'Nếu tiêm kích Pháp không đổi hướng, Su-30SM sẽ phóng tên lửa'?

Phi công hạng nhất Nga Andrei Krasnoperov vừa nói về tình huống một chiếc Su-30SM xua đuổi thành công 3 máy bay pháp trên Biển Đen hồi đầu tuần.

Theo phi công Nga, việc một chiếc Su-30sM xua đuổi thành công 3 máy bay Pháp là dựa vào chiến thuật và vũ khí tối tân nó mang theo giúp nó không chỉ đủ để xua đi 3 máy bay khác mà còn có thể nhiều hơn nữa. Su-30 có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc.

Tiêm kích Su-30SM mang theo tên lửa R-27.

Tiêm kích Su-30SM mang theo tên lửa R-27.

"Chúng tôi đặt ra nhiệm vụ là đẩy đuổi họ, bay vào gần và khoe vũ khí dưới đôi cánh - nghĩa là chỉ hướng bay rút lui cho họ và thế là xong. Nếu các đồng nghiệp Pháp không hiểu lời cảnh báo, họ sẽ phóng ra một vài quả tên lửa theo đường bay", phi công Krasnoperov nói và tin rằng sẽ không cần đến biện pháp như vậy.

Dù phi công Nga không tiết lộ trong tình huống ngăn chặn máy bay Pháp, chiếc Su-30SM mang theo tên lửa đánh chặn gì nhưng trong tất cả những vụ ngăn chặn máy bay phương Tây trước đó áp sát không phận Nga trên Biển Đen, tiêm kích Su-30 đều mang theo 4 đạn tên lửa đánh chặn R-27 (không rõ phiên bản).

Theo những thông tin được công khai, R-27 (AA-10 Alamo) là loại tên lửa không-đối-không tầm trung được chính thức vào biên chế năm 1990 để trang bị cho tất cả các chiến đấu cơ dòng MiG và Su trong Không quân Nga.

Tại thời điểm ra đời, R-27 là thành phần trong cấu hình vũ khí của tiêm kích MiG-29 và Su-27, các thông số của nó có thể vượt cả dòng tên lửa AIM-7M Sparrow của Mỹ.

Công việc thiết kế R-27 bắt đầu từ năm 1962 nhưng để đi đến hoàn thiện và sản xuất hàng loạt thì phải kéo dài tới năm 1983. Hiện nay có hơn 25 quốc gia trên thế giới đang biên chế tên lửa R-27, trong đó có Không quân Việt Nam.

Tên lửa R-27 được sử dụng để công kích các mục tiêu như máy bay cánh bằng, trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.

Thiết kế của R-27 về cơ bản không có gì quá khác biệt với dạng trụ tròn, thiết kế module cho phép tích hợp các hệ thống dẫn đường hay động cơ đẩy khác nhau.

Tất cả các phiên bản tên lửa R-27 đều có đầu nổ nặng 39 kg được kích hoạt bằng radar hoặc tiếp xúc. Tiếp nữa, loại tên lửa đối không tầm trung R-27 này được trang bị các cánh lái khí động học để đảm bảo khả năng bay ổn định, thiết kế của R-27 giúp cho tên lửa có thể cơ động với sức tải tối đa lên tới 8G.

Về hệ thống dẫn đường tới mục tiêu, R-27 hoặc được dẫn bằng radar bán chủ động hoặc bám bắt mục tiêu bằng đầu dò hồng ngoại tích hợp trong hệ thống dẫn đường của tên lửa. Động cơ của tên lửa R-27 là loại hỗn hợp rắn giúp AA-10 Alamo (R-27) bay với Mach 3.500 km/h.

"Không chỉ đánh chặn các loại máy bay, R-27 còn giúp Nga đánh chặn tên lửa hành trình đối phương mà không cần dựa vào hệ thống phòng không mặt đất", nguồn tin Không quân Nga cho biết.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/neu-tiem-kich-phap-khong-doi-huong-su-30sm-se-phong-ten-lua-3432274/