New Delhi cận kề khủng hoảng nước

New Delhi sẽ trở thành thành phố lớn nhất thế giới trong thập kỷ tiếp theo nhưng nơi này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước.

Việc mỗi ngày đều xoay quanh nước

Xe tuk-tuk lắc lư và lao qua vũng bùn còn nữ hướng dẫn viên Jaswinder Kaur cười khúc khích. “Tôi không tin tài xế này. Nhưng tôi tin vào Chúa!”, cô nói. Đó là một phần hành trình khi Lou Del Bello tới trại Jai Hind, nơi có khoảng 1.200 gia đình sinh sống, ở phía nam Delhi, Ấn Độ. Cuộc sống tại đây xoay quanh nước hơn mọi nơi khác trong lãnh thổ thủ đô quốc gia này.

Xe bồn mang nước tới trại 7 lần/ngày và đổ đầy vài thùng chứa 50 lít là hình ảnh xấu, Kaur giải thích. Cô làm việc với Diễn đàn về Bảo tồn và Tăng cường Tài nguyên có tổ chức (FORCE), nhóm từ thiện đang cố gắng cải thiện tình trạng vệ sinh và khả năng tiếp cận nước sạch ở Ấn Độ.

Ẩu đả từng xảy ra thường xuyên, đồng nghĩa chỉ người khỏe nhất mới lấy đủ nước cho gia đình sử dụng. Những người lớn tuổi, ốm yếu và dân tộc thiểu số không còn nhiều nước để uống, tắm giặt.

Tình trạng ở Jai Hind đang được cải thiện dần. Trại được xếp loại là “khu ổ chuột đã thông báo”, tức là chính quyền biết đến Jai Hind và cam kết về vệ sinh, hệ thống thoát nước, cung cấp thực phẩm cùng những nhu yếu phẩm khác cho người dân tại đây.

Chính quyền còn phối hơp với tổ chức từ thiện Water Aid để xây một nhà vệ sinh công cộng nhằm loại bỏ đại tiện bừa bãi, tăng an toàn cho phụ nữ và sử dụng nước hiệu quả hơn. Ở giữa tòa nhà là căn hộ nhỏ, nơi một phụ nữ tên Fatima sinh sống và đảm nhận vai trò quản lý nhà vệ sinh.

Công việc của Fatima được trả lương cao. Ngoài hướng dẫn mọi người cách sử dụng và lau dọn nhà vệ sinh, bà còn mở một quầy trà nhỏ.

Fatima mô tả cách quấn vải quanh tay cầm một bình chứa nước để chuyển về nhà (Ảnh: BBC/Lou Del Bello)

“Tôi có 4 người con và chăm sóc một gia đình 6 người cần rất nhiều tiền”, bà nói. “Các con đang lớn và tôi muốn chúng được đi học, có cuộc sống tốt hơn tôi hiện tại”.

Fatima không chỉ làm việc vì lợi ích của gia đình, bà còn đang góp phần khắc phục các vấn đề mang tính hệ thống ảnh hưởng đến cộng đồng đa sắc tộc, đa tôn giáo Jai Hind. Bà nghĩ ra phương thức để đảm bảo mọi gia đình tại trại đều bình đẳng. Mỗi hộ gia đình được phát số phiếu nhất định, cần đưa ra tại xe bồn để nhận phần nước của họ. Họ phải chờ tới tuần kế tiếp để có phiếu mới. Fatima cảm thấy tự hào vì tình trạng ẩu đả đã giảm.

Sổ ghi chép Fatima dùng để theo dõi quá trình phân bổ nước (Ảnh: BBC/Lou Del Bello)

Tuy nhiên, nước cũng có thể là kẻ thù. Vào mùa mưa, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, hệ thống thoát nước kém khiến mặt đất biến thành nơi chứa dịch bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.

Rắc rối về nước

Tình trạng ở Jai Hind phản ánh rắc rối liên quan tới nước mà toàn bộ vùng Delhi, trong đó có thủ đô New Delhi, đang gặp phải.

