'Nêu gương, sự đòi hỏi nghiêm khắc của Nhân dân'

'Chưa bao giờ như bây giờ, sự đòi hỏi từ Nhân dân một cách nghiêm khắc với đứa con nòi của mình là Đảng, với công bộc của mình là bộ máy công chức của Nhà nước trước vận mệnh của quốc gia. Tất cả vì sự vững mạnh của đất nước, sự trường tồn của dân tộc'. Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định trong cuộc trao đổi với Tiền Phong xung quanh Dự thảo quy định về nêu gương của Đảng.

Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản Ảnh: Như Ý

Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản Ảnh: Như Ý

Từ trước đến nay đã có nhiều quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên. Vậy tại sao Đảng lại tiếp tục đưa ra một Dự thảo quy định mới về nêu gương, và vì sao lần này lại được người dân quan tâm đến như vậy, thưa ông?

Chưa bao giờ như bây giờ, đội ngũ cán bộ của chúng ta, bên cạnh những mặt tốt, còn đặt ra vô vàn những mặt đáng suy nghĩ, thậm chí đáng lo ngại. Điều đó đã làm tổn thương đến hình ảnh của Đảng, tổn thương đến uy tín của Nhà nước, trực tiếp làm mất uy tín của nhiều cán bộ. Nhưng mặt khác nó cũng cho ta một điều rất mừng, chính những lúc như thế, chúng ta nhìn rõ công việc chúng ta phải làm, nhìn rõ hơn đội ngũ chúng ta phải kiến tạo để đáp ứng yêu cầu mới.

Tôi nghĩ, hàng loạt những vụ việc xảy ra vừa rồi đã cho chúng ta những bài học, thậm chí là bài học xương máu. Cũng là lần đầu tiên, sau mấy chục năm trời, cán bộ cao cấp của Đảng bị xử lý. Cũng lần đầu tiên một ủy viên Bộ Chính trị của Đảng lâm vòng lao lý. Trong lịch sử hơn 88 năm của Đảng, chưa có một hiện tượng nào như thế cả.

Điều đó đặt ra, vấn đề không chỉ về tư cách, đạo đức, phẩm chất cán bộ, mà còn là vấn đề về năng lực, uy tín của cán bộ. Nói rộng ra, đó là hình ảnh của cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp của Đảng. Tôi gọi đó là những biểu tượng, toàn quốc là biểu tượng quốc gia, rồi đến biểu tượng ngành. Nói như đồng chí Tổng Bí thư, đó là hình ảnh. Chính điều đó là một trong những lý do chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện quy định trong Đảng, trong đó có quy định nêu gương. Mặc dù quy định nêu gương mới được thực hiện hơn 6 năm rưỡi thôi nếu tính từ Quy định 101 vào năm 2012, do đồng chí Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ký. Lần này là của Ban Chấp hành Trung ương. Do vậy nó ở tầm mức cao hơn, tính chất quan trọng hơn.

Song điều quan trọng bậc nhất, là phải đặt vấn đề nêu gương trong cuộc chuyển đổi lớn. Hãy nhìn lại Đại hội XII với những quyết sách lớn ở tầm vĩ mô mang tính chiến lược, và để chuẩn bị trước mắt cho Đại hội XIII và tiến tới 100 năm Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030, thì vấn đề nêu gương càng trở nên hết sức quan trọng. Thứ hai, chưa bao giờ như bây giờ, sự đòi hỏi từ Nhân dân một cách nghiêm khắc với đứa con nòi của mình là Đảng, với công bộc của mình là bộ máy công chức của Nhà nước trước vận mệnh của quốc gia. Tất cả vì sự vững mạnh của đất nước, sự trường tồn của dân tộc. Tất cả những điều đáng buồn, những hư hỏng, những hủ bại, một số người giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng của Nhà nước đã làm tổn thương sự tin cậy của nhân dân. Và tôi nghĩ đó mới là điều quan trọng nhất.

Điều thứ ba mới là điều rất đáng lo ngại. Xét về mặt đạo lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói Đảng là đứa con nòi của nhân dân lao động, thế nhưng sự hư hỏng của một bộ phận quan trọng các công bộc của dân đã làm phiền lòng nhân dân. Chúng ta biết rồi: “Phúc chu thủy tín dân do thủy”, làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước. Mất tiền bạc là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, mất niềm tin là mất hết !

