Nếu TT Donald Trump thất cử, những lãnh đạo thế giới nào sẽ nuối tiếc?

Nếu Tổng thống Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, ông sẽ không phải là người thua cuộc duy nhất.

Bởi theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hồng Kông) đối với các nhà lãnh đạo của các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên và Israel, chính phủ Mỹ đang mang lại nhiều điều tốt đẹp. Việc Tổng thống Trump thất cử sẽ khiến các nước này đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Ý nghĩa của việc ông Trump thua cuộc đối với các quốc gia như Trung Quốc chứa đựng nhiều sắc thái hơn.

Với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un

Không có mối quan hệ nào dưới thời Tổng thống Trump thay đổi nhiều như quan hệ Triều Tiên- Mỹ. Quan hệ song phương bắt đầu bằng những lời đe dọa và chỉ trích lẫn nhau đã biến thành một mối quan hệ "thân thiết đôi khi kỳ lạ", khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump đã gặp nhau ba lần và trao đổi hơn 20 lá thư.

Tuy nhiên, quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo Trump - Kim vẫn không thể khiến Triều Tiên chấm dứt chương trình phi hạt nhân hóa. Trong lễ duyệt binh ngày 10/10 vừa qua, Bình Nhưỡng ra mắt một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân vào ngày 10/10 vừa qua.

Trong khi đó, ứng viên Tổng thống Joe Biden cho biết, ông sẽ không gặp mặt nguyên thủ Triều Tiên nếu không đạt được các điều kiện tiên quyết. Do vậy, ít có khả năng nước Mỹ sẽ sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong lúc khiến nền kinh tế Triều Tiên rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ qua.

Chủ tịch Triều Tiên gặp mặt Tổng thống Trump hồi tháng 6.2019. Ảnh: DPA

Chủ tịch Triều Tiên gặp mặt Tổng thống Trump hồi tháng 6.2019. Ảnh: DPA

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman

Tổng thống Trump đã đặt ra dấu mốc lớn cho cách tiếp cận của chính phủ Mỹ trong mối quan hệ quốc tế với Ả Rập Xê Út, khi chọn Riyadh là đích đến cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình vào năm 2017. Người đứng đầu nước Mỹ được chào đón nồng nhiệt khi nước chủ nhà trình chiếu hình ảnh Tổng thống Mỹ lên mặt tiền của khách sạn nguy nga nơi phái đoàn Mỹ lưu trú.

Thái tử Ả Rập Xê Út đã thu được những lợi ích quan trọng, lớn nhất phải kể đến việc nước Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran kí kết năm 2015, đối thủ lâu năm của Ả Rập Xê Út. Ông Trump cũng đưa ra đề nghị hỗ trợ cá nhân và phủ quyết các lệnh trừng phạt của Quốc hội khi ông Salman bị bủa vây bởi những cáo buộc ông đã ra lệnh sát hại nhà phê bình nổi tiếng Jamal Khashoggi vào năm 2018.

Phía Ả Rập Xê Út cũng đã bày tỏ sự thất vọng, sau khi Tổng thống Trump không ra lệnh tấn công quân sự trả đũa sau những tấn công vào các cơ sở lọc dầu ở miền đông nước này mà phía Mỹ buộc tội Iran là thủ phạm.

Các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út cho biết họ tự tin có thể chuyển hướng hợp tác với chính quyền mới nếu ông Biden trúng cử. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Trump thất cử, chính phủ Mỹ kế nhiệm có thể sẽ tập trung hơn vào vấn đề nhân quyền và mở ra khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Tổng thống Trump không ủng hộ dự định áp đặt các lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ khi chính quyền Tổng thống Erdogan mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, mặc dù nước này là đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Mối quan hệ cá nhân giữa hai nguyên thủ đã giúp ông Erdogan thuyết phục đồng cấp người Mỹ rút quân đội nước này khỏi các khu vực của người Kurd ở bắc Syria để Thổ Nhĩ Kỳ có thể gửi quân đội nước mình đến kiểm soát khu vực này. Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định rút quân mà không tham khảo ý kiến của Lầu Năm Góc hoặc các đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, bao gồm Anh, Pháp và các chiến binh người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là lực lượng khủng bố.

