Nếu Mỹ xung đột Iran, đây sẽ là những 'cánh tay nối dài' của Tehran

Sau hàng thập kỷ xây dựng tầm ảnh hưởng trong khu vực bằng việc tài trợ cho các nhóm vũ trang ở khắp Trung Đông, Iran sẽ có được sự hỗ trợ không nhỏ nếu chiến tranh với Mỹ xảy ra.

"Nếu Mỹ phát động chiến tranh với Iran, họ sẽ không đứng một mình ở mặt trận, vì số phận của khu vực gắn chặt với nước Cộng hòa Hồi giáo".

Đó là phát biểu ông Nassan Nasrallah, lãnh đạo nhóm du kích Hezbollah, trong buổi vận động rầm rộ tại thủ đô Beirut, Lebanon để kỷ niệm 40 năm cuộc cách mạng Hồi giáo của Iran.

AP cho biết từ Lebanon đến Syria rồi Iraq, Yemen và cả dải Gaza, Tehran đã mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng địa chính trị của mình trong thập kỷ vừa qua, tìm kiếm và xây dựng những đồng minh trung thành ở các quốc gia bị tàn phá bởi xung đột trên khắp Trung Đông.

Hezbollah là một trong những thành viên nổi bật nhất của nhóm được coi là "trục kháng cự", những nhóm vũ trang với hàng nghìn chiến binh Hồi giáo dòng Shia sẵn sàng nhận lệnh từ Tehran.

Các binh sĩ Hezbollah trong một cuộc duyệt binh hồi năm 2010, nhóm vũ trang này được coi là "sản phẩm xuất khẩu thành công nhất" của Iran ở khu vực. Ảnh: AP.

Các binh sĩ Hezbollah trong một cuộc duyệt binh hồi năm 2010, nhóm vũ trang này được coi là "sản phẩm xuất khẩu thành công nhất" của Iran ở khu vực. Ảnh: AP.

Iran đã sử dụng những nhóm này trong quá khứ để tấn công kẻ thù trong khu vực, và có thể tiếp tục huy động họ để mở rộng chiến trường trong trường hợp những căng thẳng mới nhất với Washington dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang.

Hezbollah

Nhóm vũ trang này có tên được dịch theo tiếng Arab là "Đảng của Chúa". Nó được thành lập bởi lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran trong thời kỳ diễn ra nội chiến Lebanon hồi những năm 1980. Ở thời điểm này, Hezbollah là nhóm vũ trang hoạt động hiệu quả nhất ở khu vực, nối dài tầm với của Iran tới tận biên giới Israel.

Trong một bài viết cho Viện Brookings hồi đầu năm nay, cựu thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jeffrey Feltman đã mô tả Hezbollah là "sản phẩm xuất khẩu thành công nhất" của Iran và đã trở thành "công cụ đa năng" của Tehran.

Hezbollah được thành lập để đối phó với Israel sau khi nước này tiến quân vào Lebanon năm 1982. Nhóm hoạt động theo kiểu du kích trong vòng 18 năm chống lại quân đội Israel, dẫn đến việc xe tăng nước này cuối cùng cũng phải rút khỏi Beirut vào năm 2000. Chỉ 6 năm sau, Hezbollah tiếp tục đối đầu với Israel trong cuộc chiến kéo dài 1 tháng.

Hiện nay, nhóm này sở hữu hàng chục nghìn rocket và tên lửa cỡ nhỏ có tầm bắn sâu vào lãnh thổ Israel, hàng nghìn binh sĩ Hezbollah cũng được đánh giá cao với tinh thần kỷ luật và kỹ năng chiến đấu du kích bậc thầy rút ra từ cuộc chiến với Israel. Lực lượng này cũng chiến đấu bên cạnh quân đội chính phủ Syria của ông Assad trong cuộc nội chiến vừa kết thúc, tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến trường và mở rộng phạm vi hoạt động.

Hezbollah được cho là đã tích lũy nhiều kinh nghiệm tại chiến trường Syria, nơi nhóm tham gia hỗ trợ lực lượng chính phủ của ông Assad. Ảnh: AP.

