Nếu Nga không chặn tàu ngầm hạt nhân Anh chất đầy Tomahawk, Syria sẽ thảm khốc hơn nhiều?

Trước vụ tấn công ngày 14-4, siêu tàu ngầm hạt nhân HMS Astute mang đầy tên lửa hành trình Tomahawk đang tiến vào khu vực đủ tầm bắn tới Syria thì bị hai tàu ngầm Kilo của Nga áp sát dưới lòng biển Địa Trung Hải.

Theo Express, ngay khi tiến vào Địa Trung Hải tới khu vực đủ tầm bắn của tên lửa hành trình, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa Tomahawk của Anh đã vì bị 2 chiếc Kilo của Nga áp sát phía sau. Điều này buộc tàu ngầm Anh phải gọi cứu trợ.

Mỹ đã ngay lập tức điều máy bay săn ngầm mạnh nhất thế giới P-8A tới để giải cứu.

Thời điểm diễn ra vụ việc được xác định ngay trước khi liên quân Mỹ - Anh - Pháp không kích Syria. Theo cáo buộc của phía Anh, lực lượng Nga đã bám theo tàu ngầm Astute, khi nó tiến vào phạm vi tấn công Syria.

Tàu ngầm điện diesel Kilo 636.3 biệt danh "Hố đen đại dương" bị cáo buộc đã áp sát tàu ngầm của Anh.

Kilo 636.6 là biến thể mạnh nhất trong gia đình tàu ngầm Kilo 636, khác với các loại tàu xuất khẩu, Kilo 636.3 của Nga được trang bị tên lửa hành trình Kalibr.

Chính những chiếc tàu ngầm này đã bắn tên lửa hành trình Kalibr vào Syria để diệt phiến quân trong thời gian vừa qua.

Quay lại cuộc chạm trán giữa tàu ngầm Anh và Nga, cuộc rượt đuổi theo kiểu "mèo vờn chuột" giữa các tàu ngầm chỉ kết thúc sau khi Mỹ điều sát thủ săn ngầm P-8A tới hỗ trợ.

Ngoài ra, theo các nguồn tin quân sự của The Times, hai khinh hạm cùng một máy bay săn ngầm của Nga cũng đã tham gia cuộc truy đuổi này.

Anh là quốc gia đồng minh duy nhất được Mỹ trang bị tên lửa Tomahawk cho các tàu ngầm hạt nhân.

Theo The Times, tàu ngầm HMS Astute đã trải qua vài ngày tham gia vào trò chơi "trốn tìm" này, một động thái giống như thời Chiến tranh Lạnh.

Giữa Anh và Nga từng diễn ra nhiều vụ đụng độ trong lịch sử nhưng đây là lần đầu tiên một sự vụ như vậy xảy ra trong lúc Anh tăng cường lực lượng chuẩn bị cho cuộc tấn công Syria.

HMS Astute là tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất của Anh, nó cũng được đánh giá nằm trong tốp đầu những tàu ngầm có năng lực chiến đấu mạnh nhất thế giới.

Ngoài ngư lôi và tên lửa diệt hạm, tàu ngầm còn được trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk.

Mỗi chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Astute của Anh có khả năng mang theo tới 20 quả tên lửa hành trình Tomahawk.

Đây là loại vũ khí công nghệ cao với sức hủy diệt đáng sợ.

Thực tế cho thấy Anh là quốc gia đã không sử dụng hải quân trong vụ tấn công vào Syria hôm 14-4 vừa qua.

Họ chỉ sử dụng 4 chiếc máy bay cường kích Tornado mang theo 8 quả tên lửa hành trình Storm Shadow.

Trước đó Thủ tướng Anh Theresa May đã ra lệnh cho tàu ngầm Anh di chuyển vào khu vực tầm bắn của tên lửa hành trình Tomahawk.

Sở dĩ vì phiên bản Tomahawk được Mỹ cung cấp cho Anh không có tầm bắn xa như trang bị trên tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, vì vậy chúng phải tiến gần hơn bờ biển Syria để khai hỏa.

Dù cả Nga và Syria lên tiếng bác bỏ sự thành công của vụ tấn công khi các tên lửa đã đánh trúng mục tiêu, nhưng do không có các mảnh vỡ của đạn tên lửa bị bắn rơi được trưng ra, cộng với hình ảnh các mục tiêu bị san phẳng khiến người ta nghi ngờ thực sự về con số 71 tên lửa bị bắn hạ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng có thể Syria chỉ đánh chặn được khoảng 20 trên tổng số 105 tên lửa của liên quân bắn vào như họ đã tuyên bố trước đó chứ không phải 71 tên lửa như phía Nga công bố.

Vì vậy nếu tàu ngầm Nga không chặn tàu ngầm hạt nhân Anh mang theo tên lửa hành trình đi vào khu vực đủ tầm bắn của tên lửa hành trình, có lẽ các mục tiêu Syria sẽ còn thảm khốc hơn.

Có lẽ việc chỉ sử dụng không quân đến công là việc ngoài dự liệu của Anh. Pháp đã sử dụng một tàu khu trục bắn ra các tên lửa hành trình Scalp EG bên cạnh việc sử dụng không quân.

Mỹ dùng cả không quân và hải quân với sự tấn công tên lửa ồ ạt từ tuần dương hạm, khu trục hạm và cả tàu ngầm hạt nhân tấn công.

