Nếu không thể chấp nhận những 'học sinh Tốt Tô Chan', mong cô đừng chọn nghề giáo

Nếu quả thực không thể kiên nhẫn với học sinh, nhất là học sinh đặc biệt, đến mức phải xử phạt các em nặng nề và gây tổn thương như thế, thì có lẽ, mong cô ngay từ đầu đừng chọn nghề giáo.

Chắc rằng nhiều bậc phụ huynh còn nhớ, nhân vật mẹ của Tốt Tô Chan cảm thấy “khổ sở” thế nào khi cô giáo chủ nhiệm của Tốt Tô Chan yêu cầu bà đến gặp mặt, phàn nàn về việc Tốt Tô Chan (một cô bé học sinh nổi tiếng trong câu chuyện “Tốt Tô Chan cô bé ngồi bên cửa sổ” của Nhật Bản) rất thiếu tập trung, hay nhìn ra ngoài, nói chuyện riêng và cứ kéo ra kéo vào ngăn kéo bàn học. Cô như sắp khóc, còn mẹ Tốt Tô Chan thật sự muộn phiền, khi bà không biết sẽ phải cho con học ở đâu. Câu chuyện này rất nổi tiếng, có ảnh hưởng nhiều đến triết lý giáo dục ở Việt Nam đương đại. Và đã hơn một nửa thế kỷ trôi qua, chúng ta, trong vai trò của các bậc làm cha, làm mẹ, vẫn đau đáu câu hỏi: Nếu con nghịch ở trên lớp và hơi đặc biệt, sẽ có bao nhiêu cô giáo như cô giáo của Tốt Tô Chan, không chấp nhận một trẻ hay mắc lỗi?

Em học sinh P.A ở Hải Phòng, mới là học sinh lớp 3. Một học sinh lớp 3 nói chuyện riêng trong lớp (dẫu có nhiều lần và bị nhắc đi nhắc lại) có phải là một lỗi nghiêm trọng hay không?

Từ vụ việc cô giáo phạt học sinh bằng hình thức súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng ở Hải Phòng có nhiều thêm những lo ngại về kỹ năng, chuyên môn sư phạm của một bộ phận thầy, cô giáo. ẢNH MINH HỌA

Sự việc được xác định xảy ra từ khoảng tháng 2-2018, khi học sinh P.A lớp 3A5, trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng mắc lỗi: Nói chuyện trong lớp học. Nếu theo cách xử lý thông thường, cô giáo có thể nhắc nhở, thậm chí nặng hơn: Cô có thể yêu cầu đứng lên bảng “úp mặt” như hình phạt trước đây các thầy cô giáo hay áp dụng. Tôi đồng tình với quan điểm của một nhà giáo dục cho rằng: Không trách phạt, không kỷ luật thì không thể có giáo dục nên người. Nhưng rõ ràng, hình thức kỷ luật lại phụ thuộc vào chuyên môn, kỹ năng sư phạm của nhà giáo. Ở trường hợp này, cô giáo chủ nhiệm của lớp 3A5, tên là Nguyễn Thị Minh Hương đã chọn hình thức trách phạt không ai có thể dám nghĩ tới: Yêu cầu học sinh súc miệng bằng nước vắt ra từ giẻ lau bảng.

Một học trò lớp 3, có thể từ chối hình phạt này được hay không? Không! Thậm chí em còn không dám nói lại cho người nhà. Nếu không có bạn cùng lớp “vô tình” nói ra, người nhà em mãi mãi không biết, và ai dám chắc hình thức trách phạt này không được sử dụng lại lần nữa?

