Nếu thi tốt nghiệp THPT hai đợt, tuyển sinh đại học sẽ thế nào?

Một số chuyên gia giáo dục, lãnh đạo trường đại học cho rằng đề xuất tổ chức thi tốt nghiệp THPT hai đợt là hợp lý. Trường sẽ điều chỉnh tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi thí sinh.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng sáng 3/8, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề xuất tổ chức kỳ thi đúng kế hoạch đối với những nơi an toàn về dịch bệnh. Những nơi đang trong diện cách ly, chưa đảm bảo an toàn thì tổ chức thi sau.

Trước đó, chiều 2/8, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về công tác phòng, chống Covid-19, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đề xuất chia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 thành hai đợt.

Theo đó, các tỉnh không có nguy cơ cao về Covid-19 sẽ thi đợt một vào ngày 9-10/8. Đợt hai dành cho những địa phương nguy như Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đảm bảo công bằng cho thí sinh

Trao đổi với Zing sáng 3/8, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, đánh giá trong bối cảnh hiện nay, đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là chấp nhận được, không phải chỉ có phương án hoãn hay hủy kỳ thi như nhiều ý kiến khác.

Theo ông Vinh, đề thi đã được chuẩn hóa, 8/9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên đảm bảo tính công bằng, không lo chênh lệch độ khó trong đề giữa hai đợt.

Bên cạnh đó, ông Vinh nói kỳ thi không chỉ để xét tốt nghiệp, mà còn xét đại học. Tình hình chấm điểm, đánh giá ở bậc phổ thông chưa kiểm soát được, không ít thầy cô "thương" học trò nên cho điểm chưa phản ánh đúng năng lực của các em. Do đó, nếu hủy kỳ thi, các trường đại học xét học bạ sẽ tạo sự mất công bằng lớn trong xã hội.

"Trong trường hợp bất khả kháng, đến ngày thi đợt hai nhưng tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, chúng ta phải chấp nhận xét tốt nghiệp cho học sinh Đà Nẵng, Quảng Nam. Số lượng học sinh này là số ít so với việc hủy hoàn toàn kỳ thi", ông Vinh phân tích.

Việc chống dịch quan trọng nhất nhưng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học cũng quan trọng không kém. Tôi cho rằng cần cân nhắc để đảm bảo quyền lợi, công bằng cho các em.

PGS.TS Bùi Đức Triệu

Cùng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ủng hộ phương án chia kỳ thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt.

Ông cho rằng việc tổ chức thi như vậy phù hợp tình hình thực tế, đồng thời đảm bảo tâm lý cho cả triệu thí sinh, phụ huynh.

Ông giải thích thêm hiện nay, đánh giá bằng học bạ không đồng đều. Nhiều trường chất lượng giáo dục không tốt cho điểm cao, trong khi trường tốt lại khắt khe hơn trong chấm điểm.

Tuyển sinh hết bằng xét tuyển học bạ sẽ bất lợi, đặc biệt với những em chú trọng học 3 môn phục vụ cho việc xét tuyển đại học hay các thí sinh học giỏi nhưng học bạ không tốt.

Ông Dũng khẳng định không băn khoăn gì về vấn đề công bằng giữa các thí sinh ở hai đợt thi khác nhau.

“Thí sinh chủ yếu thi trắc nghiệm, độ khó của đề như nhau. Chỉ có điều, các em thi sau sẽ có thêm thời gian ôn tập”, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nói.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, cũng cho rằng đề xuất chia kỳ thi thành hai đợt là hợp lý, thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của thí sinh trong xét tuyển đại học.

“Việc chống dịch quan trọng nhưng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cũng quan trọng không kém. Tôi cho rằng cần cân nhắc để đảm bảo quyền lợi, công bằng cho các em”, ông Triệu nhấn mạnh.

 Nếu tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt, các trường đại học sẽ điều chỉnh tuyển sinh theo tình hình thực tế. Ảnh: Việt Hùng.

Nếu tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt, các trường đại học sẽ điều chỉnh tuyển sinh theo tình hình thực tế. Ảnh: Việt Hùng.

