Nếu một ngày, khuôn mặt trở thành hộ chiếu

Tổ chức du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) tin rằng, thập kỷ tới sẽ chứng kiến một cuộc cách mạng trong lĩnh vực du lịch, với sự phổ biến vượt trội của công nghệ sinh trắc học sử dụng khuôn mặt để xác minh danh tính.

Khi ấy, con người có thể thoát khỏi các chuỗi thủ tục phức tạp và hoàn toàn có thể “quên” hộ chiếu hay thẻ căn cước mà vẫn có thể lên máy bay. Tuy nhiên, có một vài vấn đề cần cân nhắc liên quan đến quyền công dân và tính bảo mật dữ liệu. Nhận diện khuôn mặt có thể thúc đẩy du lịch “không chạm”, nhưng sẽ vấp phải rào cản về quyền riêng tư.

Quyền lực mới

Bấy lâu nay, tấm hộ chiếu được coi như chìa khóa thông hành cho mọi chuyến đi. Với hộ chiếu trong tay, con người có thể ký gửi hành lý, đi qua cửa kiểm soát, hoàn thiện thủ tục lên máy bay, rồi di chuyển qua nhiều quốc gia, và thuê phòng khách sạn. Có thể nói, hộ chiếu giống như vật bất ly thân của bất cứ vị khách du lịch nào, nhất là khi xuất ngoại.

Thế nhưng, trong tương lai, quyền lực của những tấm hộ chiếu sẽ suy giảm khá nhiều khi khuôn mặt “lên ngôi”, trở thành công cụ giám sát mọi động thái di chuyển của từng cá nhân. Câu chuyện tưởng như hoang đường này lại sắp thành hiện thực, bởi sự bùng nổ của công nghệ sinh trắc học tại các sân bay trong vài năm trở lại đây.

Hệ thống sinh trắc học tại các sân bay được xây dựng dựa trên những thuật toán giúp nhận diện mặt người và hàng trăm đặc điểm khác nhau. Cụ thể, từ việc làm thủ tục, bước lên máy bay, kiểm tra an ninh cho đến nhận phòng đều sẽ được tự động hóa bằng công nghệ sinh trắc học. Sẽ không còn những cổng soát vé truyền thống như hiện tại, mà chúng được thay thế bởi hệ thống cổng điện tử, góp phần rút ngắn tối đa thủ tục trước mỗi chuyến bay.

Các cảm biến ngày càng tinh vi, cho phép quét rõ nét các đặc điểm trên khuôn mặt mỗi người.

Các cảm biến ngày càng tinh vi, cho phép quét rõ nét các đặc điểm trên khuôn mặt mỗi người.

Khi ấy, tất cả đều gói gọn vào khuôn mặt mà không cần phải nhờ đến hộ chiếu, vé máy bay hay thẻ căn cước. Bên cạnh đó, công nghệ nhập dữ liệu cảm ứng thông qua điều khiển bằng cử chỉ, lời nói, quét vân tay không tiếp xúc cũng đang được thử nghiệm, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch theo hình thức “không chạm”.

Khi một hành khách đến sân bay và đi qua trạm kiểm sát an ninh đầu tiên, một camera làm nhiệm vụ “quét” khuôn mặt, dùng cảm biến đo đạc thông số và xây dựng mẫu sinh trắc tương ứng, rồi lập tức liên kết ảnh cùng thông số với vé máy bay của hành khách.

Tiếp đó, camera thứ hai sẽ chụp lại khuôn mặt khi hành khách lên chuyến bay, tiến hành phân tích và đối chiếu với bức ảnh đầu tiên ở trạm kiểm soát an ninh. Sự tương thích giữa hai bức ảnh sẽ quyết định xem hành khách có thể qua cửa sân bay và lên chuyến bay hay không. Các cảm biến ngày càng tinh vi, cho phép quét rõ nét các đặc điểm trên khuôn mặt mỗi người, như đường cong vành tai hay hình dạng vầng trán, thậm chí hoàn toàn nhận diện được khuôn mặt ngay cả khi đeo khẩu trang.

