Nếu không thể 'làm đẹp' thêm ông cha mình...

Bạn hãy vào google và gõ cụm từ: 'Nhan sắc thật của cung nữ Trung Quốc thời xưa'. Chỉ trong 0,52 giây có cả thảy 2.360.000 kết quả, và phần lớn các kết quả là thế này: 'Ngã ngửa trước nhan sắc thật', 'Bất ngờ trước nhan sắc thật', 'nhan sắc: sự khác biệt giữa điện ảnh và đời thực'...

1.Vào tiếp một bài viết cụ thể nào đó, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy sự ngỡ ngàng là như thế nào. Một nàng Tiểu Yến Tử nổi tiếng là thông minh và xinh đẹp trong phim ư? Một công chúa Trại Á hay một Thục Phi Văn Tú - phi tần của vua Phổ Nghi, người hiện lên sắc nước hương trời trên màn ảnh ư? Tất tần tật đều khác xa và rất xa so với trong đời thực. Vì khác nên người ta mới "bất ngờ", mới "sốc", mới "ngỡ ngàng".

Tất nhiên trong câu chuyện này có một khía cạnh cần phải được bàn đến: chuẩn mực cái đẹp của thời xưa không giống bây giờ. Nét đẹp của con gái thời Đường chẳng hạn phải béo, tròn, mập mạp, nên nàng Dương Quý Phi - một trong tứ đại mĩ nhân Trung Quốc hiện lên trong các bức vẽ là một người mà nếu dùng ngôn ngữ bây giờ để mô tả thì phải gọi là "phốp pháp".

Rồi người Trung Quốc xưa rất coi trọng những tiêu chuẩn như "tứ túc" - chân đẹp hay "tam thốn kim liên" (gót sen ba tấc), từ đó mới dẫn đến tình trạng bó chân, khiến cả bàn chân chỉ có ngón cái vút nhọn lên, bốn ngón còn lại thì quặp xuống - một hình ảnh mà bây giờ nhìn lại, thật lòng người hiện đại chúng ta không tránh khỏi cảm giác... rùng mình.

Nhan sắc thật của các cung tần mĩ nữ đời Thanh - Trung Quốc khác xa trên phim ảnh.

Tuy nhiên, khi tái hiện hình ảnh của các cung tần mĩ nữ xưa qua các bộ phim truyền hình, người Trung Quốc thường để họ hiện lên với những chuẩn mực cái đẹp của hôm nay. Thế nên xem phim cổ trang Trung Quốc, nhiều khán giả hôm nay mới phải trầm trồ thán phục vẻ đẹp của tổ tiên người Trung Quốc. Điều đó nói lên cái gì? Nó nói rằng, thông qua phim ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung, người Trung Quốc luôn biết cách làm đẹp thêm và quyến rũ thêm cho tiền nhân của mình.

Ở một thời đại mà người ta đề cao những giá trị như "quyền lực mềm quốc gia" hay "sức mạnh văn hóa quốc gia" thì câu chuyện này không chỉ có ý nghĩa ở phương diện nghệ thuật đơn thuần. Nó còn là câu chuyện về sự "ảnh hưởng văn hóa", nếu không muốn nói bằng một ngôn ngữ đao to búa lớn hơn là "chinh phục văn hóa" hay "xâm lăng văn hóa".

Biết làm đẹp thêm cho tiền nhân, từ đó làm tăng thêm sức lan tỏa văn hóa của tiền nhân trong xã hội hiện đại hôm nay là điều không riêng gì nền nghệ thuật Trung Quốc, mà rất nhiều những nền nghệ thuật khác ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản... đều đã và đang thực hiện một cách thành công.

Ở Việt Nam chúng ta, trong dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam từng có kế hoạch chiếu một bộ phim truyền hình dài 19 tập về vua Lý Thái Tổ. Nhưng cuối cùng bộ phim này đã bị Cục Điện ảnh "tuýt còi", vì theo nhận xét của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan thì xem bộ phim này, người ta thấy rất rõ là hàng loạt nhân vật lịch sử bị bóp méo, xuyên tạc sai sự thật.

Ông Lê Văn Lan nói nguyên văn: "Tinh thần kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc chúng ta oanh liệt là thế, nhưng bộ phim lại thể hiện rất mờ nhạt, còn thì toàn đấu đá nội bộ, thậm chí chém giết, sát phạt nội bộ, và có những trường đoạn khá rùng rợn". Đấy là còn chưa nói, ở phương diện hình ảnh thì tất cả cung điện, chùa chiền trong phim đều rất... Tàu, chứ không mang chất Việt như những gì mà các nhà nghiên cứu sử học trông đợi. Một bộ phim bị đánh giá là đã "làm khác", thậm chí là "làm biến dạng" ông cha, thay vì làm đúng, làm trúng, làm đẹp thêm hình ảnh ông cha cuối cùng đã không thể xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia vào dịp đại lễ của dân tộc.

2.Bây giờ lại xuất hiện những lùm xùm về cuốn tiểu thuyết lịch sử "Chim ưng và chàng đan sọt" của nhà văn Bùi Việt Sỹ - cuốn tiểu thuyết vừa được trao giải C Sách hay quốc gia 2018. Lùm xùm ở chỗ cuốn tiểu thuyết lịch sự này đã mô tả cảnh làm tình giữa nhân vật lịch sử Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy mà theo đánh giá của nhiều người là mang màu sắc của "chủ nghĩa tự nhiên" thô tục. Nhiều người thậm chí còn đánh giá "viết như thế thì không khác gì "dâm thư", từ đó cho rằng tác giả đã sử dụng bút pháp dâm thư để viết về một nhân vật lịch sử anh hùng (?).

