Nếu tháng này không còn ánh trăng?

Bữa nọ về quê vào ngày rằm, ban đêm ngửa mặt nhìn trăng sáng vằng vặc, chợt giật mình đã bao lâu rồi không nhìn trăng. Ánh trăng gợi nhớ đủ thứ, nhớ cả những đêm ngủ trên đống rơm giữa đồng để giữ đống lúa đã vô bao xong chưa kịp vác vô nhà. Từ đó đến nay đã bao nhiêu trăng tròn đi qua cuộc đời, bao nhiêu điều xảy ra trong lúc mải mê nhìn ánh điện thành phố, cắm mặt vào màn hình điện thoại, máy tính. Mình có nhìn hay không thì mặt trăng vẫn ở đó, ai nhớ tới thì nhìn, không nhớ thì thôi.

Rồi nghĩ, nếu không ai nhìn trăng nữa, một ngày trăng buồn bỏ đi đâu mất thì chuyện gì xảy ra? Con người có sống được không?

Một vài “hệ quả” được liên tưởng: nếu hồi xưa không có mặt trăng thì cái ông Neil Amstrong bên Mỹ hẳn đã không đi phi thuyền lên cung trăng được; hay bên Tây chắc cũng không có những câu chuyện huyễn hoặc về ma sói…

Nghe mấy nhà thiên văn nói, do cái gọi là sức hút trọng trường mà trăng hút nước trên trái đất về phía nó, bên nào của trái đất vào lúc ở gần mặt trăng thì nước bị hút mạnh hơn, và như vậy làm cho nước biển nhô lên cao về phía đó. Trái đất và mặt trăng quay vòng vòng vì vậy vùng nước nhô lên này cũng di chuyển theo, tạo ra thủy triều lên xuống. Mấy nhà thiên văn lại bảo nếu không còn mặt trăng thì vẫn còn mặt trời, vẫn có sức hút, vẫn tạo ra thủy triều, nhưng mặt trời ở xa quá nên sức ảnh hưởng chỉ còn một nửa.

Mấy ổng còn nói, mặt trăng kéo nước biển như vậy làm cho trái đất quay chậm hơn do “ma sát thủy triều”. Chứ nếu không có mặt trăng thì trái đất quay nhanh hơn và cứ mỗi 100.000 năm thì ngày ngắn hơn cỡ 2 giây. Nghe thì ngắn, nhưng phải chi từ hàng triệu triệu năm đừng có mặt trăng thì bây giờ mỗi ngày đã ngắn lại vài giờ, đi làm về sớm hơn, khỏe biết nhiêu! Nghe nói nếu không có mặt trăng kìm lại, mỗi vòng trái đất quay làm nó bị loạng choạng khỏi quỹ đạo một chút, không biết bây giờ trái đất đang chu du ở nơi nào.

Chuyện bên Tây với trên trời xa vời quá, giờ nghĩ chuyện bên ta, ở mặt đất cho gần. Nếu hồi xưa không có trăng thì thi sĩ Hàn Mặc Tử chẳng thể rao bán, để lại cho đời những vần thơ bất hủ. Nếu ngày nào đó mặt trăng không còn nữa, chuyện đầu tiên là khi mua cua biển Cà Mau thì muốn mua ngày nào cũng được, không cần phải coi hôm nay có phải ngày rằm âm lịch không. Đó là vì ngày rằm, trăng sáng quá, cua ít ăn nên ốm nhom, ông bà ta gọi là cua sáng trăng.

Lại nghĩ thêm, như ở cái xứ châu thổ Cửu Long quê mình, nếu biển không có thủy triều lên xuống mỗi ngày hai lần ở phía biển Đông, mỗi lần 3-4 mét mà mấy nhà khoa học gọi là bán nhật triều, rồi phía biển Tây mỗi ngày một lần, mỗi lần 1 mét, gọi là nhật triều, thì sông rạch đâu có nước lớn nước ròng hàng ngày, nước rong vào độ trăng rằm và ngày ba mươi hàng tháng, rồi nước kém ở giữa những kỳ nước rong đó.

Mà không có nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém thì có sao? Có chứ, nhiều nữa là khác. Nước sông mà không chảy thì ở trong nước ít có oxy, cá mắm sao thở được? Được chứ, cá đen như cá lóc, cá rô, cá trê vẫn thở được, nhưng không có nhiều mồi chắc cũng ốm nhom. Nước sông không chảy thì hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu từ đồng ruộng chảy xuống đi đâu? Một phần bị chuyển hóa thành chất khác, một phần bốc hơi, nhưng chắc là còn lại trong nước nhiều lắm. Ô nhiễm tích tụ trong sông ngòi, trong đất đai như vậy thì sao? Ngẫm nghĩ lại thấy là giữa mạch máu trong người mình và đất đai, sông ngòi cũng chỉ cách nhau một cái bàn ăn mà thôi, đâu có xa. Cái gì có trong đất đai, trong sông ngòi, đi vô cây cỏ, cá mắm mà đi lên bàn ăn thì chắc cũng sẽ vô máu mình. Một vài năm chưa sao, chứ nhiều cái vài năm thì có khi ung thư, hơi ớn!