Báo cáo gần đây của Viện Quốc gia về Biến đổi Ấn Độ (NITI Aayog) cảnh báo 21 thành phố, gồm New Delhi, Chennai, Bengaluru và Hyderabad, sẽ cạn kiệt nước ngầm vào năm 2020, ảnh hưởng 100 triệu người. New Delhi phải nhận nguồn cung nước từ các bang láng giềng.

“Delhi đang khai thác nước ngầm quá mức”, Amitabh Kant, giám đốc điều hành NITI Aayog, nói.

Trong một nghiên cứu, Kant phát hiện những bang thường xuyên khan hiếm nước như Gujarat, Madhya Pradesh và Andhra Pradesh lại phân phối nước uống tốt hơn, sử dụng biện pháp tưới tiêu tiên tiến. Điều này hoàn toàn ngược lại ở những bang miền bắc có nguồn nước dồi dào hơn.

Với kịch bản này, Delhi có thể trở thành nạn nhân đầu tiên. Delhi hiện là thành phố đông dân thứ hai thế giới với 29 triệu người và dự kiến giữ vị trí thứ nhất vào năm 2028. Trong khi dân số gia tăng, nguồn nước của Delhi lại phụ thuộc vào các bang láng giềng, đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra căng thẳng chính trị, đặc biệt là vào mùa khô nóng.

Tội phạm nước

Dù nguy cơ cận kề, “vẫn không có ai giám sát về thời gian và vị trí cho phép đào giếng”, Asit Biswas, chuyên gia về tài nguyên nước thế giới, Viện Công nghệ ở thành phố Bhubaneswar, Ấn Độ, nói. “Ngay cả khi gặp rắc rối, họ chỉ cần dúi cho ai đó vài trăm rupee và vấn đề sẽ biến mất”.

Vòi nước hai van tại Kirti Nagar, tây Delhi (Ảnh: BBC/Lou Del Bello)

Biswas muốn đề cập đến mặt tối của ngành công nghiệp nước ở Ấn Độ. Ông cho biết “tội phạm nước” hoạt động ở Delhi nhưng một phần tầng lớp chính trị không muốn thay đổi bởi “nó có lợi cho hệ thống hiện tại”.

“Nước càng thiếu, nhu cầu nước từ các nhà cung ứng tư nhân càng cao”, theo Biswas. “Một số chính trị gia hoặc quan chức chính quyền Delhi sử dụng xe bồn công để bán nước với tư cách doanh nghiệp tư nhân”.

Nạn nhân là những người sống trong “các khu ổ chuột không được thông báo”, đồng nghĩa không được chính phủ công nhận và hỗ trợ. Họ phải bỏ tiền túi ra mua nước và sống trong nỗi lo bị sơ tán.

"Vệ binh" nguồn nước

Bên ngoài khu công nghiệp Kirti Nagar, tây Delhi, một cộng đồng dân cư đang cố tạo ra một tương lai khác, nơi nước sẽ được phân bổ bình đẳng và tiếp cận từng gia đình. Họ thiết kế hệ thống ống nước với vòi nước được lắp tại mọi ngõ ngách trong cộng đồng. Để ngăn sử dụng không hiệu quả hoặc hư hại, mỗi vòi nước được lắp hai van. Trong trường hợp một van hỏng, nước không bị rò và hệ thống tiếp tục hoạt động trơn tru.

Người phụ nữ tên Krishnavati nói cô từng phải mất nhiều giờ để đi lấy nước. Giờ đây, cô chỉ cần mở vòi và làm việc nhà trong lúc chờ xô đầy nước. Krishnavati cùng các bạn của cô cũng là “vệ binh” của hệ thống ống nước. Họ theo dõi và thông báo cho nhà chức trách nếu có hư hại.

Hệ thống còn rất lâu mới trở nên hoàn hảo nhưng thử nghiệm này đang chứng tỏ là một thành công vì giúp ngăn thiếu nước, giảm nguy cơ dịch bệnh.

VĂN VIỆT

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/new-delhi-can-ke-khung-hoang-nuoc-post228989.html