Lại có người cho rằng cách viết ấy thể hiện một "ám thị dục tính" nào đó - cái "ám thị dục tính" mà nói như nhà phân tâm học Freud là "Libido" (còn được dịch là "năng lượng tính dục" hay "độ dâm"...) vốn luôn tồn tại trong vô thức của một bộ phận người, và chỉ chờ một cơ hội thích hợp để bùng phát, rồi chuyển sự hiện hữu từ "vô thức" sang "ý thức" (?).

Ở góc độ của mình, chúng tôi không dám đẩy vấn đề đi xa tới mức từ những trang viết mà vội vàng nghĩ đến những ẩn khuất nào đó của người viết. Tuyệt đối chúng tôi không dám quy kết một cách vội vàng, phiến diện như vậy. Chúng tôi thậm chí cũng rất đồng tình với lời giới thiệu cuốn sách của Ban tổ chức Giải thưởng sách quốc gia 2018: "Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về nhân vật Phạm Ngũ Lão, một anh hùng xuất thân bình dân. Bên cạnh đó là hình tượng các nhân vật Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư... trong không gian cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Cuốn sách gọn gàng, sinh động, không sa vào tư liệu, mà thanh thoát, bay bổng, thành một hình tượng trong lòng người đọc". Viết tiểu thuyết lịch sử mà "không sa vào tư liệu", lại "thanh thoát, bay bổng" thì rõ ràng là một thành công lớn của người viết. Vì văn học khác với lịch sử. Nhà văn có độc quyền hư cấu, và ai cũng hiểu những nhà văn lớn trên thế giới đều là những người có một năng lực hư cấu đáng ngưỡng mộ.

Tuy nhiên với những tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử (kể cả văn học hay điện ảnh) thì vấn đề đáng bàn tiếp theo còn là biên độ và tiêu chí của sự hư cấu. Viết về lịch sử là viết về tổ tiên, ông cha mình. Vậy thì phải hư cấu, tưởng tưởng, suy nghĩ theo một tiêu chí, một biên độ như thế nào cho hợp lý?

Cuốn tiểu thuyết với những tình tiết sex gây tranh cãi.

Trong nghệ thuật, hiển nhiên không có một câu trả lời chính xác cho một câu hỏi như vậy, càng không nên áp đặt câu trả lời của cá nhân mình cho người khác, tuy nhiên tham khảo cái cách mà người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã viết, đã dựng, đã quảng bá những hình tượng lịch sử của mình qua phim ảnh, chúng tôi cho rằng một trong những tiêu chí quan trọng nhất là phải làm đẹp thêm cho tổ tiên, ông cha mình. Nếu không thể làm đẹp thêm thì chẳng thà im lặng, chứ không nên đi theo hướng làm xấu xí hóa, dung tục hóa ông cha.

Trở lại với trường đoạn sex bị đánh giá là tục tĩu mà tác giả Bùi Việt Sĩ viết về Trần Khánh Dư, nếu đọc toàn bộ cuốn tiểu thuyết sẽ thấy thật ra tác giả đã đánh giá cao vai trò của Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Nhưng chỉ riêng một trường đoạn sex với những động tác sex rất "thô" mà ông tạo nên thì rõ ràng những góc khác của Trần Khánh Dư đã hiện lên một cách "ấn tượng" trong lòng bạn đọc. Nếu những bạn đọc trẻ tuổi, chưa có những cái nhìn nhiều chiều chạm mắt vào những trang viết này thì họ sẽ có cảm giác gì, và sẽ suy nghĩ gì về tổ tiên, ông cha người Việt? Và như thế, người viết đã sử dụng cái "độc quyền hư cấu" của mình để có thể "làm đẹp" cho ông cha mình hay chưa?

Ngay cả khi cho rằng trong lịch sử, Trần Khánh Dư là một nhân vật có nhiều góc, nhưng rõ ràng cái góc sáng nhất, lẫm liệt nhất, lưu truyền hậu thế nhất của ông là góc độ của một người anh hùng đánh giặc. Hiểu rõ góc độ ấy mà ngay cả các vua Trần khi phát hiện ông mắc lỗi thì một mặt vẫn "xử" nhưng một mặt vẫn tìm cách "cứu".

Vậy thì đến lượt mình, tại sao chúng ta không thể nhìn ông ở những góc sáng nhất, mà cứ phải khoét rất sâu vào những góc khác rồi nghĩ rằng "phải khoét như thế mới đúng là Trần Khánh Dư" - cách mà có thể là ai đó đang nghĩ đến để lý giải và đồng cảm với đoạn sex của tác giả Bùi Việt Sỹ?

Đã được thẩm định lại

Trước khi đoạt giải C về sách hay 2018 cuốn tiểu thuyết "Chim ưng và chàng đan sọt" đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải nhì cuộc thi tiểu thuyết (không có giải nhất) 2016. Như thế có nghĩa, có tới 2 hội đồng giám khảo đồng tình và đánh giá cao những gì mà tác giả Bùi Việt Sỹ thể hiện trong cuốn sách. Trả lời báo chí, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, Trưởng ban Giảm khảo giải Sách hay quốc gia 2018 đã giao các đơn vị thẩm định lại những thông tin nhạy cảm trong cuốn sách và sẽ sớm đưa ra kết luận cuối cùng.

Phan Đăng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/neu-khong-the-lam-dep-them-ong-cha-minh-488470/