Nếu được để lại thêm ngân sách, TPHCM sẽ tăng đóng góp cho Trung ương

Ngày 29/7, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội góp ý cho 3 đề án của TPHCM.

Hội nghị do các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo các sở ban ngành của TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 3 đề án được chuẩn bị theo yêu cầu của Bộ Chính trị. Trong tháng 8, TPHCM sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Thành ủy TPHCM đã làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, có tiếp thu bước đầu, sẽ lấy ý kiến các cơ quan Quốc hội, bộ ngành, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, sau đó hoàn thiện để tháng 8 trình Bộ Chính trị.

Đề án đầu tiên là đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030” để tăng thu ngân sách nộp về Trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, từ lâu, TPHCM với sự nỗ lực của mình, sự hỗ trợ của Trung ương, Quốc hội,… TP đã luôn là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tăng trưởng liên tục, giữ được tỷ lệ đóng góp ngân sách Trung ương.

Nhưng TP còn thiếu vượt trội, trong đó có nguyên nhân là do cách quản lý chưa tốt của TP, phát huy thế mạnh của con người, hợp tác phát triển còn hạn chế, đầu tư chưa cao. TP vẫn cần có những đột phá để phát triển hơn, nhất là về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, thu hút các tập đoàn nước ngoài lớn…

“Thời gian qua, TPHCM luôn day dứt một vấn đề: nếu tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP phát triển bền vững thì phải thế nào. Nếu tỷ lệ để lại tăng mà TPHCM đóng góp cho Trung ương tăng thì mới là bền vững” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh; đồng thời phân tích: 1 đồng vốn để lại cho TP thì tạo ra 10-14 lần cho đầu tư xã hội, số này sẽ rơi vào nền kinh tế, vì năng suất lao động của TPHCM cao gấp 2,7-,2,9 lần cả nước.

Lao động TPHCM tăng nhanh, sau 5 năm sẽ tăng 0,5 triệu lao động, nên 1 đồng để lại sẽ tạo GDP tăng cao hơn, thu ngân sách lớn hơn, tức là TP tăng mà Trung ương cũng tăng, để lại là để tăng lên.

Do đó, đề án kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% hiện tại lên 23%, trở lại chu kỳ điều tiết ngân sách cũ. Nguyên tắc là không áp dụng đại trà mà chỉ áp dụng nơi phát triển kinh tế cao.

Đề án thứ hai là về tổ chức lại HĐND, TPHCM xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM. TPHCM xin không làm thí điểm (như Hà Nội, Đà Nẵng) mà làm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 mới thông qua.

TP kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét thông qua đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM từ 1/7/2021. Việc này TPHCM đã làm từ 7 năm trước khi thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên diện rộng, kết quả phát huy dân chủ rất tốt, giao MTTQ chủ trì để giám sát hoạt động của UBND.

Với đề án thứ 3 là thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sẽ hình thành vùng động lực cho TP phát triển, hình thành khu đô thị sáng tạo của TPHCM.

Đề án thành lập TP Thủ Đức với diện tích lớn, hơn cả 13 quận khác cộng lại, dân số hơn 1 triệu, dự báo trước 2030 là hơn 2 triệu, đóng góp 1/3 kinh tế cho TPHCM. TP Thủ Đức được thành lập dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được đầu tư phát triển đáp ứng tiêu chí của một đô thị, phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên và nhu cầu phát triển hiện nay, vì vậy TPHCM kiến nghị Trung ương chấp thuận cho TPHCM sắp xếp 3 quận trở thành TP Thủ Đức là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc TPHCM.

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Mô hình tổ chức chính quyền ở cấp huyện của TP Thủ Đức gồm có HĐND và UBND; ở cấp xã chỉ có UBND phường, không tổ chức HĐND phường.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, 3 quận phía Đông TPHCM được lựa chọn để phát triển thành hạt nhân sáng tạo, hình thành một vùng tăng trưởng mới, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Do đó, việc hình thành một đơn vị hành chính thống nhất, quy mô lớn như vậy nhằm đảm bảo sự tương tác liên thông và tận dụng tối đa lợi thế của vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho TPHCM, liên kết, hỗ trợ các đô thị trong vùng và cả nước nói chung cùng phát triển là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Tán thành tăng thêm nguồn lực cho TPHCM phát triển

Về Đề án “tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá đề án được nghiên cứu sâu, tính thuyết phục khá cao, quan điểm của Ủy ban Kinh tế là ủng hộ TP có mô hình sáng tạo, nguồn lực để phát triển mạnh mẽ.

Với việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, Bộ Chính trị đã chỉ đạo bảo đảm để TPHCM phát triển nhưng lại bị giảm. Vì vậy, dù TPHCM có tăng trưởng nhưng bị chậm, chưa có vượt trội. Tăng để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, đó là quan điểm cần được ủng hộ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đề án đã cơ bản thuyết phục, nhưng tỷ lệ 23% hay bao nhiêu sẽ cần thêm ý kiến của các bộ ngành, nhất là Bộ Tài chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã chia sẻ, những thách thức của TPHCM mà để giải quyết phải có nguồn lực; đồng thời cho rằng, tăng nguồn lực có nhiều cách, trong đó có tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách. TPHCM cần suy nghĩ thêm cách khác để tăng nguồn lực phát triển.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu quan điểm, cân đối ngân sách cần bảo đảm sự hài hòa giữa các vùng, các địa phương. Vì là đề án báo cáo Bộ Chính trị nên căn cứ pháp lý phải rõ, vì nếu tăng tỷ lệ điều tiết phải sửa luật ngân sách.

