Nếu TQ giáng 600 tên lửa hủy diệt, tàu sân bay Mỹ chống đỡ thế nào?

Trung Quốc hiện sở hữu các loại tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm xa uy lực có thể răn đe đội tàu sân bay Mỹ và Mỹ cũng đang ráo riết phát triển các loại vũ khí mới để đối phó với mối đe dọa này.

Năng lực đánh chặn của tàu sân bay Mỹ phụ thuộc vào các tàu khu trục.

Trung Quốc hồi tuần trước công khai đưa các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 tới vùng cao nguyên phía tây. Đây là mẫu tên lửa tầm xa “chuyên diệt tàu sân bay Mỹ” với khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc muốn gửi thông điệp cảnh báo, rằng các tên lửa DF-26 có thể nhắm vào bất cứ tàu chiến Mỹ nào tiến vào Biển Đông.

Theo tờ National Interest, hải quân Mỹ hiểu rằng đội tàu sân bay mạnh mẽ có thể sẽ không đứng vững nếu Trung Quốc phóng loạt hàng trăm tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo.

Đó là lý do quân đội Mỹ phải tìm cách đối phó bằng các loại vũ khí của tương lai như pháo laser, súng điện từ, để đánh chặn đáng kể các tên lửa của đối phương.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc.

"Nếu hải quân Mỹ tăng cường năng lực phòng không bằng các tổ hợp vũ khí như vậy, họ sẽ cải thiện đáng kể khả năng phòng thủ của tàu sân bay", Bryan Clark, chuyên gia tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA), nói.

Một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ có thể đánh chặn 450 tên lửa các loại. Trong khi đó, Trung Quốc có ít nhất 600 tên lửa có khả năng diệt tàu sân bay ở khoảng cách 1.600km, tức là đủ sức xuyên thủng lưới phòng thủ đa tầng của hải quân Mỹ.

Theo chuyên gia Clark, sự xuất hiện của pháo laser, súng điện từ sẽ giúp đội tàu sân bay Mỹ cải thiện đáng kể năng lực phòng thủ, đánh chặn được tới 800 tên lửa.

Một tàu sân bay Mỹ được hộ tống bởi các tàu khu trục, tàu tuần dương và cả tàu ngầm.

Lợi thế của các loại vũ khí tương lai này là khả năng hoạt động đáng tin cậy. Pháo laser có thể khai hỏa liên tục mà không lo hết đạn, miễn là tàu chiến cấp đủ năng lượng, theo National Interest.

Nhược điểm của các hệ thống vũ khí của tương lai này là chi phí vận hành, bảo trì chắc chắn sẽ đắt đỏ. Nhưng đó sẽ là bài toán mà quân đội Mỹ cần phải vượt qua nếu muốn đối phó hiệu quả với Nga, Trung Quốc trong thời đại mới.

Ngoài ra, Mỹ có thể sử dụng môi trường tác chiến điện tử để gây khó khăn cho đối phương, trong tình huống xung đột nổ ra.

"Cách tiếp cận này có thể giúp nhóm tàu sân bay Mỹ trở nên bất khả xâm phạm, hoặc ít nhất cũng đủ sức phòng thủ khi xung đột với Trung Quốc nổ ra", ông Clark nói.

Đăng Nguyễn - NI

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/neu-tq-giang-600-ten-lua-huy-diet-tau-san-bay-my-chong-do-the-nao-947572.html