nga Putin (trái) tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hungary Orban. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Nga Putin (trái) tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hungary Orban. Ảnh: Sputnik

Quyết định của Đan Mạch “bật đèn xanh” cho tập đoàn Nga Gazprom khi loại bỏ rào cản cuối cùng đối với dự án trị giá 11 tỉ USD vận chuyển khí đốt từ vùng Siberia đến Đức. Theo Bloomberg, đoạn đường ống dài 147km đi qua thềm lục địa Đan Mạch thuộc Đông Nam đảo Bornholm trên Biển Baltic. Nhà điều hành Nord Stream2- AG trước đó cho biết dự án đã hoàn thành 87%, tương đương 2.100km đường ống dẫn khí đốt đặt dọc theo đáy Biển Baltic ở vùng biển của Nga, Phần Lan, Thụy Điển và Đức.

Theo Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller, đường ống sẽ hoàn thành đúng hạn và vận hành vào cuối năm nay. Dự án đồng thời giảm lượng khí đốt bơm qua Ukraine khi được chuyển từ Nga đến châu Âu mà không cần trung chuyển qua nước láng giềng vốn đang có mối quan hệ đầy sóng gió. Đây sẽ là đòn bẩy giúp Mát-xcơ-va có thêm quyền lực trên bàn đàm phán thỏa thuận vận chuyển khí đốt mới với Kiev.

Trước đó, Nord Stream 2 cũng khiến EU chia rẽ khi các nước Đông Âu lập luận dự án này đi ngược chính sách đảm bảo an ninh năng lượng của khối và gây tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho khu vực. Các quốc gia do Ba Lan dẫn đầu lo ngại Mát-xcơ-va thông qua Gazprom sẽ thắt chặt kìm kẹp khi Nord Stream 2 khiến EU gia tăng phụ thuộc vào năng lượng Nga và đẩy các đối tác quan trọng như Ukraine ra ngoài.

Chung quan ngại, Mỹ cũng nhiều lần đe dọa trừng phạt kinh tế những nước EU liên quan dự án trong bối cảnh Washington cũng nỗ lực bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cáo buộc Nga dùng khí đốt như “vũ khí chính trị”. Nhưng dù thế nào, Giám đốc An ninh Quốc tế Raffaello Pantucci tại Viện Royal United Services (Anh) cho rằng Washington hiện đã không thể dùng ảnh hưởng để ngăn chặn Nga thực hiện dự án.

Ngoài vượt Mỹ thống trị thị trường khí đốt châu Âu, các nhà quan sát cho biết Nga tiếp tục thành công trong việc gia tăng ảnh hưởng bên trong EU thông qua dự án điện hạt nhân hợp tác cùng Hungary. Năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thỏa thuận với Thủ tướng Hungary Viktor Orban về khoản vay 10 tỉ euro giúp Budapest xây dựng hai lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Paks 2. Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Hungary hôm 30-10, Tổng thống Putin thảo luận tiếp với ông Orban về nguồn cung khí đốt và mở rộng nâng cấp nhà máy điện hạt nhân duy nhất của quốc gia Trung Âu.

Một số nước châu Âu như Bulgaria, Cộng hòa Czech, Phần Lan và Slovakia cũng đang vận hành lò phản ứng do Nga chế tạo. Theo Phó Chủ tịch Tổ chức theo dõi minh bạch hạt nhân Jan Haverkamp, dự án ở Hungary cho thấy Điện Kremlin đang chuyển trọng tâm sang năng lượng hạt nhân sau khi tăng bán khí đốt cho châu Âu. Trong khi EU vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga, năng lượng hạt nhân được ví như mũi tên thứ hai giúp Mát-xcơ-va tiến nhanh trên con đường trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu, góp phần gia tăng vị thế của xứ bạch dương trong khu vực.

MAI QUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nga-ap-dao-my-tren-thi-truong-nang-luong-eu-a114695.html