Nếu đối đầu ở châu Âu, Mỹ sẽ thua Nga

Chuyên gia nói nếu đối đầu ở châu Âu, Mỹ đang thua sút Nga về sức mạnh vũ khí và quân lực.

Năm 2016, RAND (tập đoàn tư vấn chính sách toàn cầu phi lợi nhuận của Mỹ) vẽ ra kịch bản Nga xâm chiếm vùng Baltic. Theo kịch bản này, lực lượng Nga nhanh chóng đè bẹp các lực lượng NATO được trang bị sơ sài hơn. Sau đó, các nước đồng minh của Mỹ tại châu Âu nhanh chóng triển khai trực thăng và lính dù nhằm đối đầu với người Nga. Nhưng các xe tăng châu Âu cần có thời gian để tới được chiến trường.

Một sự kiện khác thoạt nghe có vẻ không liên quan: Đầu tháng 2 này, một kíp lái gồm 4 người trên xe chiến đấu thuộc Trung đoàn Kỵ binh số 2 của Mỹ ở châu Âu chiến thắng giải cá nhân khi họ đánh bại các kíp lái khác để giành danh hiệu xạ thủ siêu hạng “top gun”. Nhưng theo tác giả David Axe của tạp chí National Interest (Mỹ) việc này đang chứng minh một sự thật không mấy dễ chịu đối với người Mỹ: ở châu Âu, quân Mỹ thua sút quân Nga về sức mạnh vũ khí.

Xe M1134 ATGM Stryker

"Một kíp lái ATGM đã chứng tỏ sự chuyên nghiệp và tính chuyên môn của họ vượt lên các đội khác”, đội kỵ binh số 4 thuộc Trung đoàn Kỵ binh số 2 khoe chiến tích trên mạng xã hội. Một bức ảnh chụp bốn người thuộc kíp lái xe Stryker tự hào đứng trước tuyết, bên cạnh chiếc xe bọc thép 8 bánh của họ.

Xe M1134 ATGM Stryker có một tháp pháo chứa hai tên lửa chống tăng Javelin. Một tên lửa Javelin có thể mang đầu đạn nặng 9 kg, tầm bắn hơn 1,6km.

Đội kỵ binh số 4, Trung đoàn Kỵ binh số 2 đóng quân ở Vilseck, Đức. Cùng với ba đội khác thuộc trung đoàn, họ quản lý 300 xe bọc thép Stryker và đây là lực lượng cơ giới duy nhất của Mỹ thường trú ở châu Âu. Ngoài ra, lục quân Mỹ còn Lữ đoàn lính dù 173 đóng ở châu Âu

Hiện nay lục quân Mỹ tạm thời duy trì một lữ đoàn thiết giáp ở châu Âu, cứ khoảng 9 tháng lại đổi đơn vị khác. Một lữ đoàn thiết giáp của Mỹ cơ bản có khoảng 90 xe tăng M-1 Abrams và 130 xe chiến đấu M-2, cộng thêm khoảng 18 pháo tự hành M-109.

Trong nhiều thập kỷ, quân Mỹ duy trì một lực lượng mạnh ở châu Âu nhằm đối đầu với Liên Xô. Dù có giảm binh lực sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cho đến cuối năm 2012, lục quân Mỹ vẫn còn bốn lữ đoàn đóng ở châu Âu, hai trong số đó có xe tăng.

Dưới thời tổng thống Obama, hai lữ đoàn xe tăng tại châu Âu bị cắt giảm, do tranh cãi giữa chính quyền với quốc hội về trần nợ công. Lính thường trực cũng giảm từ 40.000 xuống còn 25.000.

Năm 2014 xảy ra sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Mỹ tìm cách khôi phục binh lực ở châu Âu bằng việc chi thêm hàng tỷ USD để triển khai quân tạm thời.

Nhưng đó chỉ là tạm thời. Quân thường trực vẫn như cũ. Và 5 năm sau sự kiện Crimea, Trung đoàn Kỵ binh số 2 với những chiếc Stryker vẫn là đội hình thường trực mạnh nhất của Mỹ ở châu Âu.

Trong khi đó, trung đoàn này phải đối đầu với đối thủ rất mạnh. Nga có khoảng 760 xe tăng bố trí trong tầm tấn công nhanh ở khu vực Baltic. Tại khu vực này, các nước NATO cộng lại có 130 xe tăng và 90 trong số này là các xe tăng M-1 Abrams của Mỹ triển khai luân phiên (không thường trực).

Xe thiết giáp Stryker, nặng 20 tấn, bằng 1/3 tăng Abrams. Và nó không phải là xe tăng. Trong một cuộc chiến công ước trực tiếp giữa Nga và Mỹ, trong những ngày đầu (vì sau đó tình thế có thể khác), Nga với các xe tăng và thiết giáp vừa mạnh về hỏa lực vừa đông về số lượng “có lợi thế rất lớn”, RAND cảnh báo giới chức Mỹ.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/neu-doi-dau-o-chau-au-my-se-thua-nga-1375800.tpo