Hình ảnh tên lửa hành trình Tomahawk được phóng lên từ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Tomahawk được coi là loại vũ khí cực kỳ chính xác với độ sai số mục tiêu chỉ một hai mét.

Mục tiêu đã bị Tomahawk phá hủy.

Dù cực kỳ hiện đại và có tính năng chiến đấu cao có thể đương đầu cùng lúc với nhiều mục tiêu, nhưng do việc Nga và Anh không phải trong tình trạng chiến tranh, lại bị 2 tàu ngầm Kilo, tàu chiến mặt nước và cả máy bay săn ngầm "quây hội đồng" theo kiểu "mèo vờn chuột" khiến chiếc tàu ngầm hạt nhân của Anh bối rối trong việc xử lý.

Được chế tạo với trị giá 1,5 tỷ USD mỗi chiếc, Astute là lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân đắt giá nhất trong lịch sử Hải quân Anh và được đánh giá là tàu ngầm hiện đại nhất thế giới.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Astute do hãng BAE Systems Submarine Solutions nghiên cứu phát triển từ những năm 1990 dựa trên tàu ngầm Trafalgar cho Hải quân Hoàng gia Anh. Sau thời gian dài nghiên cứu, năm 2011 chiếc đầu tiên mang tên HMS Astute được khởi đóng và chính thức được đưa vào phục vụ năm 2010.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Astute có lượng giãn nước toàn tải khi lặn tới 7.400 tấn, dài 97m, rộng 11,3m và mớn nước 10m. Tàu được vận hành bởi thủy thủ đoàn chỉ gồm 98 người, điều đó cho thấy con tàu có tính tự động hóa rất cao.

Tàu được trang bị sonar có thể phát hiện ra một tàu ngầm địch từ khoảng cách 3.000 hải lý. Điều đó có nghĩa là, tàu ngầm Astute đang bơi lội ở bờ biển Anh có thể phát hiện được sự di chuyển của các tàu ngầm Mỹ ở phía bên kia Đại Tây Dương.

"Trái tim" của tàu chính là hai lò phản ứng hạt nhân Rolls Royce PWR thuộc kiểu lò phản ứng nước áp lực. Nhờ những tiến bộ về công nghệ, tàu sẽ không cần phải tiếp nhiên liệu dù có đi 40 lần vòng quanh Trái Đất, hay hoạt động trong suốt 25 năm.

Tàu sử dụng 2 tuốc bin Alastom đơn trục với 2 máy phát điện diesel MTU 600kW. Hệ thống điện tử CAE thu nhận thông tin từ các thiết bị đo đạc để kiểm soát độ sâu, và tích hợp điều khiển kĩ thuật số. Nhờ đó, tàu ngầm Astute có thể đạt vận tốc tối đa 29 hải lí/giờ, và lặn sâu trên 300m.

Không chỉ có khả năng hoạt động xa bờ, lặn liên tục trong thời gian dài mà không cần tiếp nhiên liệu, thân tàu ngầm còn được phủ 39.000 khối vật liệu cách âm khiến con tàu “tàng hình” trước các hệ thống định vị thủy âm của đối phương.

Tàu ngầm Astute sử dụng hệ thống quản lý chiến đấu ACMS do BAE Systems Insyte cung cấp. ACMS nhận dữ liệu từ hệ thống định vị thủy âm và các cảm biến khác, thông qua các thuật toán tiên tiến và xử lý dữ liệu, hiển thị hình ảnh theo thời gian thực trên các màn hình.

Điểm đặc biệt của Astute chính là ở hệ thống định vị và trinh sát gồm: radar định vị băng tần I, hệ thống định vị thủy âm Thales S2076 và bản đồ thủy văn chính xác cao DESO 25 cho phép phát hiện mục tiêu từ cự li 4.800km.

Về vũ khí, Astute được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm có thể bắn tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa hành trình chống tàu, ngư lôi và thủy lôi. Hai loại vũ khí chính đang được trang bị cho lớp tàu Astute là tên lửa hành trình Tomahawk và ngư lôi hạng nặng Spearfish.

Trong đó, tên lửa hành trình UGM-109E Tomahawk Block IV đạt tầm bắn xa đến 1.700km, tốc độ hành trình cận âm 880km/h.

Tàu được ngư lôi hạng nặng Spearfish Spearfish có trọng lượng tới 1,8 tấn, dài 7m, lắp đầu đạn nặng 300kg. Spearfish đạt tầm bắn xa đến 54km nếu di chuyển ở tốc độ thấp hoặc 23km nếu di chuyển tốc độ cao (khoảng 150km/h). Ngư lôi được điều khiển qua dây với đầu tự dẫn chủ động pha cuối.

Với hai loại vũ khí này, Astute có thể tự tin đối đầu với mọi loại tàu ngầm, tàu mặt nước của đối phương. Không những thế, nó thậm chí có thể thực hiện cuộc oanh tạc tầm cực xa với độ chính xác siêu cao.

Hải quân Anh có kế hoạch đóng 7 chiếc Astute, dự kiến tới năm 2024 họ sẽ nhận đủ toàn bộ số tàu này.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-neu-nga-khong-chan-tau-ngam-hat-nhan-anh-chat-day-tomahawk-syria-se-tham-khoc-hon-nhieu/764544.antd