Nếu Đà Lạt chỉ toàn bêtông và Nha Trang ngập cao ốc

Nha Trang sẽ bị 'giết chết' nếu chỉ toàn cao ốc. Chẳng còn ai tới một Đà Lạt toàn bêtông. Còn sông Hàn, sẽ chỉ còn là một cái cống nếu gật đầu chấp nhận cho các dự án lấp sông.

Câu chuyện một Nha Trang toàn cao ốc mặt tiền bờ biển, đóng hộp chật chội đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trong tâm trạng không chỉ của người dân thành phố biển này.

Giá trị của một thành phố biển là biển, là nắng, là không gian môi trường chứ không phải là các tòa cao ốc, khách sạn “xếp hàng dọc bờ biển” - Lời KTS Ngô Viết Nam Sơn. Và ông cho rằng Khánh Hòa cần loại bỏ ngay cách nghĩ dồn hết nhà cao tầng ra mặt tiền biển để tạo ra giá trị kinh tế, vì nó hoàn toàn sai lầm và sẽ “giết chết” Nha Trang.

Cũng như Nha Trang, giá trị của Đà Lạt nằm ở những đồi thông, những mù sương, những khu vực kiến trúc cũ mang tính cảnh quan di sản. Hôm qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã có văn bản gửi giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này bày tỏ: Khu phố thị trung tâm của Đà Lạt dù đang xuống cấp, nhưng có giá trị đặc trưng và là một bộ phận cấu thành nên cấu trúc không gian đô thị Đà Lạt.

Hội Kiến trúc sư mong muốn thành phố này “Phát triển nhưng không làm mất đi giá trị đặc trưng về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan của khu phố. Đồng thời, bảo tồn không chỉ giá trị vật thể (công trình kiến trúc và cảnh quan có giá trị) mà cả giá trị phi vật thể (di sản ký ức, lối sống và văn hóa địa phương)”.

Có thể Đà Nẵng, Nha Trang nhìn ngay thấy tiền bạc, thấy lợi từ các dự án lấn sông, từ những cao ốc khách sạn. Có thể Đà Lạt sẽ tính đếm được lợi nhuận từ việc “bêtông hóa” thành phố. Nhưng Nha Trang sẽ bị “giết chết” nếu chỉ toàn cao ốc. Nhưng sẽ chẳng còn ai tới nếu Đà Lạt chỉ toàn bêtông. Còn sông Hàn, sẽ chỉ còn là một cái cống nếu gật đầu chấp nhận cho các dự án lấp sông. Nhưng cái mất đi thì bao nhiêu tiền bạc cũng không thể mua lại được.

Chỉ vài hôm trước, một quan chức của tỉnh Quảng Bình khẳng định rằng sẽ không, dứt khoát không làm cáp treo vào Sơn Đoòng. Một tỉnh còn nghèo nhưng quyết không đẩy “nàng tiên” của mình ra đường bởi họ hiểu rằng tiền có thu được bao nhiêu từ cáp treo ấy cũng không đủ để bảo vệ, giữ gìn những gì thiên nhiên đã trao tặng.

Nhưng những quy hoạch kiểu này lại không thể chỉ trông vào nhận thức của lãnh đạo các địa phương được mà cần có một quy hoạch chung và hành lang pháp lý để đảm bảo rằng việc phân quyền không có nghĩa là để địa phương muốn làm gì thì làm, muốn phá gì thì phá.

ANH ĐÀO

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/neu-da-lat-chi-toan-betong-va-nha-trang-ngap-cao-oc-728905.ldo