Sau khi sự việc được báo chí phản ánh, Bộ GD&ĐT đã có công văn khẩn yêu cầu Sở GD&ĐT Hải Phòng chỉ đạo các bên liên quan làm rõ vụ việc, có hình thức xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo hết sức nghiêm trọng này. Chiều ngày 5-4, trao đổi với PV, ông Đặng Tăng Thông, Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Dương, cho biết: Sau khi nắm bắt thông tin vụ việc giáo viên tại trường tiểu học An Đồng bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng, phòng đã chỉ đạo nhà trường báo cáo khẩn. Hiệu trường nhà trường xác nhận có sự việc trên xảy ra. "Trước cách dạy trẻ như trên, chúng tôi đã quyết định xử lý nghiêm bằng hình thức chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên này", ông Thông cho hay.

Cũng theo ông Thông, để sớm ổn định tình hình hoạt động của nhà trường cũng như giúp em học sinh bị cô giáo xử phạt không tổn thương về mặt tâm lý, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo nhà trường quan tâm, hỗ trợ học sinh. Còn phía nhà trường sẽ nghiêm túc chấn chỉnh lại hoạt động dạy trẻ và cố gắng ổn định môi trường sư phạm sớm nhất.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, trường học là môi trường sư phạm, nơi đấy, giáo dục và sự nền nếp, ngăn nắp được đặt lên hàng đầu. Nhưng, trong hàng trăm nghìn học sinh, thì cũng có đa dạng các tính cách. Có trò ngoan, trò chưa ngoan, có trò đặc biệt về tính cách, đặc biệt về sức khỏe. Nếu các cô chỉ thích dạy trò biết nghe lời, không chấp nhận những học sinh hơi đặc biệt kiểu “Tốt Tô Chan” thì những em hơi đặc biệt ấy, sẽ học ở đâu, hay chúng ta bắt các em học ở trường chuyên biệt, dành cho học sinh chưa nghe lời, thích nói chuyện, giảm tập trung? Ở trường hợp của Tốt Tô Chan, nếu không có một thầy hiệu trưởng đặc biệt, ở một ngôi trường mà các em được tự do tìm hiểu, được thể hiện đúng tính cách, không bị ép “phải theo cô, phải theo thầy” thì cô bé từng bị một giáo viên từ chối nhận ấy, khó có thể trở thành đại sứ Liên hợp quốc sau này được.

Nhà giáo, phải đầy đủ kiến thức kỹ năng sư phạm, trường hợp cô giáo phạt học sinh bằng hình thức “không tưởng” kia, đã từng học “trái ngành”, sau đó mới học sư phạm, có thể vì lý do nào đó mới chọn làm “nghề giáo”. Như thế, cô có thực sự gắn bó với nghề, có thực yêu trẻ và đủ kỹ năng để chấp nhận những tính cách học trò khác nhau trong một lớp học có khoảng 50 học sinh?

Tôi là một bà mẹ có con giảm tập trung, rất hay ngọ nguậy trong giờ học và điều tôi lo sợ nhất không phải là con tôi chậm hơn các bạn, không thể học giỏi, mà tôi lo sợ nhất là cô giáo không đủ kiên nhẫn với cháu và tự tách cháu ra thành “đối tượng” được đối xử đặc biệt. Tôi nghĩ rằng, trong xã hội hiện nay, nhiều người làm cha làm mẹ có chung mối lo như tôi. Rằng nếu con mình có ở trường hợp “hơi đặc biệt” hoặc là một đứa trẻ chưa đủ ngoan, thì thầy cô, có đủ kiên nhẫn với con?

Chưa bao giờ, chuyện một cô giáo phải rời khỏi ngành dù lý do này, hay lý do khác mà là chuyện vui cả. Đó là chuyện buồn không của riêng ngành giáo dục, đó là mối lo chung của cả xã hội, là sự tổn thương với nhiều người. Nhưng, nếu quả thực không thể kiên nhẫn với học sinh, nhất là học sinh đặc biệt, đến mức phải xử phạt các em nặng nề và gây tổn thương như thế, thì có lẽ, mong cô ngay từ đầu đã không chọn nghề giáo.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/neu-khong-the-chap-nhan-nhung-hoc-sinh-tot-to-chan-mong-co-dung-chon-nghe-giao-113360.html