'Nếu ở nơi khác, Coca-Cola sẽ không dám 'chơi chiêu' như vậy!'

Sự việc slogan (khẩu hiệu thương mại) của công ty Coca-Cola Việt Nam gây tranh cãi đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Trao đổi với PV Báo ANTĐ, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định rằng, đã có sự chủ ý không trong sáng ở slogan đó, và nếu tại những thị trường khó tính hơn, chắc chắn công ty này sẽ 'không dám chơi chiêu' như vậy.

Nổi tiếng với những chương trình truyền thông đầu tư kỹ lưỡng, khó nói rằng câu slogan vô nghĩa của Coca-Cola Việt Nam là... vô tình. Ảnh: Coca-Cola Việt Nam

Nổi tiếng với những chương trình truyền thông đầu tư kỹ lưỡng, khó nói rằng câu slogan vô nghĩa của Coca-Cola Việt Nam là... vô tình. Ảnh: Coca-Cola Việt Nam

Trong chiến dịch quảng cáo mới của mình, công ty Coca-Cola Việt Nam đã dùng slogan "Mở lon Việt Nam". Trước câu khẩu hiệu vô nghĩa này, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo không rõ nội dung của Coca-Cola Việt Nam.

Ngay sau đó, sự việc gây ra tranh cãi, khi một bộ phận dư luận cho rằng Coca-Cola Việt Nam "không sai", trong khi chiều ngược lại tin rằng đây là sự chủ ý, cố tình, hòng thu hút sự quan tâm (sự việc đã trở thành "trend thông tin" trên mạng xã hội Facebook).

PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi chi tiết với chuyên gia truyền thông và xã hội Nguyễn Ngọc Long, nhằm mang tới cái nhìn sâu sắc hơn về sự việc.

Khi slogan vô nghĩa là một sự chủ ý

PV: Dựa trên kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing, theo anh, slogan quảng cáo đó là vô tình hay hữu ý? Trong những thủ thuật marketing đã được ghi nhận, có thủ thuật nào kiểu như vậy hay không?

- Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: Với kinh nghiệm theo dõi mảng truyền thông, tôi nghiêng về sự cố tình. Bởi cần nhắc lại rằng, trong thời gian trước, họ từng thành công với chiến dịch quảng cáo in tên lên lon. Tôi còn nhớ đã có bài nhạc chế trên mạng xã hội (chế từ ca khúc "Chiếc khăn piêu"), trong đó nói về việc in tên của Coca-Cola, và hát "lon" theo kiểu gần với từ nhạy cảm.

Ở chiến dịch đó, dư luận cũng từng tranh cãi, nên không có lý gì Coca-Cola không biết rằng chữ đó là nhạy cảm, dễ gây suy diễn. Song sau đó, công ty này vẫn tiếp tục quảng cáo với những cụm từ như "khui lon", "mở lon"...

Đối với slogan "Mở lon Việt Nam", tôi nghĩ rằng cần tách ra 2 vế để đảm bảo khách quan khi phân tích. Với phần "mở lon", tôi tin rằng họ cố tình, để gây tranh cãi. Còn phần gắn tên quốc gia, có thể chỉ là một "tai nạn".

Nhưng dù nói gì đi chăng nữa, thì các tên địa danh, vùng miền, quốc gia không phải là thứ muốn mang ra dùng kiểu gì cũng được. Cần có sự tôn trọng và hơn hết là đúng ngữ cảnh, rõ ngữ nghĩa.

Trong marketing, thủ thuật gây tranh cãi như vậy được gọi là "Tạo nghị luận truyền thông". Nếu như doanh nghiệp nào thành công với thủ thuật này, họ sẽ được nhắc tên miễn phí và chủ động trên các kênh báo chí, truyền thông mạng xã hội...

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ quan điểm tại một sự kiện

Vậy theo anh, việc Cục Văn hóa cơ sở có biện pháp can thiệp trước slogan gây tranh cãi "Mở lon Việt Nam" của Coca-Cola có phù hợp không? Tại sao?

- Để trả lời câu hỏi này, tôi thấy cần xét nhiều yếu tố.

Với chức năng quản lý, giám sát những nội dung trong các quảng cáo, thì việc Cục Văn hóa cơ sở quan tâm tới slogan của Coca-Cola là chính đáng.

