Nếu Đà Nẵng cứ hành xử thế này, ai còn dám đến làm ăn nữa?

Thiếu nhất quán trong chính sách, quản lý có phần cứng nhắc khiến nhà đầu tư lo lắng, có thể dẫn tới làn sóng ra đi khỏi thành phố 'đáng sống' trong tương lai.

Ngày 2/5/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng bài viết "Nhiều nhà đầu tư đang lao đao, kêu vì Đà Nẵng tiền hậu bất nhất" nêu những băn khoăn của nhà đầu tư trước cách làm việc có phần cứng nhắc của Đà Nẵng.

Lối hành xử ấy liệu có khiến cho doanh nghiệp đang đầu tư và những doanh nghiệp đang có ý định đầu tư rút khỏi nơi này? Và hậu quả thật khó có thể đong đếm được nếu điều đó xảy ra?

Nhà đầu tư gặp phiền toái

Đà Nẵng chuẩn bị ứng phó với doanh nghiệp khởi kiện”; “Đà Nẵng chỉ đạo tiền hậu bất nhất”; “Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng ổn định thị trường”… là những thông tin dày đặc nhất suốt năm qua về thành phố từng được mệnh danh là “đáng sống”.

Đây cũng là những câu hỏi nóng bỏng được đặt ra ngay tại phiên họp báo thường kỳ quý I vừa qua của Thành phố Đà Nẵng.

Nhiều nhà đầu tư đang lao đao, kêu vì Đà Nẵng “tiền hậu bất nhất"

Thậm chí, ngay thời điểm giữa năm qua, dư luận và cộng đồng cũng “dậy sóng” quanh phát ngôn của một lãnh đạo thành phố về việc mạnh tay xử lý công trình sai phép, vì: “Việc chấp hành pháp luật xây dựng trước hết thuộc về chủ đầu tư dự án. Thanh tra xây dựng không thể suốt ngày đi dòm ngó người ta, cũng không có đủ người, thời gian để giám sát từng công trình.

Để giảm thiểu phiền toái cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào khâu nghiệm thu, khi công trình xây xong không đảm bảo qui định pháp luật, sai phép chỗ nào thì phải đập bỏ chỗ đó, kiên quyết không cho đưa vào hoạt động”.

Như vậy, vô hình trung vai trò đánh giá, thẩm định dự án bị coi nhẹ ngay từ đầu, mặc nhà đầu tư xoay xở vì đến khi nhà nước đi nghiệm thu, thấy sai thì… đập bỏ thôi. (thông tin tham khảo: http://cadn.com.vn/news/102_191859_co-hoi-de-chon-can-bo-co-tam-co-tam-co-ban-linh.aspx)

Trước những chỉ số bị sụt giảm rõ ràng về tăng trưởng, tụt hạng PCI của thành phố trọng điểm miền Trung này, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc lại vai trò của chính quyền, để phát triển Đà Nẵng đúng với tiềm năng và thế mạnh.

Đáng quan ngại nhất là tình trạng các chỉ đạo, quyết định dồn dập thời gian gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đầu tư của thành phố, khiến nhiều nhà đầu tư cũ lo lắng, nhà đầu tư mới thì không còn mặn mà như trước nữa.

Đà Nẵng liên tiếp tụt hạng trên bảng đánh giá xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm gần đây.

Đà Nẵng liên tiếp tụt hạng trên bảng đánh giá xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm gần đây.

Dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 của Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016 - 2021 cuối tháng 12/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc nhở thành phố về việc không còn giữ được vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng.

Tăng trưởng kinh tế của thành phố có phần suy giảm. Dư địa phát triển, nhất là quỹ đất sạch dành cho việc thu hút đầu tư không còn nhiều; thu ngân sách chưa nhiều so với một số địa phương khác, tích lũy đầu tư còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội góp ý, Đà Nẵng đừng vì những vụ việc, cụ thể là những sai phạm trước đây làm ảnh hưởng đến tư tưởng và hành động của các cấp, ngành ở thành phố.

Vì như thế sẽ gây một tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư và giải quyết những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Đừng có làm sai nữa, chứ đúng thì phải làm để phát triển Đà Nẵng. Không làm thì thành phố sẽ chững lại, chưa nói tới nguy cơ tụt hậu. Và tôi tin là nhân dân sẽ ủng hộ lãnh đạo thành phố” - Chủ tịch Quốc hội phát biểu. (thông tin tham khảo: https://dantri.com.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-da-nang-dung-vi-sai-pham-truoc-day-ma-e-de-20181217152258491.htm)

Nhà đầu tư sẽ đi tìm miền đất mới

Câu chuyện một dự án ven sông Hàn thời gian gần đây được xới xáo lại càng chứng minh cho tư duy điều hành thiếu nhất quán của thành phố đang trên đà sụt giảm chỉ số năng lực cạnh tranh PCI.

Bởi lẽ, một dự án vốn đã được phê duyệt cả chục năm trước, đang gấp rút triển khai, bỗng nhiên thành phố chỉ đạo “tạm dừng” để rà soát. Điều này đẩy nhà đầu tư vào cảnh vất vả, lao đao.

Bất thường là ở chỗ, chỉ vài năm trước đây thôi, những vấn đề cần được “rà soát” nói trên vốn đã được xử lý, thậm chí được đưa ra trả lời công khai trước công dân.

Nhưng đến nay, mọi việc lại đang tiếp tục được xới xáo lại, vẫn những vấn đề cũ. Điều này có thể xem là sự thiếu cam kết với nhà đầu tư, gây nên trạng thái tâm lý bất an trong giới đầu tư.

Đó cũng là lí do vì sao xuất hiện một làn sóng đầu tư đang manh nha rời khỏi Đà Nẵng, tìm đến các địa phương lân cận, đặc biệt Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… nhất là trong bối cảnh các địa phương này đang cải tổ mạnh mẽ để thu hút đầu tư.

Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu năm 2019 phấn đấu thu hút được 15 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn cam kết khoảng 10.000 tỷ đồng (tương đương 400 triệu USD); Quảng Nam cũng đang được xem như “làn gió mới” trong thu hút đầu tư FDI…

Trong khi đó ở Đà Nẵng, việc doanh nghiệp tìm tới địa phương này nhưng ngậm ngùi dứt áo ra đi, được một số nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp lí giải là “khó khăn trong tìm kiếm quỹ đất”, hay nói đúng hơn theo một chủ đầu tư: “Không phải Đà Nẵng không có mặt bằng cho các doanh nghiệp thuê để đầu tư, sản xuất kinh doanh mà là thái độ quan tâm của một số ban, ngành đối với doanh nghiệp. Họ không nắm bắt, tìm hiểu doanh nghiệp cần gì để đáp ứng” (tài liệu tham khảo: https://vtc.vn/kho-tiep-can-mat-bang-nhieu-doanh-nghiep-o-da-nang-muon-chuyen-dia-ban-d449486.html)

Việc thiếu nhất quán trong chính sách, thờ ơ với nhu cầu của nhà đầu tư là nguyên nhân dẫn tới làn sóng ra đi khỏi thành phố “đáng sống” trong tương lai không xa.

Quế Chi

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/kinh-te/neu-da-nang-cu-hanh-xu-the-nay-ai-con-dam-den-lam-an-nua-post197939.gd