Nga âm thầm trở lại Lục địa đen

Sau vài thập niên vắng bóng, nước Nga đã lặng lẽ, từng bước quay trở lại lục địa đen với một tư thế và sự hợp tác mới. Sự quay trở lại này đang khiến nhiều quan chức Mỹ và phương Tây bất ngờ pha chút ganh tị, vì họ đã không được chào đón tương tự.

Hoạt động của Nga tại châu Phi đã bắt đầu sôi động từ đầu năm 2018 và hợp tác quân sự là lá cờ đầu trong lịch trình trở lại châu Phi. Giới quan sát ghi nhận, nhiều quan chức quân sự cao cấp của Nga đã lui tới nhiều thủ đô của châu Phi, từ vùng Sừng châu Phi cho đến vùng Trung Phi và cả miền Nam lục địa đen để thảo luận các chương trình hợp tác ngoại giao, kinh tế và cả quân sự.

Cộng hòa Trung Phi là quốc gia có sự hợp tác rầm rộ nhất về quân sự với nước Nga hiện nay. Công ty dịch vụ an ninh tư nhân Wagner của Nga đã trúng thầu hỗ trợ kỹ thuật, nhân sự và cung ứng khí tài quân sự cho nước này. Từ đầu năm đến nay, Wagner đã cử sang Cộng hòa Trung Phi 175 nhân sự hợp đồng, trở thành đơn vị nhà thầu tư nhân hàng đầu của nước Nga hoạt động tại châu Phi.

Việc nước Nga triển khai nhanh chóng các hoạt động hợp tác quân sự và kinh tế ở châu Phi làm bất ngờ nhiều cặp mắt phương Tây chuyên rình rập xem Nga (và cả Trung Quốc) đang làm gì ở đây. Tờ The Guardian dẫn lời một nhà quan sát phương Tây khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa nước Nga với Cộng hòa Trung Phi đã có truyền thống từ lâu nhưng điều mà ông ta và giới chức phương Tây vẫn nghĩ, đó là nước Nga sẽ không thể tiến xa hơn trong các mối quan hệ hợp tác vì khó khăn kinh tế do các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây gây ra.

Các mối quan hệ Nga-châu Phi đã tiến triển với tốc độ nhanh ngoài dự kiến. Nhiều người đã tỏ ra bất ngờ với tốc độ phát triển các mối quan hệ của Nga với châu Phi. Từ tháng 1-2018 người ta đã nghe nói đến việc Nga huấn luyện cho lực lượng an ninh của Tổng thống Cộng hòa Trung Phi tại dinh tổng thống Bokassa, và thực tế đã chứng minh lời đồn đó là có thật.

Người Nga đã hiện diện ngày càng nhiều tại nước này. Không chỉ là việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho quân đội các nước, nước Nga còn thể hiện vai trò của một nước trung gian hòa giải để giúp các nước châu Phi có xung đột vũ trang tìm kiếm hòa bình. Đó là trường hợp người Nga đã đứng ra hòa giải giúp chính phủ Cộng hòa Trung Phi đàm phán hòa bình với các nhóm phiến quân; địa điểm đàm phán tại nước láng giềng Sudan.

Chuyện ở Cộng hòa Trung Phi chỉ là một ví dụ điển hình. Tại nhiều địa bàn khác ở châu Phi, sự hiện diện của người Nga cũng đang khiến giới chức phương Tây lo lắng. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matviyenko dẫn đầu các nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo các nước tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tháng 7-2018 ở Nam Phi.

Hồi tháng 3-2018, Ngoại trưởng Lavrov đã đi thăm một loạt quốc gia như Angola, Namibia, Mozambique, Ethiopia và Zimbabwe, được lãnh đạo các quốc gia này tiếp đón nồng hậu. Kết quả của chuyến thăm là Nga đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác về việc thành lập các khu kinh tế, khai thác quặng mỏ và đặc biệt là hợp tác về quân sự và kỹ thuật quân sự.

Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2018 của nước Nga tại châu Phi chính là Hội nghị thượng đỉnh nhóm các quốc gia BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) diễn ra tại Nam Phi vào tháng 7-2018. Bên lề hội nghị, Giám đốc Cục Hợp tác quân sự và kỹ thuật liên bang Nga Dmitry Shugaev thông báo Nga đã ký kết một bản ghi nhớ hiểu biết với Cộng đồng Phát triển khu vực Nam châu Phi (trong đó có chủ nhà Nam Phi) về hợp tác quân sự và kỹ thuật quốc phòng.

Giới chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng việc Nga tăng cường mạnh mẽ sự hợp tác nhiều mặt với châu Phi xuất phát từ một số yếu tố. Một là mối đe dọa từ việc bị Mỹ và châu Âu bao vây, cô lập về mặt ngoại giao và những bất đồng về các vấn đề như Syria, Ukraine. Điều này thúc đẩy Moscow mau chóng tìm kiếm những đối tác mới thay thế đối tác cũ, nhiều khó khăn, thậm chí là đồng minh mới trong các cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Mặt khác, nước Nga ngày nay kế thừa các quan hệ quốc tế truyền thống từ Liên Xô trước đây, khi Liên Xô ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc tại châu Phi, giúp nhiều quốc gia thoát khỏi ách thuộc địa của châu Âu. Vì thế việc nước Nga quay trở lại châu Phi cũng chỉ là việc bước đi trên những dấu chân lịch sử của Liên Xô tại lục địa đen.

Nhưng sự trở lại châu Phi lần này được giới quan sát quốc tế đánh giá là khác hẳn so với trước, mang nhiều sắc diện của thời đại kinh tế thị trường và công nghệ phát triển. Bước đầu quay trở lại châu Phi từ cách đây 2 năm, nước Nga gặp khó khăn về kinh tế do bị bao vây cấm vận đã không thể hiện được sự hào phóng như “đại gia” Trung Quốc, bung ra hàng chục tỉ USD tài trợ cho cả châu lục. Thay vì thế, Nga âm thầm làm theo cách riêng của mình, đi từng bước chặt chẽ, như hợp tác, hỗ trợ về quốc phòng và kỹ thuật quân sự, thỉnh thoảng đưa ra quyết định xóa nợ để đổi lại việc ký kết hợp đồng mua bán vũ khí hoặc quyền khai thác khoáng sản.

Ở cấp độ thứ hai bên cạnh các nỗ lực ngoại giao của các quan chức cấp cao là lực lượng doanh nhân Nga cũng âm thầm xâm nhập vào châu Phi, như trường hợp công ty an ninh tư nhân Wagner ở Cộng hòa Trung Phi và nhiều công ty trong các lĩnh vực kinh tế khác.

Đầu tháng 9-2018, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã chính thức thông báo nước Nga đang có kế hoạch mở một căn cứ hậu cần tại nước Cộng hòa Eritrea thuộc vùng Sừng châu Phi, nằm trên bờ Biển Đỏ. Tin tức này ngay lập tức thu hút sự chú ý mạnh và khiến giới chức phương Tây hoàn toàn bất ngờ, bởi câu chuyện châu Phi trong nhiều năm qua chủ yếu là của Trung Quốc và việc châu Âu, Mỹ nỗ lực chạy đua vào châu Phi cũng chỉ nhằm đua tranh ảnh hưởng về kinh tế với Trung Quốc.

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nga-am-tham-tro-lai-luc-dia-den-511360/