Bởi một doanh nghiệp lớn như Coca-Cola thì khi chạy chương trình, quy mô luôn đáng kể, quảng cáo rầm rộ. Không thể coi đó là việc "không đáng quan tâm" được.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sự nhạy cảm, và thậm chí nếu họ "nhạy cảm thái quá" thì là điều rất tích cực. Xin lưu ý rằng, quảng cáo không chỉ liên quan đến kinh doanh, kinh tế, mà còn liên quan văn hóa. Việc nhạy cảm (nếu có) của Cục Văn hóa cơ sở là điều đáng khen ngợi.

Song chỉ có điều, từ trạng thái nhạy cảm cho đến việc cư xử như thế nào lại là vấn đề khác, cần phải bàn kỹ hơn. Tôi quan sát và thấy công đoạn tìm kiếm phương án xử lý của Cục chưa thực sự tối ưu, từ đó tạo ra luồng dư luận trái chiều như vừa qua.

"Coca-Cola sẽ không dám làm vậy, nếu đó là một thị trường khó tính!"

Ngay sau khi thông tin về sự việc lan ra, rất nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam đã bày tỏ quan điểm, thậm chí là "ăn theo trend", trong đó, một bộ phận tỏ ra cảm thông với doanh nghiệp. Mặc dù việc đưa ra quan điểm cá nhân là quyền của họ, nhưng việc bày tỏ đó đôi khi thể hiện sự xốc nổi, hời hợt, thậm chí là "nghe người khác nói thì mình cũng hùa theo". Anh có cho rằng đó là một mặt trái khi mạng xã hội ngày càng phổ biến?

- Tất nhiên rồi! Có những trường hợp mà mọi người thể hiện quan điểm một cách quá đà.

Tôi nghĩ cần nói rõ hơn là không phải dư luận bênh doanh nghiệp. Vì qua nhiều vụ việc, chúng ta thấy doanh nghiệp Việt thậm chí còn bị "vùi dập" không thương tiếc, trong khi với doanh nghiệp nước ngoài, dường như mọi người có xu hướng ưu ái hơn.

Trong trường hợp cụ thể vừa qua, khi đứng trước lựa chọn ủng hộ quyết định của cơ quan quản lý hay ủng hộ doanh nghiệp, một số người đã chọn theo cảm tính, với xu hướng đứng về phía "bị xử lý", mà chưa cân nhắc, phân tích thực sự kỹ lưỡng.

"Nếu ở những thị trường khác khó tính hơn, Coca-Cola sẽ không dám 'chơi chiêu' như vậy!", chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long khẳng định

Giả sử như sự việc vừa qua xảy ra ở một thị trường khác lớn hoặc khó tính hơn, thì theo anh, họ sẽ phản ứng thế nào trước thông tin đó?

- Đây là một câu hỏi rất hay! Rõ ràng với những thị trường văn minh và lớn hơn, như Nhật Bản hay Trung Quốc, tôi cho rằng Coca-Cola không dám làm chương trình như vậy. Vì ở những thị trường đó, bên cạnh lòng tự tôn dân tộc rất cao, người tiêu dùng còn xây dựng văn hóa tẩy chay rất quyết liệt.

Hãy nhìn lại những sự cố truyền thông rất gần đây thôi: Bộ đôi nhà thiết kế lừng danh của hãng thời trang Dolce & Gabbana (D&G) đã phải trả giá đắt như thế nào, khi buông lời kỳ thị người Trung Quốc vì văn hóa dùng đũa.

Tại Việt Nam, Burger King cũng từng nhận phản ứng tương tự khi tung ra quảng cáo có ý mỉa mai việc dùng đũa. Quảng cáo này cũng đã gây ra phản ứng tương tự tại Trung Quốc.

Nói tóm lại, các yếu tố như văn hóa, chủng tộc, tôn giáo luôn rất nhạy cảm, song đôi khi, ở Việt Nam thì một số thứ lại chưa bị coi là nhạy cảm lắm. Do vậy, Coca-Cola mới tung ra slogan "Mở lon Việt Nam". Nếu ở thị trường khác, tôi tin rằng họ không dám làm điều đó!

Cảm ơn anh!

Trung Hiếu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/neu-o-noi-khac-cocacola-se-khong-dam-choi-chieu-nhu-vay/816095.antd