Du lịch... không chạm

Dường như, tương lai sẽ chứng kiến sự bùng nổ của kỷ nguyên du lịch “không chạm”, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, đồng thời ứng phó với các dịch bệnh như COVID-19 chẳng hạn. WTTC dự báo, lượng khách du lịch hàng không sẽ tăng thêm 80% sau hai thập kỷ nữa, trong khi cơ sở hạ tầng hiện nay (đặc biệt là các khu vực làm thủ tục, kiểm tra an ninh và cửa sân bay) đang cho thấy sự quá tải.

WTTC khẳng định, giải pháp tốt nhất sẽ là sinh trắc học khuôn mặt, với các quy trình không chạm vào bất kỳ màn hình hay đồ vật nào được nhân rộng trong quá trình làm thủ tục lên máy bay, xuất nhập cảnh hay nhận phòng khách sạn. Vì vậy, khách du lịch chỉ cần chính khuôn mặt của họ cho mọi thủ tục kiểm tra, và điều này có thể kéo dài... vĩnh viễn, thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của ngành du lịch.

Lợi ích to lớn mà công nghệ sinh trắc học đem lại chính là tốc độ nhanh chóng, giảm bớt ám ảnh cảnh những hàng dài hành khách đợi chờ trong mệt mỏi. Trải nghiệm ấn tượng nhất thuộc về sân bay quốc tế Dubai, nơi hệ thống sinh trắc học khuôn mặt chỉ mất chưa đến 20 giây để nhận diện hành khách qua cửa kiểm soát.

Ở nhiều sân bay, làn sóng sinh trắc học khuôn mặt loại bỏ hoàn toàn thủ tục quét vân tay truyền thống.

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, các sân bay đã và đang không ngừng cải tiến công nghệ nhằm đảm bảo môi trường an toàn trước khi mở cửa du lịch trở lại hoàn toàn. Sân bay Changi (Singapore) là một minh chứng điển hình khi cho lắp đặt hệ thống cảm biến gần ở quầy tự động, cùng hệ thống nhận diện mống mắt và khuôn mặt tích hợp trong các lần xuất nhập cảnh, loại bỏ hoàn toàn thủ tục quét vân tay truyền thống.

Trong khi đó, Đức và Úc đang tích cực thử nghiệm để sớm phổ biến công nghệ sinh trắc học cho những chuyến bay, với tham vọng loại bỏ hoàn toàn hộ chiếu vào cuối năm 2020. Còn Nhật Bản mong muốn triển khai quy trình “Một khuôn mặt - Một ID” để kiểm tra sinh trắc học trước năm 2025 tại các sân bay quan trọng như Narita, Izumisano và Ota ward, Tokyo.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã kí một nghị định đẩy nhanh tiến độ nâng cấp công nghệ sinh trắc học, hướng tới mục tiêu lắp đặt tại 97% các sân bay (nội địa và quốc tế) ở Mỹ cũng như thuyết phục ít nhất 90% người dân tin vào hiệu quả của công nghệ này. Ở nhiều sân bay khác tại Anh, Hà Lan và Hong Kong, làn sóng sinh trắc học và giảm dần sử dụng hộ chiếu được khuyến khích, đồng thời các chính sách quy hoạch sân bay tích hợp trí tuệ nhân tạo nhận được số vốn đầu tư lên tới cả trăm triệu USD.

Giữ hay đổi

Không hộ chiếu hay thẻ lên máy bay, tương lai của những chuyến du lịch sẽ gói gọn trong khuôn mặt. Thế nhưng, một số ý kiến cho rằng, nếu hệ thống sinh trắc học gặp sự cố, nhân viên sân bay sẽ vẫn phải tiếp tục kiểm tra vé máy bay và hộ chiếu như thông thường. Điều này sẽ gây nhiều sự phiền toái khi quá trình chuyển đổi số chưa hoàn tất, còn công nghệ hiện tại chưa đủ phát triển để ứng dụng sinh trắc học toàn diện.

