Nếu không còn niềm tin, nhà văn không viết được!

Niềm tin trong văn chương và trong cuộc đời sẽ dẫn lối cho những tác phẩm bất hủ. Mất niềm tin, người cầm bút sẽ rơi vào thảm họa của chính mình.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Cần những công cụ hỗ trợ niềm tin

Tôi từ việc đi làm bác sĩ đã bỏ hết để theo văn chương, vì tin vào văn chương. Nhưng sau này tôi lại không muốn cho con mình theo báo chí, văn chương mà đi theo toán học, vì toán học có đáp số. Tôi định hướng con cái mình tin vào những đáp số chính xác một cách tương đối ấy.

Nói vậy để thấy mỗi một giai đoạn, một thế hệ lại có những kiểu niềm tin khác nhau, nhưng nếu nói cụ thể về nghề văn thì tôi thấy thời của tôi, nhà văn nào cũng nuôi trong mình một niềm tin lớn, tin vào sự chiến thắng cuối cùng của lẽ phải chẳng hạn.

Tôi chợt nhớ đến trường hợp nhà văn Nguyên Hồng, có lần bị phê phán, bị kiểm điểm, ông bỏ Hội Nhà văn, bỏ Hà Nội về quê ở Yên Thế (Bắc Giang) sống. Bỏ như thế là bỏ hết cả tem phiếu, dù thời bao cấp ai cũng phải sống bằng tem phiếu. Con cái ông theo bố mẹ về quê, sống khổ sở, vất vả. Nhưng tính ông ấy thế, ông ấy làm vậy để bảo vệ khí phách và một niềm tin lớn trong lòng mình.

Thời bây giờ, lớp trẻ có vẻ khó xác lập một niềm tin căn cốt hơn thời chúng tôi. Vì thời bây giờ cởi mở, nhiều xu hướng, còn thời chúng tôi đơn giản hơn nhiều.

Cho nên để các nhà văn trẻ xác lập được một niềm tin căn cốt nào đó, tôi nghĩ cần có những phương tiện hỗ trợ. Có những thứ, nó là phụ tùng thôi nhưng không có nó thì không làm việc được. Ví dụ như nếu không được hỗ trợ, bằng một hình thức nào đó thì nhà văn trẻ có thể sống được với nghề, tin vào nghề đến tận cùng không?

Nguyễn Du ngày xưa có câu: "Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên" (Dịch là: Tráng sĩ bạc đầu ngửng nhìn trời, lòng bi đát/ Hùng tâm, sinh kế cả hai đều mờ mịt). Nếu biết về cuộc đời lận đận với 10 người con nheo nhóc của Nguyễn Du thì đọc câu này, thấy thương Nguyễn Du vô cùng.

Hay trong tác phẩm Đôn Kihôtê nổi tiếng, Xecvantec cũng đặt ra một tình huống rất hay: Đôn Kihôtê người cao ráo, cưỡi con ngựa rất oai hùng, muốn đi giải phóng nhân loại với một hùng tâm rất lớn, nhưng đầy tớ Sancho cưỡi con la lùn, khi nghe Đôn Kihôtê bảo sẽ đi dẹp mọi bất công trên đời, thì hỏi ngay: "Nhưng thầy ơi, chiều nay ta ăn đâu?".

Các bạn nhà văn trẻ bây giờ, tôi biết họ cũng có nhiều dự định lớn lắm, nhưng lại cũng có những mâu thuẫn lớn trong lòng. Họ vừa muốn đi tìm lý tưởng, nhưng cũng buộc phải quan tâm đến miếng ăn hàng ngày.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ rằng đã là người cầm bút thì phải luôn cố gắng nuôi nấng xây dựng một niềm tin nghề nghiệp vững vàng, và để bảo toàn nó thì trong cuộc sống phải luôn xác định được đâu là việc chính, đâu chỉ là việc phụ của mình.

Nhà thơ Hữu Việt: Khát khao định vị bản lai diện mục

Nói một cách võ đoán qua những gì tôi đọc thì các nhà văn, nhà thơ tin vào những điều mắt thấy tai nghe, tin vào hiểu biết và cảm nhận của mình, tin luôn cả cái tôi ngạo nghễ của tuổi trẻ và khát khao "định vị" bản lai diện mục mình trên văn đàn. Không có niềm tin và khát khao ấy, thì khó viết thành cái gì đáng giá lắm.

Tôi luôn tin rằng, người cầm bút phải có niềm tin thì mới viết được. Ngay cả khi viết về sự u tối thì người ta vẫn mang niềm tin vào ngày mai tươi sáng hoặc chí ít cũng gửi gắm vào đó niềm tin ấy. Nếu cứ nhìn cuộc sống bằng con mắt tiêu cực thì đến một lúc nào đó tiêu cực sẽ đeo đẳng bạn không chịu rời.

Trong bài thơ Cốc nước triết học của cậu bé Mattie Stepanek, thần đồng đoản mệnh người Mỹ, có những câu: "Nhìn mực nước ở lưng chừng cốc/ Có người nói: "À, phải, cốc nước này đầy một nửa rồi!"/ Nhưng một số khác khi nhìn cái cốc/ Lại cho rằng: "Ồ, không, cốc nước một nửa vơi!"/ Tôi hi vọng mình thuộc số những người/ khi nhìn vào cốc nước của tôi/ luôn thấy cốc đang đầy một nửa/ Trong cuộc sống điều này quan trọng vô cùng/ bởi nếu bạn chỉ thấy cốc nước của mình vơi đi một nửa/ thì cũng có thể nó sẽ cạn tới đáy".

