Nếu đào được cổ vật có giá trị thì hành xử sao?

Ngày 1-7, gia đình ông P. (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) phát hiện nhiều tượng kim loại màu vàng. Số tượng này đều lấm lem bùn đất nhưng khi chùi rửa thì sáng choang.

Đến ngày 2-7, ông Nguyễn Xuân Lý, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận, cho biết đã liên lạc với ông P. để đưa số tượng trên lập hội đồng xem xét, giám định. Tuy nhiên, qua quan sát, ông Lý cho rằng những đồ vật này không có giá trị gì.

Trước vụ việc trên, nhiều bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM thắc mắc nếu số tượng trên được làm từ kim loại quý, có giá trị lớn hoặc cổ vật thuộc di tích lịch sử thì bản thân ông P. có cần phải giao nộp? Ông P. có được hưởng một phần giá trị của số tài sản trên?

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Theo Điều 229 Bộ luật Dân sự 2015, ông P. có trách nhiệm thông báo hoặc giao nộp số tài sản do ông tìm thấy cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. Quyền lợi của người tìm thấy tài sản được chia ra hai trường hợp:

- Trường hợp tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa và có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì tài sản thuộc sở hữu của người tìm thấy. Nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định; phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

- Trường hợp tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước. Người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật. Về mức thưởng đối với cá nhân tìm thấy và giao nộp tài sản là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật được quy định tại Điều 30 Nghị định 29/2018 như sau:

- Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 30%.

- Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 15%.

- Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 7%.

- Phần giá trị của tài sản trên 1 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 1%. Phần giá trị của tài sản trên 10 tỉ đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 0,5%.

Trường hợp không xác định được giá trị của tài sản thì cơ quan, người có thẩm quyền quyết định mức tiền thưởng cụ thể, tối đa không vượt quá 200 triệu đồng. Trong trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, nếu người phát hiện hoặc tìm thấy những vật có giá trị mà không giao nộp thì có thể bị xử phạt hành chính 2-5 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…) và tịch thu tang vật.

Nếu người tìm thấy tài sản cố tình không giao nộp tài sản là di vật, cổ vật hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù 1-5 năm theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Như vậy, khi phát hiện vật có giá trị dưới lòng đất thì gia đình ông P. nên có biện pháp bảo vệ tài sản. Đồng thời, ông P. có trách nhiệm thông báo và giao nộp số tài sản trên cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, ông P. cũng có quyền được hưởng một phần giá trị của tài sản do ông tìm thấy hoặc được nhận tiền thưởng với mức như đã nêu trên.

TRÚC PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/neu-dao-duoc-co-vat-co-gia-tri-thi-hanh-xu-sao-843734.html