Khi các biện pháp trừng phạt đã sẵn sàng và ứng viên đối lập Biden trước đó đã kêu gọi chính phủ Mỹ hỗ trợ lực lượng đối lập của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đối mặt với sự mất mát nhiều nhất nếu ông Trump thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Trong thời gian gần đây, chính quyền TT Trump luôn áp dụng một quan điểm cứng rắn hơn hẳn các đời tổng thống trước trong mối quan hệ với Trung Quốc như việc áp thuế trị giá nhiều tỉ USD lên hàng hóa nhập khầu từ Trung Quốc và hạn chế khả năng tiếp cận các công nghệ quan trọng của nước này. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã nói giới lãnh đạo nước này vẫn mong muốn TT Trump tái cử.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump đã làm lung lay hệ thống liên minh sau Thế chiến II mà Trung Quốc coi luôn coi là một trở ngại đối với tham vọng địa chính trị của nước này. Điều này mang lại một lợi ích to lớn cho Bắc Kinh. Ông cũng làm suy yếu tầm ảnh hưởng quốc tế của Mỹ bằng cách rút khỏi các thỏa thuận đã kí trước trước để theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, tạo cơ hội cho Trung Quốc lấp đầy khoảng trống lãnh đạo trong các lĩnh vực từ thương mại đến biến đổi khí hậu.

Mối quan tâm của Bắc Kinh đối với ứng viên Biden là ông sẽ cố gắng tạo ra một mặt trận quốc tế có sự phối hợp chặt chẽ hơn để đối phó với Trung Quốc, đồng thời vẫn duy trì sức ép trong lĩnh vực thương mại và công nghệ. Theo Zhu Feng, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ mối quan hệ ít cảm xúc hơn với Washington nếu Tổng thống Trump thua cuộc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Nghi án nước Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 đã khiến cho chính phủ Mỹ mở một cuộc điều tra chính thức với báo cáo dài tới 448 trang. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, Tổng thống Putin đã thực sự hưởng lợi. Khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã luôn đặt dấu hỏi về giá trị của NATO và thậm chí vị thế của các nước đồng minh như Đức, làm suy yếu một liên minh xuyên Đại Tây Dương mà các nhà lãnh đạo Nga và Liên Xô từ thời Josef Stalin đã luôn tìm cách phá bỏ.

Người ta cho rằng có nhiều lý do để tin rằng quan điểm này sẽ tiếp diễn trong nhiệm kỳ hai của chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Nga đã thu được được một số lợi ích cụ thể hơn ông mong muốn, từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đến tiến bộ về kiểm soát vũ khí. Các quan chức Nga nhận thấy rất ít triển vọng về sự tan băng trong quan hệ song phương và càng ít hơn dưới thời chính quyền TT Biden nếu ông này thắng cử.

Theo Fiona Hill, Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề châu Âu và Nga cho đến năm 2019 và hiện đang làm viện cho viện Brookings, thay vì ca thán với tâm lý chống Nga, Điện Kremlin có thể cố gắng thay đổi điều này.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro

Đối với Tổng thống Brazil, ông Trump là một người bạn tâm giao chính trị. Theo một thành viên nội các cấp cao, khi các cuộc thăm dò dư luận ý kiến của cử tri Mỹ cho thấy ông Biden đang dẫn trước, Tổng thống Bolsonaro cảm thấy ngày càng lo ngại về tương lai mối quan hệ của ông với Nhà Trắng.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2019, ông Bolsonaro đã thay đổi truyền thống hàng thập kỷ của Brazil từ chính sách đối ngoại trung hòa để chuyển sang tự động tương thích với chính sách đối ngoại của Mỹ và các nước đồng minh. Đổi lại, chính quyền Tổng thống Trump đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò, ủng hộ nỗ lực của Brazil gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc phòng và khám phá không gian với nước này.

Ngoại trưởng Ernesto Araujo cho biết Brazil sẽ không gặp vấn đề gì với chính quyền mới nếu ông Biden trúng cử, nhưng các chính sách về môi trường của ông Bolsonaro sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Ứng viên đảng Dân chủ cho rằng Brazil có thể phải đối mặt với hệ quả kinh tế nếu không ngăn chặn nạn phá rừng Amazon.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Trump nhiều lần phá vỡ tiền lệ của nước Mỹ để thúc đẩy chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc của nhà lãnh đạo Israel Benjamin Netanyahu, công nhận chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan và chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem. Các kế hoạch sáp nhập các phần của Bờ Tây Palestine đã bị tạm dừng, nhưng có thể được khôi phục trong nhiệm kỳ thứ hai của TT Trump.

Thành tựu lớn thực sự đến vào tháng 9 vừa qua, khi Tổng thống Trump đóng vai trò trung gian trong các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain. Thành tựu này đi kèm với một cái giá không nhỏ. Đó là sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đối với Israel đã bị xói mòn.

Nhiều người dân Israel lo ngại đất nước của họ sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn nếu ông Biden, trong khi cơ quan an ninh nước này lại lo ngại khả năng nước Mỹ khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Thu Ngọc

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/neu-tt-donald-trump-that-cu-nhung-lanh-dao-the-gioi-nao-se-nuoi-tiec-82020261011405583.htm