Cùng với việc đặt vấn đề tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách thì TPHCM cần tính toán nguồn lực khác, vì giảm xuống 18% thì mỗi năm TPHCM chỉ bị giảm 9.000 tỷ đồng/năm, trong khi TPHCM cần là cần cả trăm ngàn tỷ đồng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng ý điều chỉnh trở lại tỷ lệ điều tiết ngân sách trước kia cho TPHCM, song song đó TP cần nỗ lực để có thêm nguồn lực phát triển.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thông tin, tháng 10, Ban Kinh tế Trung ương cũng trình Bộ Chính trị Nghị quyết về đổi mới cơ chế ngân sách nhằm bảo đảm ngân sách Trung ương nhưng cũng bảo đảm nguồn lực cho các địa phương phát triển.

“Nên chăng TPHCM tham gia xây dựng đề án này để bảo đảm nguồn lực cho TPHCM. Nên lồng ghép đề án của TPHCM vào đề án của Ban Kinh tế Trung ương, như vậy thì sẽ không phải sửa luật” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu ý kiến.

Làm rõ cơ chế phối hợp thanh kiểm tra khi bỏ HĐND quận, phường

Với đề án thứ hai, TPHCM xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM. TP kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét thông qua đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM từ ngày 1/7/2021. TPHCM đề xuất không làm thí điểm (như Hà Nội, Đà Nẵng) mà làm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 mới thông qua.

Góp ý về đề án này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội TPHCM Vũ Hồng Thanh cho rằng nếu bỏ hết HĐND quận, phường thì sẽ dồn lên HĐND TP cũng như vai trò giám sát, kiểm tra của thanh tra, MTTQ. Vậy lúc đó bộ máy HĐND TP như thế nào cả về cơ cấu, số lượng, chất lượng hoạt động? Làm thế nào để tránh chồng chéo trong kiểm tra, giám sát. Cần làm rõ cơ chế phối hợp thanh kiểm tra khi bỏ HĐND quận, phường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã đồng ý không tổ chức HĐND quận, phường nhưng vẫn còn băn khoăn. TPHCM là một đô thị đông dân, nếu bỏ HĐND quận, phường thì HĐND TP có đảm đương nổi không? TPHCM nên cân nhắc chỉ bỏ HĐND quận, giữ HĐND phường.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng nên chăng TPHCM cân nhắc để thí điểm; có thể bỏ cấp quận nhưng nên giữ HĐND cấp phường.

Về đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức, các ý kiến cơ bản đồng tình ủng hộ vì sẽ tạo ra cú hích cho phát triển của TPHCM và cả nước. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đề án cần làm rõ hiệu quả khai thác đất đai đô thị vùng ven đô. TP Thủ Đức phát triển cần những yếu tố gì cũng cần làm rõ theo hướng có thể tham khảo cơ chế chính sách đặc thù đã xây dựng cho đặc khu.

Đặc biệt, cần có quy hoạch bài bản, đồng bộ để thu hút đầu tư, tính cả trong mối liên kết với các khu vực xung quanh. Bài học kinh nghiệm của Quảng Ninh là có quy hoạch rất bài bản, do đó thu hút đầu tư rất tốt.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Kết luận hội nghị góp ý, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh TPHCM sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh 3 đề án. Về đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định TPHCM sẽ tăng đóng góp cho Trung ương. TPHCM đã tính toán, nếu tăng tỷ lệ điều tiết lên 23% thì ngân sách Trung ương cũng không bị giảm, mà còn tăng ngân sách nộp về Trung ương như đã báo cáo.

Về đề án bỏ HĐND quận, phường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin ban đầu đề án có từ thí điểm nhưng theo ý kiến Bộ Nội vụ phản hồi từ 1/7/2020 luật có hiệu lực rồi nên không thí điểm nữa.

Bên cạnh đó, TP căn cứ thực tiễn 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009-2016 thì mặt được nhiều hơn. “Tuy nhiên, TP sẽ tiếp thu ý kiến về việc bỏ HĐND quận, phường thì cơ cấu, số lượng HĐND TP thế nào; phát huy vai trò giám sát của mặt trận ra sao, phối hợp thanh kiểm tra giữa các lực lượng thế nào.

TP cũng sẽ nghiên cứu ý kiến chỉ bỏ HĐND quận, giữ HĐND phường” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói. Về TP Thủ Đức, TPHCM đã chuẩn bị rất kỹ, TP sẽ tổ chức quy hoạch bài bản.

Theo hcmcpv.org.vn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/neu-duoc-de-lai-them-ngan-sach-tphcm-se-tang-dong-gop-cho-trung-uong_96731.html