Điều chỉnh tuyển sinh đại học

Ông Bùi Đức Triệu cho hay trong trường hợp tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT, việc tuyển sinh đại học không gặp khó khăn nhiều. Các trưởng tổ chức tuyển sinh nhiều năm, việc lùi lại một vài tháng không ảnh hưởng nhiều. Nhà trường sẽ điều chỉnh thêm kế hoạch đào tạo.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng dự trù các phương án phù hợp tình hình thực tế. Theo ông, thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Trường căn cứ tình huống cụ thể để chờ kết quả thi đợt 2 rồi xét tuyển hoặc chia thành hai đợt tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

“Trong trường hợp chia kỳ thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt, trường dành một số chỉ tiêu cho thí sinh ở những vùng có dịch, không thi được đợt 1”, ông Dũng khẳng định.

Ngoài ra, ông thông tin việc xét học bạ của trường vẫn diễn ra bình thường.

Nếu tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT, kết quả thi vẫn được tổng hợp lại để xét tuyển, việc tuyển sinh của trường không chịu tác động lớn.

PGS.TS Trần Trung Kiên

Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng nói thêm do dịch Covid-19, trước đó, trường đã điều chỉnh kế hoạch, sinh viên kết hợp học online và học tại trường. Năm học rút xuống 12 tuần, thay vì 15 tuần như các năm trước. Do đó, việc lùi thời gian tuyển sinh không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch đào tạo của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng nếu tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT, kết quả thi vẫn được tổng hợp lại để xét tuyển. Việc tuyển sinh của trường không chịu tác động lớn.

“Bộ GD&ĐT phải tính đến phương án điều chỉnh mốc tuyển sinh. Nếu thi hai đợt, tuyển sinh cũng chia thành hai đợt sẽ là phương án hơi dở. Các trường không biết chia chỉ tiêu như thế nào”, ông Kiên phân tích.

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài Chính - cho hay tùy thuộc tình hình thực tế và quyết định của bộ, trường sẽ thay đổi phương án tuyển sinh cho phù hợp.

Ông cho biết việc thay đổi kế hoạch, trường sẽ gặp một chút khó khăn, song dù sao cũng phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trong phạm vi, điều kiện có thể của học viện.

Phòng dịch Covid-19 trong kỳ thi

TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng Bộ GD&ĐT cần có giải pháp để đảm bảo an toàn và công bằng khi thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp, như thực hiện khoảng cách tối thiểu giữa thí sinh, điều thêm người coi thi, thanh tra, tăng cường khử khuẩn khu vực coi thi, vệ sinh ăn uống.

Bộ cũng có kịch bản phòng ngừa tình huống trong trường hợp có những phát sinh liên quan dịch trong kỳ thi đang diễn ra.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng khi bộ vẫn tổ chức thi, các em tập trung ôn tập tại nhà, hạn chế ra ngoài, cũng góp phần hạn chế dịch Covid-19 lây lan. Trong quá trình thi, thí sinh đeo khẩu trang, ngồi giãn cách để đảm bảo an toàn.

“Thí sinh cần thông cảm với hoàn cảnh hiện tại. Các em cũng đừng quá lo lắng mà nên ăn uống đầy đủ, tập luyện thể dục thể thao để thi cho tốt”, ông Dũng nhắn nhủ.

Liên quan chủ đề này, tại cuộc họp Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tổ chức họp với đại diện 63 tỉnh, thành, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm: “Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm thi; rộng hơn là coi trọng sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta không vì những thông tin chưa đủ, một số khó khăn, mà có quyết định chưa cân nhắc kỹ”.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra, Ban chỉ đạo cấp quốc gia phải bám sát diễn biến từng giờ của dịch bệnh.

Ông tin tưởng, với quyết tâm cao của lãnh đạo, Ban chỉ đạo thi của các địa phương, cùng sự đồng lòng của học sinh, phụ huynh và toàn thể người dân, kỳ thi sẽ diễn ra an toàn tuyệt đối, công bằng và đảm bảo sức khỏe cho thí sinh.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/neu-thi-tot-nghiep-thpt-hai-dot-tuyen-sinh-dai-hoc-se-the-nao-post1114801.html