Nếu nỗ lực, kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 5,2%

Phát biểu tại Hội trường Quốc hội chiều 15-6, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: 'Nếu nỗ lực, kinh tế Việt Nam có thể đạt đến mức 5,2% như mục tiêu của Chính phủ đề ra trong năm 2020'.

“Nếu như kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 được đại biểu Quốc hội đánh giá là chúng ta đã về đích một cách ngoạn mục thì những kết quả đạt được trong đầu năm 2020 chúng ta phải coi đây là một kỳ tích”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Theo phân tích của đại biểu, trong khi kinh tế thế giới đang suy giảm toàn cầu nặng nhất sau gần 150 năm kể từ khi đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933. Nhiều nền kinh tế lớn đang tăng trưởng âm 56%. Kinh tế Việt Nam chỉ có độ mở trên 200% có nghĩa là kinh tế thế giới mà bị ảnh hưởng, biến động một thì kinh tế Việt Nam phải ảnh hưởng, biến động gấp đôi. Thế nhưng, Việt Nam vẫn nổi lên trở thành nước dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thế giới. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã có một nghiên cứu công bố và dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt được 4,8% và nếu chúng ta nỗ lực thì có thể đạt đến mức 5,2% như mục tiêu của Chính phủ đề ra.

“Những gì làm được trong thời gian qua chính là chúng ta đã biến nguy thành cơ như quyết tâm của Thủ tướng. Uy tín thương hiệu Việt Nam được chinh phục, niềm tin của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng chuyển dịch đầu tư. Đây là thời điểm rất tốt để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế, giúp Việt Nam đón cơ hội "hóa rồng", đại biểu nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): "Để tạo bước phát triển đột phá thì phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, trước hết là đổi mới sáng tạo trong quản lý. Phải thay thế cơ chế đánh giá dựa vào sự tuân thủ quy trình quy định sang cơ chế đánh giá dựa vào kết quả đầu ra". Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): "Để tạo bước phát triển đột phá thì phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, trước hết là đổi mới sáng tạo trong quản lý. Phải thay thế cơ chế đánh giá dựa vào sự tuân thủ quy trình quy định sang cơ chế đánh giá dựa vào kết quả đầu ra". Ảnh: Quochoi.vn

Để biến những cơ hội trên thành hiện thực, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, phải có các giải pháp đặc biệt để biến các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột cho các ngành sản xuất trong nước.

Thủ tướng đã thành lập tổ công tác đặc biệt để chủ động tìm kiếm những nhà đầu tư là mục tiêu cần thu hút để nắm bắt yêu cầu, đánh giá những điều kiện đáp ứng. Chính phủ cần lựa chọn và hỗ trợ cho một số doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực để tiếp nhận sở hữu toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất để biến các nhà đầu tư nước ngoài trở thành một phần của các tập đoàn trong nước.

Ví dụ, nếu chúng ta có một cơ chế phù hợp để dành toàn bộ thị phần ngành công nghiệp đường sắt và những chính sách ưu đãi phù hợp thì chúng ta có thể thu hút được các tập đoàn nước ngoài vào bắt tay với các doanh nghiệp trong nước để hình thành nên công nghiệp đường sắt trong nước. Cách làm này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều lần so với việc chúng ta đi vay tiền, thuê các nhà thầu nước ngoài xây dựng từng dự án đường sắt và nhập từng đoàn tàu riêng lẻ. “Nhiều ngành công nghiệp khác các nước cũng đang rất muốn chuyển giao cho nước thứ ba, trong khi nước ta đang rất cần”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Đại biểu cũng cho rằng, để tạo bước phát triển đột phá thì phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, trước hết là đổi mới sáng tạo trong quản lý. Phải thay thế cơ chế đánh giá dựa vào sự tuân thủ quy trình quy định sang cơ chế đánh giá dựa vào kết quả đầu ra.

“Đổi mới, sáng tạo trong kinh tế có nghĩa là phải tìm ra được cách giải quyết vấn đề khác với thông lệ để đạt được kết quả nhanh hơn, hiệu quả cao hơn. Phải xác lập một cơ chế để những quyết định dù không tuân thủ quy trình quy định nhưng mang lại kết quả và hiệu quả cao sẽ phải được ghi nhận và đánh giá cao. Còn ngược lại, nếu chỉ tuân thủ quy trình và quy định nhưng kết quả không cao sẽ không được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Quan điểm này cần phải trở thành chủ trương của Đảng để có cơ sở thể chế hóa thành các tiêu chuẩn, đánh giá kết quả và hiệu quả công tác quản lý mới có thể tạo ra được đột phá cho phát triển”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/neu-no-luc-kinh-te-viet-nam-van-co-the-tang-truong-52-197672.html