Nếu nghĩ 'Trải nghiệm điểm chết' chỉ đơn thuần là phim kinh dị về thế giới bên kia thì bạn đã lầm rồi

'Trải nghiệm điểm chết' (Flatliners 2017) được coi là bộ phim kinh dị về thế giới bên kia khi con người chết đi với sự lý giải của kiến thức y khoa pha lẫn yếu tố tâm linh. Thế nhưng 'thế giới bên kia' liệu có thực sự tồn tại như con người vẫn nghĩ?

Trong phim Flatliners 2017, năm sinh viên y khoa của một trường đại học danh tiếng, đứng trước thách thức của vị giáo sư khó tính và áp lực về tương lai đã làm một nghiên cứu điên rồ: tự làm mình chết lâm sàng và dùng máy móc ghi lại mọi hoạt động của bộ não. Họ gọi đó là “trải nghiệm điểm chết”. Sau lần thử nghiệm làm trái tim ngừng đập trong 60 giây của Courtney, những người bạn còn lại đều rất bất ngờ về kết quả thu được từ bộ não của cô và nhanh chóng dấn sâu hơn vào trò đùa liều mạng này. Lần lượt họ đã tự nguyện tham gia thí nghiệm, ngoại trừ Jamie.

Thứ thôi thúc họ trải nghiệm điểm chết không chỉ là sự tò mò về “thế giới bên kia” mà còn là sự khoái cảm cực độ sau khi sống lại. Bộ não dường như được kích hoạt, mở ra mọi ngăn kéo của trí nhớ, khiến họ làm việc hiệu quả hơn và tràn đầy năng lượng. Nhưng sự hưng phấn đó kéo dài không được bao lâu khi họ bắt đầu nhận ra những ảo giác từ trải nghiệm kia đang đe dọa cuộc sống của mình. Một khi đã chơi đùa với cái chết, họ sẽ phải trả giá, bằng chính cái chết thật.

“Thế giới bên kia” mà họ nhìn thấy là gì?

Khán giả sẽ tưởng tượng đó là thế giới mà linh hồn tách khỏi thể xác, bay lên cao và có thể quan sát mọi hành vi của những người đang sống. Nhưng trong Flatliners 2017, mỗi nhân vật khác nhau lại có một trải nghiệm điểm chết khác nhau.

Nếu như Courtney có xu hướng trở về quá khứ thì bộ não của Ray lại tái hiện những giây phút hiện tại. Sophia có những trải nghiệm đầy lo sợ trước một người bạn cũ còn sống, còn Marlo lại có những ảo giác rùng mình trước một người đã chết. Điểm chung giữa họ là đều bị dẫn dắt bởi một đoạn kí ức có thật, những trải nghiệm đều có mối liên hệ với một nhân vật mà chính họ đã gây ra tội lỗi với người đó trong quá khứ.

Cảm giác tội lỗi ngày một xoáy sâu trong tâm trí họ, những ảo giác giăng kín cuộc sống của họ ở bất cứ đâu, và nỗi ám ảnh ngày một tăng thêm mức độ kinh hoàng.

Hóa ra, “thế giới bên kia” chính là thế giới nội tâm đầy sợ hãi mang đến ảo giác cho con người

Nhưng thế giới bên kia chính là thế giới sâu bên trong nội tâm con người, những phần người ta định chôn chặt nó. Khi chết đi não bộ sẽ được kích hoạt kí ức ở chính những điều người ta lo sợ lúc còn sống.

Courtney không tài nào thoát khỏi kí ức kinh hoàng về tai nạn năm ấy, cô được cứu sống nhưng em gái cô đã chết một cách oan uổng do chính sơ sẩy của Courtney. Cô tự đày đọa bản thân và cho rằng chính mình đã giết em gái. Sau lần chết lâm sàng, kí ức đã mang đến cho Courtney ảo giác người em luôn muốn trả thù cô và chính cô đã chết thực sự. Không có bằng chứng nào cho thấy cô bị sát hại, nhưng cũng không ai có thể lý giải nguyên nhân nếu giả thiết cô tự tử là đúng.