Cấp dưới noi gương cấp trên, cấp trên nêu gương cho cấp dưới. Nhưng dù nêu dù noi, thì hình ảnh đó dù ở cấp nào trong bộ máy vẫn là hình ảnh của Đảng, Nhà nước và thể chế đối với toàn dân, đối với quốc tế. Người ta không phân biệt anh là cán bộ của Đảng hay của Nhà nước, đấy chính là của thể chế, cho nên sự sinh tồn của thể chế đặt cả vào niềm tin của Nhân dân.
Nhìn vấn đề như thế mới thấy hết được chiều sâu của Quy định nêu gương lần này.

Định danh, định lượng rất rõ

Trong Dự thảo Quy định về nêu gương lần này của Đảng, thay vì ghi chung chung như mọi lần là “cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, nay nêu đích danh “từng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” phải gương mẫu thực hiện. Điều này có ý nghĩa gì, thưa ông ?

Tôi nghiên cứu tất cả các văn kiện của Đảng từ trước đến nay, đặc biệt là các quyết sách chính trị tại các Hội nghị TƯ, những quy định ở trong Đảng xưa nay, thường nặng về định hướng, định tính, chưa có định lượng. Tôi chờ mãi, đến Hội nghị TƯ 4 khóa XII bàn về việc phòng ngừa, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, lần đầu tiên một quyết nghị của Đảng ở tầm BCH TƯ, những vấn đề cấp bách được đặt ra và cách xử lý vấn đề định lượng rất rõ ràng. Tôi chưa thấy một quyết nghị nào lại chỉ rõ đến như vậy,với 27 biểu hiện.

Một bước tiến rất dài trong việc xây dựng nghị quyết, đó là tính định lượng và tính khả thi. Không đo đếm được thì tôi và anh đều như nhau, vì không có định lượng. Thước đo lớn nhất ở đây là những quy định, nhưng không có thước đo gì hơn thước đo lòng dân. Lòng dân là hàn thử biểu sức mạnh của một thể chế, uy tín cao hay thấp của một cán bộ.

Có thể ở trong Đảng anh được đánh giá rất tốt bởi chỉ có một nhóm người trong Đảng đánh giá thôi, nhưng để cho một vạn dân, một triệu dân đánh giá, chắc chắn không sai. Cho nên tôi thấy lần này, những điều trong quy định về nêu gương, định lượng rất rõ, định danh rất rõ. Cho thấy hai điều, một là tính nghiêm cách của kỷ luật, hai là tính cụ thể của đối tượng kỷ luật. Từ đây, chúng ta có định chế và thiết chế để bảo đảm thực hiện.

Và cũng lần đầu tiên, vấn đề từ chức được nêu ra cụ thể. Tức tính chỉ định rất rõ, anh phạm vào lỗi này thì thượng sách là từ chức không phải đợi đến tổ chức nữa, tức là lần đầu tiên vấn đề đạo đức được đặt ra một cách ngang tầm, nghiêm cách, đo lòng tự trọng của con người. Con người sinh ra ai cũng có liêm sỉ, nếu không có liêm sỉ không thành người được.Từ chức là cách nhẹ nhất của những người giữ trọng trách có liêm sỉ - tự xử. Ngày xưa, khi phạm tội nhà vua ban cho hai chữ “tự xử”, tức là “tam ban triều điển” - một là một chén thuốc độc, hai là một dải lụa trắng, ba là một thanh gươm. Muốn toàn thây thì uống thuốc độc hoặc tự treo cổ, còn không toàn thây thì gươm kia, tự xử.

Như vậy, vấn đề đạo đức đang được đặt ra một cách cấp thiết. Đấy cũng là biểu hiện sinh động của việc xây dựng Đảng về đạo đức mà quyết sách từ ĐH XII đặt ra, bên cạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Bộ sàng lọc để lựa chọn tinh hoa

Trên thế giới, việc người đứng đầu một bộ ngành hay địa phương, có thể nhanh chóng tuyên bố từ chức ngay sau một vụ bê bối hay một sự cố liên quan tới trách nhiệm quản lý của họ. Vậy theo ông, quy định về từ chức lần này liệu có mở đường cho việc hình thành “văn hóa từ chức” trong cán bộ, đảng viên ở ta, điều mà người dân còn ít thấy ?

