Nếu Mỹ xé bỏ hiệp ước cắt giảm hạt nhân, Nga lập tức tái trang bị 'Đoàn tàu tử thần'?

Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước cắt giảm tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung, trong trường hợp Washington tiếp tục xé bỏ hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân, ngay lập tức Nga sẽ tái trang bị 'đoàn tàu tử thần'.

Giới quan sát lo ngại việc Mỹ hủy bỏ thỏa thuận cắt giảm tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung có thể dẫn tới việc hủy bỏ thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân toàn diện giữa Mỹ và Nga. Đây sẽ là tín hiệu nguy hiểm cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Một khi cuộc chạy đua vũ trang tái khởi động, nhiều vũ khí hủy diệt sẽ được tái sinh trong đó có đoàn tàu hạt nhân hay còn gọi là "đoàn tàu tử thần".

Việc ngụy trang và phóng tên lửa từ những tàu hỏa của Liên Xô từng trở thành nỗi ác mộng cho các đối thủ.

Với sự cơ động, linh hoạt và ẩn hiện đoàn tàu hạt nhân còn được cho là nguy hiểm hơn cả tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Đoàn tàu hạt nhân Barguzin có nguồn gốc từ Tổ hợp Tên lửa Tác chiến trên Đường sắt (BZhRK) được Liên Xô chế tạo vào năm 1969 nhằm vận chuyển và phóng các tên lửa hạt nhân chiến lược đối phó với các hạm đội tàu ngầm hạt nhân uy lực của Mỹ.

Một đoàn tàu hạt nhân thường có 11 toa, trong đó có 7 toa dành cho trung tâm chỉ huy, ba toa để điều khiển và phóng tên lửa, còn một toa chứa nhiên liệu và động cơ.

Bên trong toa phóng là các tên lửa RT-23 Molodets (NATO định danh SS-24 Scalpel), có trọng lượng 126 tấn, dài 23m, đường kính 2,4m.

Mỗi tên lửa này chứa 10 đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hơn 10.000 km, được thiết kế để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo dày đặc của đối phương.

Liên Xô có 12 đoàn tàu hạt nhân như vậy.

Khi Nga và Mỹ ký hiệp ước START-2, các đoàn tàu này được cho về hưu vào năm 1983.

Thông thường các căn cứ quân sự được trang bị tên lửa đạn đạo chiến lược hoặc những tàu ngầm hạt nhân chiến lược tuy khó nhưng vẫn có thể được đối phương phát hiện.

Việc phát hiện cho phép họ có thể đề ra các phương cách đối phó ngay khi chúng vừa được phóng đi.

Tuy nhiên với đoàn tàu hạt nhân lại là chuyện khác. Chúng được ngụy trang như những tàu hàng và có thể chạy khắp nước Nga mà không hề bị phát hiện.

Khi kịp phát hiện ra tên lửa được phóng đi thì cũng là lúc tên lửa ở vào giai đoạn cuối của hành trình, ở giai đoạn này tên lửa bay với tốc độ cực cao và hầu như không thể đánh chặn. Nếu Nga hồi sinh loại vũ khí này, thì đây sẽ là một trong những loại vũ khí khiến các đối thủ phải đau đầu tìm cách đối phó.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-neu-my-xe-bo-hiep-uoc-cat-giam-hat-nhan-nga-lap-tuc-tai-trang-bi-doan-tau-tu-than/787482.antd