Những sinh viên còn lại khi đã thử trải nghiệm điểm chết cũng không thoát khỏi sự trả giá. Ray hoảng loạn đến mức nghĩ rằng vết đâm ở tay là do bạn gái cũ của mình gây ra, Marlo thậm chí đã tự đưa mình vào phòng thí nghiệm một lần nữa để chết, nhưng cô đã được cứu sống.

Trải nghiệm điểm chết, rốt cuộc để làm gì?

Sau cái chết của Courtney, dù vô cùng hoảng loạn nhưng bốn người bạn còn lại đã quyết tâm giải thoát chuyện này. Họ không thể chịu đựng hơn nữa sự “trả giá” đầy nghiệt ngã và họ biết nếu tiếp tục, sớm muộn gì họ cũng phải chết. Họ bắt đầu tìm đến người mà họ đã gây ra tội lỗi, bằng một cách thành khẩn nhất, cầu xin sự tha thứ và dường như kết quả đã thành công với Ray và Sophia.

Nhưng Marlo thì sao? Cô phải làm gì khi bệnh nhân mà cô có lỗi đã chết? Sự bế tắc đã đã dẫn cô vào lần chết lâm sàng thứ hai, tim cô ngừng đập hơn 4 phút, đi quá giới hạn chịu đựng thông thường của cơ thể, trải nghiệm điểm chết của cô đã vượt qua ranh giới của sự sống và chuẩn bị bước vào cửa tử như Courtney. Nhưng trong chính trải nghiệm ấy, cô gặp lại người bạn Courtney với lời nhắn nhủ: “Marlo, người cần được tha thứ là chính mình!”.

Thật ra không ai trong số họ cố ý muốn làm hại người khác, những sự cố xảy ra hoặc là tai nạn, hoặc là do hoàn cảnh đưa đẩy. “Với tội lỗi của chính mình, dù vô tình hay cố ý, không chỉ xin lỗi là xong mà chúng ta cần đối diện với nó. Và quan trọng nhất là phải tha thứ cho chính mình.” Marlo đã từ bỏ danh vọng để thú nhận tội lỗi trước trưởng khoa, để được sống đúng với lương tâm của mình mà không phải che giấu bất cứ điều gì. Cuộc sống khi ấy của cô và của cả nhóm bạn đã thanh thản hơn rất nhiều.

Giá như tất cả chúng ta có thể biết sau khi chết mình trở nên như thế nào thì có lẽ chúng ta sẽ sống tốt hơn ở hiện tại. Nhưng khả năng ấy là không thể, vì vậy tất cả những gì chúng ta có thể làm là thành thật với lương tâm.

Trải nghiệm điểm chếthoàn toàn không phải là “thế giới bên kia” đầy ma quỷ với thứ năng lực siêu nhiên đe dọa cuộc sống của con người mà chính là thế giới phản ánh nỗi ám ảnh tột cùng của con người về tội lỗi do mình gây ra. Hàng loạt những câu hỏi xoay quanh ranh giới giữa sự sống và cái chết đặt ra trong tác phẩm mà chỉ khi thưởng thức nó, khán giả mới có câu trả lời cho riêng mình.

Trailer phim Flatliners 2017.

Mặc dù kịch bản được đánh giá là khá non tay so với bản phim năm 1990 nhưng Trải nghiệm điểm chết - Flatliners 2017 vẫn khẳng định được sức hút của mình bởi dàn diễn viên xuất sắc và thông điệp truyền tải đầy tính nhân văn.

Bạch Vân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/neu-nghi-trai-nghiem-diem-chet-chi-don-thuan-la-phim-kinh-di-ve-gioi-ben-kia-thi-ban-da-lam-roi-1749317.html