Nguy hiểm hơn, vẫn luôn tồn tại những lỗ hổng an ninh liên quan đến vấn đề bảo mật. Vẫn biết không gian mạng luôn là “miếng bánh ngọt” thu hút tin tặc, và nếu hệ thống sinh trắc bị tấn công thì nguy cơ dữ liệu cá nhân bị rò rỉ và sử dụng cho mục đích phi pháp là rất lớn. Điều này khiến nhiều người tỏ ra không mấy thiện cảm với sinh trắc học khuôn mặt.

Phía sau những lợi ích được đồn thổi suốt thời gian qua, việc khuôn mặt bị đem ra “quét, phân tích thành số liệu, rồi lưu lại ảnh trên máy tính” đang tạo nên làn sóng tranh cãi về xâm phạm quyền riêng tư. Hàng trăm nghìn bức ảnh trên cơ sở dữ liệu, thậm chí có thể trôi nổi trên mạng Internet, bị sử dụng bởi hàng triệu người mà chủ của những bức ảnh đó không hề biết.

Thậm chí, các thuật toán có thể phân loại giới tính, tuổi tác hay màu da của mỗi người, làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về quyền công dân, cùng nguy cơ phân biệt chủng tộc hay tấn công vào những cộng đồng thiểu số. Không ít quan điểm nhận định sinh trắc học khuôn mặt đáng sợ như vũ khí hạt nhân, đang tự do giám sát từng giây phút trong cuộc sống cá nhân mà không được phép của mỗi người.

Thế nên mới có chuyện nhiều hành khách từ chối nhận diện gương mặt, và bày tỏ mong muốn quay lại cách du lịch “nhiều chạm” truyền thống, với hộ chiếu và thẻ lên máy bay. Họ đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề các sân bay sẽ làm gì nếu công nghệ này hoạt động không ổn định, hệ thống bị lỗi cho ra những kết quả sai lệch?

Nhận định này có căn cứ khi kết quả nghiên cứu của Học viện Công nghệ Massachusetts cho thấy nhiều công cụ nhận diện gương mặt có sai số lên đến 20%, xác định không chính xác gương mặt phụ nữ hay đàn ông. Chưa hết, đại diện nhiều sân bay cam kết “bảo vệ” cá nhân và sẽ làm việc với ai có yêu cầu xóa thông tin sinh trắc. Tuy nhiên, đây chỉ là động thái xoa dịu dư luận, còn thực tế hầu như không thể xóa bỏ thông tin cá nhân, trong khi công nghệ luôn có cách để khôi phục dữ liệu đã mất.

Cũng cần lưu ý rằng, một số sân bay và hãng hàng không hiện không đủ khả năng chi trả cho những khoản đầu tư phần mềm cảm biến nhận diện khuôn mặt. Triển khai quy trình làm thủ tục bằng sinh trắc học đòi hỏi các sân bay cùng hãng hàng không phải lựa chọn đối tác công nghệ đáng tin cậy, đảm bảo chia sẻ dữ liệu an toàn, hoạt động hiệu quả với tính nhận dạng cao.

Việc “ngại” áp dụng công nghệ hình ảnh và theo dõi sinh trắc học chỉ được xóa bỏ khi công chúng không còn phản đối, rằng trí tuệ nhân tạo nếu được trao quyền ghi nhớ và nhận diện khuôn mặt sẽ không tạo nên viễn cảnh thống trị loài người vô cùng đáng sợ như trong phim viễn tưởng. Từ đây, giới quan sát đánh giá, triển vọng thực sự về du lịch “không chạm”, cùng tiềm năng khuôn mặt thay thế hộ chiếu, vẫn còn nhiều trở ngại và không quá gần...

Lê Nam

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/neu-mot-ngay-khuon-mat-tro-thanh-ho-chieu-613027/