Nếu không có những tranh cãi, 'Vợ ba' có phải là tác phẩm tôn vinh nữ quyền?

Dù chỉ là trên màn ảnh, bộ phim 'Vợ ba' của nữ đạo diễn Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) đã cho người phụ nữ một cơ hội được sống với những bản ngã mãnh liệt của mình, bức khỏi những quy chuẩn xã hội và định kiến truyền thống từ bao đời nay. Trong lúc chờ tranh cãi chuẩn bị ngã ngũ, chúng ta sẽ nói gì về thông điệp nữ quyền của 'Vợ ba'?

“Vợ ba” gây nhiều tranh cãi về nội dung và cách thức thực hiện. Nhưng nếu chỉ xét trong phạm vi điện ảnh, đây là một bộ phim cần có.

“Vợ ba” gây nhiều tranh cãi về nội dung và cách thức thực hiện. Nhưng nếu chỉ xét trong phạm vi điện ảnh, đây là một bộ phim cần có.

Vợ ba” là một bộ phim thách thức khán giả, đẩy người xem vào một trạng thái ức chế khó tả (dĩ nhiên không nói đến những người hiểu và yêu mến phim). Tuy nhiên ở góc nhìn cá nhân, người viết nhận thấy rằng bộ phim này là một bộ phim mà thế giới cần, xã hội cũng cần, dù cái chúng ta cần không phải lúc nào cũng là cái chúng ta muốn. Bài viết này chỉ bàn luận đến nội dung đơn thuần của bộ phim, điều mà “Vợ ba” nên được nhìn nhận trước khi đi đến tận cùng những tranh cãi về mặt pháp lý.

Phụ nữ trên phim ảnh: bị cắt xén, tối giản và xem nhẹ

Stacy Smith, giáo sư của Học viện Báo chí Truyền thông Nam California đã phát biểu rằng: “Những hình ảnh về nữ giới, về bản thân chúng mà các cô bé ngày nay nhìn thấy mỗi ngày trên phim là một sản phẩm bị cắt xén, tối giản và xem nhẹ. Chúng củng cố thứ quan điểm rằng giá trị của một cô gái chỉ nằm ở ngoại hình và sự lệ thuộc của cô ấy vào một người đàn ông, thay vì thúc đẩy những giá trị cốt lõi ở chính bản thân các bé”….

“Con gái là phải dịu dàng”, “làm vợ là phải thương chồng”, “làm mẹ là một thiên chức”, “con gái không được cắt tóc ngắn”, “con gái mà mập quá ai thèm yêu?”… Đó chỉ là một vài trong vô vàn những định kiến và rập khuôn mà người nữ từ xưa đến nay phải gánh chịu, không chỉ riêng xã hội Việt Nam mà ở rất nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta ngầm mặc định, phái mạnh là nam, còn phái đẹp là nữ. Nhưng đi kèm với cái mặc định “phái mạnh” đó, chúng ta cũng đã vô tình đẩy phụ nữ đến phía bên kia cán cân, để họ trở thành “phái yếu”. Bằng chứng là có vẻ như, chúng ta chưa bao giờ gọi phụ nữ là “phái mạnh” cả, dù ngày nay đã có rất nhiều võ sư nữ, vận động viên thể hình nữ có thể nâng tạ như một người nam, hay những bà mẹ đơn thân mạnh mẽ, một mình nuôi con.

Những nàng công chúa Disney ngày càng đa dạng hơn về xuất thân, màu da, và cách lựa chọn hạnh phúc của mình thay vì phải chịu trói buộc trong khuôn mẫu hiền lành, cam chịu, luôn cần hoàng tử giải cứu như trước kia.

Chứng kiến chiều dài lịch sử điện ảnh thế giới, những chuẩn mực này không ít. Như những hạt mầm với sức sống nghìn năm, chúng được gieo vào đầu trẻ nhỏ từ các nàng công chúa của Disney: xinh đẹp, mộng mơ, luôn chờ hoàng tử của đời mình và dễ dàng nằm vật ra giường khóc nức nở. Rồi lớn lên, hạt mầm được tưới nước bằng “phim người đóng”, với nhan nhản những câu chuyện tình Hollywood mà người nữ chỉ là một món hàng trang sức bên cạnh quý ông mạnh mẽ kiểu James Bond. Hay người nữ còn bị bắt làm một nô lệ với trang phục khiêu gợi như trường hợp công chúa Leia trong “Star Wars: The Empire Strikes Back“. Các nhân vật nữ truyền thống luôn phải xuất hiện với mái tóc dài óng ả, cùng dáng chuẩn eo thon trên nền nhạc quyến rũ, một màn ra mắt ấn tượng nhưng số câu thoại thì không bao nhiêu, mà thậm chí nếu cắt vai thì cũng không ảnh hưởng đến phim. Hollywood gọi đây là “nhân vật trong kho” (stock character), dễ thấy là các cô tóc vàng hoe hay chết ngay tức khắc trong các phim kinh dị.

