Nếu tách Luật Giao thông, Bộ Công an khẳng định không tăng biên chế, chi phí, thủ tục hành chính

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, nếu Quốc hội đồng ý ban hành Luật và giao trách nhiệm cho Bộ thì lực lượng công an sẽ không tăng biên chế, cùng với đó là chi phí, thủ tục hành chính… cũng giữ nguyên như cũ.

Trước những ý kiến các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có ý kiến giải trình và cho biết, xuất phát từ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, với trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, Chính phủ cũng đã xác định đó là trách nhiệm của ngành công an và cũng xác định trật tự, an toàn giao thông là một bộ phận quan trọng của trật tự, an toàn xã hội. Chính vì thế, Chính phủ cũng đã được Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đồng ý đề xuất xây dựng dự luật này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, trong báo cáo tác động cũng như trong báo cáo đề xuất, cũng như trong các quy định của dự thảo luật đã nói rất rõ là trách nhiệm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là trách nhiệm của Bộ Công an, xác định như là một bộ phận của trật tự, an toàn xã hội.

"Nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật này và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì trong báo cáo đánh giá tác động chúng tôi cũng đã nêu, trong lực lượng công an sẽ không tăng biên chế. Cùng với đó là việc chi phí cũng không tăng, không tăng các thủ tục về hành chính, tất cả các thủ tục hành chính theo các quy định từ trước đến giờ đã có", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định, Bộ không phải tách luật mà trên thực tế quá trình làm luật cùng với sự phát triển chung của mọi mặt đời sống xã hội, càng ngày càng đi vào những lĩnh vực cụ thể, càng quy định phải chi tiết những vấn đề luật pháp, nhất là liên quan đến quyền của con người, quyền của công dân được cụ thể hóa.

"Trong quá trình soạn thảo luật Bộ cũng nhận được rất nhiều ý kiến cử tri đề nghị với Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông này cũng là luật phổ cập toàn xã hội, từ các cháu bé đi học cho đến các cụ già đều phải được tuyên truyền, được giải thích về luật.

Những người tham gia giao thông phải học, phải thi sát hạch, phải thực hiện nghiêm túc những điều luật. Thành ra cũng có đề nghị là soạn thảo phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ học, ngắn gọn, nếu dài thì khó học thuộc, khó triển khai khi tổ chức thực hiện", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Một vấn đề nữa Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an nhất trí cao, đảm bảo không làm ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình soạn thảo 2 luật, đồng thời không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cuối cùng người đứng đầu Bộ Công an xin tiếp thu, đóng góp từ phía các ĐBQH để Dự thảo Luật được hoàn thiện hơn, sớm đi vào cuộc sống, thực tiễn đời sống đang rất cấp bách hiện nay.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/neu-tach-luat-giao-thong-bo-cong-an-khang-dinh-khong-tang-bien-che-chi-phi-thu-tuc-hanh-chinh-20201117113614323.htm