Vô cùng hiếm hoi! Tôi xin thưa, chúng ta thua rất xa cổ nhân của chúng ta. Có rất nhiều lý do, trước hết xưa những người làm quan được đào tạo, được học hành, được kiểm nghiệm ngặt nghèo trước khi ra làm quan. Đó là đạo làm quan! Bây giờ làm quan tắt rất nhiều, “tiền bổ hậu học”, thậm chí mua quan bán tước rất nhiều. Làm quan, nhẹ là kiếm chác bổng lộc, nặng nếu sa vào mua quan bán tước, tức phải thu hồi vốn, cho nên không dễ gì từ bỏ chốn quan trường.
Cho nên, nhớ lại xưa, tại sao mới hiểu Chu Văn An, tại sao mới hiểu Nguyễn Trãi, những bậc đại trí đại nhân như thế, những bậc đại thần của các thể chế như thế, mà treo ấn từ quan nhẹ như lông hồng! Tức là cái đạo làm quan, cái đức của người làm quan rất được coi trọng. Đó là liêm sỉ! Nay, ít quá!

Đấy là loại thứ nhất. Loại thứ hai, chưa bao giờ ra làm quan mà lắt léo như bây giờ. Những chức vụ của người này người kia có được, râm ran khắp nơi, định giá cả đấy. Cho nên “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “đồng tiền liền khúc ruột”. Còn nói thẳng ra, là cái giá quan trường. Cho nên, không dễ từ chức. Thứ ba, đó là cái liêm sỉ và dư luận xã hội. Những bậc quan ra quan không như ta nghĩ. Một người treo ấn từ quan, cả xứ buồn, cả xứ tiếc. Ngày xưa là như thế. Bây giờ thì sao? Cho nên đặt vấn đề từ chức tưởng như một việc rất nhỏ, nhưng lại vô cùng khó khăn.

Cũng có dư luận cho rằng, đừng hy vọng quá vào việc này bởi xét cho cùng đây cũng chỉ là vấn đề tự giác thực hiện mà thôi, đâu có chế tài gì? Cơ chế nào để các cơ quan chức năng và người dân giám sát việc nêu gương, thưa ông?

Theo tôi, kỳ này Quy định về nêu gương để xử cả những người đã làm. Ví dụ, tài sản ở nước ngoài anh A có bao nhiêu? Mặc dù anh A có trước khi có quy định này, vẫn bị xử bởi vì anh phạm vào điều cấm. Theo nhận định của tôi, Quy định về nêu gương lần này sẽ là một bộ sàng lọc để chuẩn bị nhân sự cho đại hội sắp tới. Con cái du học ở nước ngoài không giải trình minh bạch được, tài sản không truy vấn được nguồn gốc, tự xử đi! Với Quy định lần này, tôi nghĩ, sẽ là công cụ sàng lọc để lựa chọn tinh hoa, tinh hoa trước hết phải từ đạo đức.

Xin cảm ơn ông!

Vậy thưa ông, liệu lần này có làm nghiêm được không ?

Tại sao lại không nghiêm? Tôi chắc là nghiêm! Chưa bao giờ như bây giờ, sự tập trung quyền lực, nguồn lực đã được đặt ra. Bình thường, tôi làm bí thư, anh làm chủ tịch, tôi và anh chưa chắc đã “gặp nhau”. Nhưng tôi vừa làm bí thư, đồng thời làm chủ tịch thì “thương anh em để trong lòng, việc công thì cứ phép công em làm”. Không như thế, thì dân ai người ta tin. Nhớ lại, 67 năm trước, kể từ năm 1951 khi Cụ Hồ là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được bầu làm Chủ tịch Đảng. Và nay, ngày 3/10/2018, toàn thể BCH TƯ giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Tôi gọi đó là tính quy luật của nền chính trị Việt Nam. Việc nêu gương cũng thế! Kỳ vọng!

Việt Hùng (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/neu-guong-su-doi-hoi-nghiem-khac-cua-nhan-dan-1331430.tpo