Bi quan, ai oán thì không thể có sáng kiến, sáng tạo được đâu. Vì vậy, thấy người đang bi quan, kể cả đó là người cầm bút, thì hãy vỗ vai, ấm áp động viên người ta một chút. Biết đâu mùa đông sẽ qua đi, thế chỗ cho mùa xuân về.

Nhà văn Phong Điệp: Khi đối diện cùng trang viết...

Tôi không đại diện cho các nhà văn trẻ hiện nay, nhưng tôi tin, về cơ bản mỗi nhà văn trẻ hiện nay đều có những niềm tin cho riêng mình, vì tôi nghĩ đơn giản là nếu không có niềm tin thì làm sao chúng ta có thể sống được đây?

Cá nhân tôi chưa bao giờ mất đi niềm tin trong cuộc sống. Tôi tin những điều tử tế, lương thiện vẫn hiện diện trong cuộc đời này. Tôi tin lòng tốt không bao giờ bị mất đi. Chính những niềm tin ấy là động lực giúp tôi cầm bút.

Và, thực sự, đó không phải là niềm tin vô căn cứ mà là những cảm nhận, trải nghiệm từ chính cuộc sống của tôi, từ công việc làm báo giúp tôi có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều số phận, giúp tôi củng cố nhận định đó của mình hơn.

Tại sao không ít những người trẻ dành cả thanh xuân của mình để đến các bản làng xa xôi dạy chữ cho trẻ em? Tại sao những bệnh nhân K giai đoạn cuối thay vì hoảng hốt, sợ hãi hay sống gấp, họ vẫn dành cho nhau sự yêu thương, chăm sóc tận tình như người ruột thịt?

Tại sao người mẹ bị mất con vẫn đứng lên xin tha tội cho thủ phạm? Nhiều lắm, những mảnh đời, những số phận khiến tôi phải suy nghĩ, trăn trở. Khi ngồi trước trang viết, tôi muốn chuyển tải sự thật sinh động, ấm áp ấy đến với người đọc, với mong muốn làm một ngọn lửa nhỏ truyền đi những thông điệp nhân văn, giúp củng cố niềm tin yêu cuộc sống này.

Nhà văn Trần Thị Ngọc Lan: Sau trải nghiệm, niềm tin mới chín

Theo tôi, nhà văn trẻ bây giờ họ tin vào con đường họ đã đi qua. Họ tin vào những gì họ đã nhìn, đã nghe, đã thấy, đã trải nghiệm, họ tin vào những gì những người đi trước đã hé mở. Họ hào hứng đón ngọn gió mới của thời đại. Nhưng họ cũng khẩn thiết đi tìm câu trả lời cho riêng mình, về mục đích cuộc đời, giá trị, lý tưởng, lẽ sống.

Và chỉ có một số người trả lời được những câu hỏi hóc búa đó. Tất nhiên là họ phải nương tựa và tin vào những giá trị truyền thống mà ông cha đã dạy: tình yêu, hạnh phúc, nền tảng nhân cách, lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tư tưởng nhân văn, tình yêu cái đẹp, tôn sùng cái mới lạ, độc đáo... trên mọi phương diện.

Nhưng hãy nhớ rằng họ không để im đâu; họ sẽ tìm cách trả lời hoặc xác nhận câu trả lời ấy có đúng với họ bây giờ không? Cho nên họ sẽ là những người sáng tạo và dũng cảm. Tôi cho rằng, nếu không có niềm tin, thì sự cầm bút của họ là vô nghĩa, họ đã đi lạc đường, và không có những tác phẩm đích thực nữa.

Như một người đi trong rừng mà không biết mình phải đi đến đâu, thì hoặc là không thể cất bước, hoặc đi loanh quanh trong trạng thái mù lòa, cứ đi bừa vào rừng rậm, nó ra sao thì ra, đến đâu thì đến!

Nhà văn không có niềm tin là một nhà văn hỏng, là thảm họa đối với chính mình, và không nên cầm bút nữa. Nếu có niềm tin, tôi sẽ hướng độc giả đến giá trị sâu xa của nghệ thuật và nhân cách.

Lúc ấy, chắc chắn tôi sẽ không có thời giờ cho những điều "vô bổ", "nhảm nhí" nữa! Và tất nhiên tôi hoàn toàn có thể thông qua những câu chuyện chân thật của mình để minh họa cho việc kiến tạo niềm tin đó.

Vốn dĩ niềm tin ban đầu của mỗi người, kể cả của các nhà văn trên đường dài sáng tạo, nó rất mong manh và chưa được xác nhận. Đôi khi họ phải vứt bỏ hoặc điều chỉnh những niềm tin ban đầu, để xác nhận lại niềm tin đúng đắn.

Họ có thể tốn vài năm hay cả cuộc đời để đi tìm nó. Ai đã đi qua con đường đó, con đường kiến tạo lại niềm tin, lý tưởng, lẽ sống, mục đích sống, ý nghĩa sống thì không bao giờ quên con đường đó. Nó còn hằn sâu rành rành trong tâm trí họ.

Vì đối với một nhà văn đích thực, đó là con đường và sự kiếm tìm quan trọng nhất. Chỉ có ai không đi tìm, mới chẳng có gì mà nhớ, và cũng chẳng có gì để lãng quên.

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/neu-khong-con-niem-tin-nha-van-khong-viet-duoc-530999/