Hôm nọ, lâu ngày gặp lại bạn học cũ giờ là nông dân giỏi miệt Tây sông Hậu, đất đai rộng mênh mông. Sau vài tuần trà, bạn kể ngày trước vùng này đi ra Ngã Bảy thì đi bằng tàu đò, về gặp lúc nước ròng sát đáy sông thì xăn ống quần lên lội bãi sình mới lên bờ. Khi nước lớn thì sông đầy ắp, mấp mé bờ. Nước sông màu bạc phù sa, tôm cá đầy sông và trong ruộng vườn, khỏi lo bữa ăn cho gia đình. Còn bây giờ, đê với cống nhiều quá, nghe nói là trữ ngọt, ngăn mặn để làm lúa cho nhiều, bán có tiền cho dân đỡ nghèo. Nhưng đê, cống khắp nơi làm cho nước lúc nào cũng lưng lửng, nước lớn nước ròng cách nhau chưa tới một tấc. Nước chảy lờ đờ, màu nước nâu nâu, tắm thì ngứa nên không ai dám tắm. Cá thì phải tự nuôi hoặc mua ăn nên giờ thấy chi phí cao quá, lo mệt xỉu.

Bạn nói hồi trước xung quanh đây cũng làm lúa, trồng cây ăn trái, làm bờ bao nhỏ xung quanh gọi là bao ngạn, lấy thân cây dừa khoét ruột làm ống bọng. Bây giờ chắc tụi trẻ không biết ống bọng, chỉ biết cống. Hồi trước, nước lớn thì giở bọng cho nước vô, nước ròng muốn xả thì mở nắp là nước chảy ra. Bây giờ nước sông lình bình, phải dùng máy bơm liên tục, giống như nhà ở thành phố bơm nước mỗi khi bị ngập. Trồng lúa thì không cày phơi ải được, chuyển qua trồng mía nhưng đất bị trầm thủy như vậy nên chữ đường thấp; bỏ mía qua cam thì bị thúi rễ, vàng lá, bón phân hoài không khá. Một số nhà bây giờ chỉ còn cách trồng tràm, bỏ đi Bình Dương làm kiếm thêm, lâu lâu về thu hoạch tràm.

Chợ nổi cũng kém vui vì bây giờ đường sá phát triển ít ai đi ghe xuồng. Nhưng còn có lý do là muốn dùng ghe xuồng chở hàng hóa ra chợ nổi cũng không được vì bị vướng mấy cống đập. Bạn nói lâu ngày gặp lại, bạn muốn đãi mình một bữa tôm càng xanh nướng, ngọt lịm như hồi xưa. Nhưng mà kẹt quá, bây giờ tôm càng xanh đi đâu hết. Chắc nó không đẻ được vì nghe mấy nhà khoa học thủy sản nói tôm càng xanh tuy sống nước ngọt nhưng phải bơi ra vùng cửa sông nước lợ gần biển mới đẻ, rồi tôm con đi ngược về vùng nước ngọt mà lớn lên. Bơi ra bị đê cống chặn lại rồi làm sao bơi. Mà tôm nuôi vừa mắc vừa lạt nhách không ngon, vậy nên không đãi mình.

Qua bình trà thứ hai, mình ngồi nghĩ ngợi lung tung, nhớ tới bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: quê tôi, ai cũng có một dòng sông bên nhà. Con sông quê gắn bó, với tuổi thơ đời tôi. Bao năm xa quê ấy, hôm nay tôi trở về, lòng chợt vui thấy sông không già... Đang suy nghĩ, chợt giật mình vỗ đùi cái chát. Vì ngồi cạnh bạn nên vỗ lộn đùi bạn, bạn hỏi gì vậy. Đáp là, “ông à, như vậy sông ngòi quê mình bây giờ không còn liên hệ gì nữa với mặt trăng như ngày xưa, phải không ông?”. Cả hai ngồi làm thinh.

Một lát sau bạn nói có nghe trên báo đài rằng Chính phủ vừa có nghị quyết về đồng bằng, chỉ ra là phát triển cái đồng bằng này phải thuận thiên, phải tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, coi nước mặn, nước ngọt đều là tài nguyên. Rồi thay đổi tư duy, cái gì có lợi thì làm chứ không dứt khoát chỉ là làm lúa thiệt nhiều như hồi xưa.

Nếu được như vậy thì xâm nhập mặn mình đâu có sợ, không cần chặn sông ngòi nữa thì sông ngòi lại chảy, bớt ô nhiễm, nước lại lên xuống theo con trăng, theo con nước ngày rằm và con nước ba mươi âm lịch. Rồi mỗi ngày sẽ có nước ròng sát đáy sông, nước lớn đầy ắp, như tấm lòng người miền Tây Nam bộ phóng khoáng, đã cho là cho đi hết, đã yêu thương là đầy ắp.

Bạn nói nghe vậy mừng lắm, nhưng vẫn chưa thấy gì, ráng chờ coi sao. Tới lúc đó, tôm càng xanh lại có nhiều, bạn sẽ đãi mình một bữa tôm càng xanh nướng, thịt ngọt lịm.

Nguyễn Hữu Thiện

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277076/neu-thang-nay-khong-con-anh-trang-.html