Tại Lebanon, sức mạnh của Hezbollah còn lớn hơn cả năng lực của quân đội nước này, trong bối cảnh chính trị phân mảnh ở đây, Hezbollah và các đồng minh từ nhiều sắc tộc nắm trong tay quyền lực lớn hơn cả quốc hội và chính phủ.

Mặc dù có giọng điệu mạnh mẽ, Hezbollah tuyên bố nhóm không muốn có thêm cuộc chiến nào với Israel, và sẽ khó có khả năng tham gia vào một cuộc chiến trên diện rộng ở khu vực, nhất là trong giai đoạn đầu, trừ khi bị khiêu khích. Nhóm đang trong quá trình tái thiết lực lượng sau khi mất đi hàng trăm binh sĩ tinh nhuệ ở chiến trường Syria.

Lực lượng Houthi

Lực lượng nổi dậy người Shia ở Yemen, còn được gọi là phiến quân Houthi (những người Houthi), kiểm soát khu vực phía bắc đất nước và thủ đô Sanaa hồi năm 2014. Đến năm 2015, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu bước vào cuộc chiến, ủng hộ phe chính phủ. Đến nay, cuộc nội chiến đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và tạo ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử.

Saudi Arabia coi Houthi là lực lượng ủy nhiệm của Iran, và cùng với các quốc gia phương Tây và Liên Hợp Quốc, họ cáo buộc Tehran cung cấp vũ khí cho nhóm này, bao gồm cả tên lửa tầm xa mà nhóm sử dụng để tấn công lãnh thổ Saudi. Iran cho biết họ ủng hộ những người Houthi nhưng phủ nhận việc cung cấp vũ khí.

Các chiến binh Shia tại Yemen do Iran hậu thuẫn, được biết đến với tên gọi lực lượng Houthis, đã kiểm soát tương đối chắc chắn một khu vực rộng lớn ở phía bắc và phía tây của Yemen. Ảnh: AP.

Lực lượng Houthi không mất nhiều lãnh thổ kiểm soát dù liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu công kích và phong tỏa rất ác liệt. Đầu tuần này, nhóm cho biết đã dùng máy bay không người lái để tấn công một đường ống dẫn dầu lớn của Saudi, khiến nó phải ngừng hoạt động. Họ cũng sở hữu tên lửa với tầm bắn tới thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Các nhóm vũ trang dòng Shia tại Iraq

Iran đã huấn luyện, tài trợ và trang bị cho các dân quân Hồi giáo dòng Shia ở Iraq để đối đầu với lực lượng Mỹ sau khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, rồi để đối đầu với lực lượng IS một thập kỷ sau đó.

Các nhóm này bao gồm Asaib Ahl al-Haq, Kataeb Hezbollah và Badr Organization, với cả ba người lãnh đạo của các nhóm có quan hệ mật thiết với tướng Qassem Soleimani. Vị tướng này là lãnh đạo lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran, và cũng là kiến trúc sư trưởng của chiến lược xây dựng tầm ảnh hưởng khu vực của Tehran.

Những nhóm vũ trang này được tập hợp trong một lực lượng lớn hơn có tên gọi Lực lượng Huy động Nhân dân (Popular Mobilization Forces), hầu hết bao gồm các chiến binh Shia gia nhập quân đội Iraq. PMF có quân số lên tới 140.000 và mặc dù trên lý thuyết họ được đặt dưới sự chỉ huy của thủ tướng Iraq, các lãnh đạo hàng đầu của nhóm lại trung thành về mặt chính trị với Iran.

Nhóm vũ trang Shia Imam Ali Brigades tại Iraq có liên hệ mật thiết với chính quyền Iran. Ảnh: AP.

PMF ở cùng phe với liên quân Mỹ để chống lại IS từ năm 2014, nhưng giờ đây khi cuộc chiến chống IS sắp kết thúc, nhiều lãnh đạo của nhóm đã kêu gọi binh sĩ Mỹ rời khỏi Iraq, thậm chí đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu cần thiết. Tuần này, Washington đã lệnh cho các nhân viên ngoại giao không quan trọng rời khỏi Iraq, do có mối đe dọa chưa được xác định cụ thể ở khu vực, liên quan tới Iran.

Sơn Trần
Theo AP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/neu-my-xung-dot-iran-day-se-la-nhung-canh-tay-noi-dai-cua-tehran-post947686.html