Nếu lãnh đạo công tâm, kẻ nịnh đâu có đất 'diễn'!

Cần có quy định cụ thể, rõ ràng để tránh sự suy diễn, áp đặt hoặc biết đó là vi phạm, nịnh bợ nhưng không dễ, thậm chí không thể xử lý

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ theo đề nghị của Bộ Nội vụ nhằm hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC).

Không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên

Theo đó, CB, CC, VC phải trung thành với nhà nước; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân; không chọn việc dễ, bỏ việc khó; không vướng vào "tư duy nhiệm kỳ"… Khi giao tiếp với người dân phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm; phải thực hiện "4 xin, 4 luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ… Đối với đồng nghiệp, phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức...

Đặc biệt, đối với lãnh đạo cấp trên, CB, CC, VC phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng... Ngoài ra, còn một số quy định về chuẩn mực đạo đức, trang phục…; các giải pháp thực hiện văn hóa công vụ. CB, CC, VC có hành vi vi phạm quy định về văn hóa công vụ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Đề án được kỳ vọng sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Vấn đề còn lại là thực thi như thế nào, kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý ra sao để đề án thực sự phát huy hiệu quả.

Đề án Văn hóa công vụ được kỳ vọng góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Hoàng Triều

Đề án Văn hóa công vụ được kỳ vọng góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Hoàng Triều

Chỉnh đốn từ lãnh đạo đến cấp dưới

Tâm lý con người, ai cũng thích được nghe khen, được quan tâm. Ở công sở, việc khen tặng, nể nang, quan tâm sếp dường như là thói quen, ăn sâu vào tiềm thức của không ít người. Thế nên, ranh giới giữa việc khen và quan tâm chân thành với nịnh bợ nhiều khi rất mong manh, không dễ phân biệt. Đó là chưa nói trên thực tế, không ít CB, CC, VC có thừa kỹ xảo tinh vi để nịnh bợ cấp trên hòng được thăng tiến. Nếu không có quy định cụ thể, rõ ràng rất dễ dẫn đến sự suy diễn, áp đặt hoặc biết hành vi đó là vi phạm, nịnh bợ nhưng không dễ, thậm chí không thể xử lý.

Thêm một thực tế nữa là không phải CB, CC, VC nào cũng muốn nịnh bợ cấp trên nhưng nếu cấp trên thích nịnh bợ, chiều chuộng thì quả là khổ cho những người có tính thẳng thắn, thật thà. Vậy nên, quan trọng nhất vẫn là bổ nhiệm được lãnh đạo giỏi, công tâm, công bằng, trách nhiệm, minh bạch vì công việc thì sẽ không có nhân viên nịnh nọt. Cả cấp trên và cấp dưới đều làm việc bằng năng lực, trách nhiệm, bằng tài trí và đức độ, những hành vi vi phạm thì chiếu theo Luật CB, CC, Luật VC để xử lý. Dù là cấp trên hay cấp dưới thì hành vi, thái độ nịnh bợ sẽ không có chốn dung thân. Nghĩa là để đề án phát huy hiệu quả, cũng phải chỉnh đốn từ CB lãnh đạo.

Đề án một lần nữa giúp CB, CC, VC soi rọi lại mình, biết được vị trí, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình là công bộc của dân, gánh vác việc chung cho dân, trong bất cứ hoàn cảnh nào đều biết đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích cá nhân của bản thân mình; đối tượng để đội ngũ CB, CC, VC phục vụ là nhân dân, không phải là cấp trên, cũng không phải là vì mục đích nào khác.

Theo đề án, văn hóa công vụ gồm 4 nội dung: Tinh thần, thái độ làm việc của CB, CC, VC; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực về đạo đức, lối sống; về trang phục.

Phạm Nguyễn Quỳnh Thư

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/neu-lanh-dao-cong-tam-ke-ninh-dau-co-dat-dien-20190107220209377.htm