Nếu ai có theo dõi giải Oscar chắc cũng sẽ biết, qua 91 mùa giải, thế giới chỉ có 5 nữ đạo diễn được đề cử đạo diễn xuất sắc nhất, và chỉ có Kathryn Bigelow là chạm được tượng vàng. Vì vậy, phụ nữ vẫn không ngừng tranh đấu để đòi lại quyền công bằng của mình trên phim ảnh, vì họ tin, phim ảnh có thể tiếp tục gieo mầm vào tiềm thức của một thế hệ mới.

“Vợ ba” có phải tác phẩm tôn vinh nữ quyền?

“Vợ ba” với những hình ảnh tràn ngập tính nữ.

Agnès Varda, Kathryn Bigelow, Sofia Coppola, Greta Gerwig,… là thế hệ những nữ đạo diễn đi trước đó đã và đang mở đường cho hình ảnh người nữ trên phim, phá bỏ đi những rập khuôn đặt ra cho họ. Đó là các nữ đạo diễn tuy chúng ta không biết nhiều bằng những James Cameron hay Steven Spielberg, nhưng là những người được giới chuyên môn công nhận và dành nhiều lời khen cho các cống hiến của họ, cho khúc hoan ca mà họ luôn cất lên, đầy tình yêu với phụ nữ. Việt Nam chúng ta cũng đã và đang có những tiếng nói hòa vào dòng chảy này của thế giới. Ngô Thanh Vân, Việt Linh, Hồng Ánh, Cao Thúy Nhi, Nguyễn Hoàng Diệp… và gương mặt mới nhất, nhưng cũng có thành tích nổi bật nhất trên thị trường thế giới về mặt công nhận và giải thưởng, chính là Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) với “Vợ ba”.

Bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) chứng minh được rằng khi nói đến nữ quyền, bình quyền trên điện ảnh, người chắp bút không cần phải vẽ nên những nữ siêu nhân, siêu anh hùng với sự mệnh cứu nhân loại, hay những đả nữ, cường nữ với cú đá trời giáng, chí mạng, mà chỉ đơn giản là một cơ hội để người nữ trên phim ảnh được là chính mình, toát lên những bản năng sống con người nhất.

Nếu phải chọn một từ rộng nhất để khái quát chủ đề của phim, có lẽ sẽ là “gender” (giới), với một từ nhỏ hơn là “femininity” (tính nữ). Phim được kể dưới góc nhìn của Mây, người vợ ba, một cô bé ở tuổi mới lớn nhưng trong một năm phải trải qua gần như đủ các giai đoạn quan trọng nhất của một người phụ nữ: làm dâu, làm vợ, làm mẹ dưới khuôn khổ của xã hội phong kiến. Từ góc nhìn này, phim đặt ra những câu hỏi: “thế nào là tính nữ?”, “tính nữ nên được khắc họa như thế nào trên điện ảnh?”, “nhân vật nữ có thể làm gì để phá đi vòng xoay của thể chế?”. Nhưng có lẽ, bài toán lớn nhất mà “Vợ ba” đặt ra từ đầu chính là: “Làm sao để khắc họa người phụ nữ phong kiến một cách đời nhất, sát với bản ngã con người của họ nhất, cho họ được làm cái họ ‘muốn làm’, chứ không phải cái họ ‘phải làm’?

Nếu không có tranh cãi về độ tuổi của diễn viên chính Trà My, “Vợ ba” sẽ là một tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình của điện ảnh Việt khi dám để những người phụ nữ chỉ mặt gọi tên những vấn đề về tình dục.

Ash Mayfair phần nào đó đã tìm ra câu trả lời với “Vợ ba“. Đó là hành trình của một cô bé phải trải qua hầu hết các cột mốc quan trọng mà xã hội gán cho một đời phụ nữ, chỉ trong hơn 90 phút phim, còn chúng ta là chứng nhân cho những xung đột ngầm bên trong bản ngã bối rối ấy. Đó là góc nhìn giữa một nữ nhân với nhiều nữ nhân, triệt tiêu hoàn toàn lăng kính bề trên của nam nhân. Trong thế giới ấy, người chồng chỉ xuất hiện để làm đúng hai chức năng của “nam tính cường quyền”: hợp cẩn và trừng phạt.

Khán giả xem “Vợ ba“, bên cạnh những gương mặt bối rối, hoang mang về phim, cũng không ít những đợt sóng âm ỉ chưa thể vỗ vào bờ. Có những khán giả bị ám ảnh bởi phim, thích phim, nhưng vẫn chưa lý giải được cảm giác. Cũng có những người nhận ra ngay thông điệp và chủ đề mà “Vợ ba” muốn gửi gắm. Đó là những trái tim đã bắt cùng tần số mỹ cảm với đạo diễn Ash Mayfair, cùng chung tình yêu dành cho phụ nữ của cô. Đó là những thổn thức của những khán giả nhìn thấy chính mình trong đó, ở thời hiện đại, khi những rập khuôn và định kiến không cho phép họ sống thật với lòng mình.

Trong lúc chờ tranh cãi ngã ngũ, hãy bàn về yếu tố nữ quyền của "Vợ ba": Minh Nguyễn

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/neu-khong-co-nhung-tranh-cai-vo-ba-co-phai-la-tac-pham-ton-vinh-nu-quyen/