Nếu cột điện biết nói

Bão số 5 vừa đi qua các tỉnh miền Trung đã để lại hậu quả không nhỏ. Một trong những ngành bị thiệt hại nhất là ngành điện khi có hàng trăm cột điện bị gãy. Tuy nhiên, khi chứng kiến những cột điện bị gãy, đổ, có những cột bị gãy ngang thân 'như chuối chém', khiến người dân ngạc nhiên và nghi ngờ về chất lượng cột điện.

Theo thống kê thì do bão số 5, trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có 616 cột điện bị gãy, đổ và nghiêng (trên tổng số 531.135 cột điện tại các tỉnh, thành phố này). Trong đó, có 304 cột bị gãy, 169 cột bị đổ, 143 cột bị nghiêng. Trong số 304 cột bị gãy tại các tỉnh, TP nêu trên, có 34 cột bêtông dự ứng lực và 270 cột bêtông thường. Riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có 272 cột bị gãy, trong đó có 30 cột bêtông dự ứng lực.

Lý giải về việc hàng trăm cột điện bị gãy đổ, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, từ kiểm tra thực tế, nguyên nhân được xác định là do cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường (vừa gió bão, vừa cây đổ vào đường dây) quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn… dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột.

"Một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy đổ cột"- đại diện EVNCPC cho hay.

EVNCPC đã rà soát toàn bộ công tác thiết kế, thi công, chất lượng vật tư thiết bị đều đảm bảo theo quy định. Công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của Luật Đấu thầu.

Các cột điện được sử dụng trên lưới điện EVNCPC được các nhà sản xuất trong nước thiết kế, sản xuất tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 5847:2016, 5847:1994 và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.

Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5847:2016, tùy mục đích sử dụng, trạng thái ứng suất, kích thước, tải trọng và mô men uốn thiết kế, cột điện bê tông được phân thành hai nhóm I và II. Cột nhóm I được sử dụng để truyền dẫn, phân phối điện. Còn cột nhóm II được sử dụng cấp điện cho các tuyến đường sắt, xe điện... Cột bê tông cốt thép ly tâm thuộc nhóm I có dạng côn cụt rỗng, với chiều dài 6-22m, mặt cắt tròn độ côn bằng 1,11% và 1,33% theo chiều dài cột. Cột nhóm II có dạng hình trụ rỗng, chiều dài từ 8-14m. Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, những cột điện bị gãy trong cơn bão số 5 vừa qua thuộc nhóm I.

Cũng theo TCVN 5847:2016, vật liệu để sản xuất cột điện gồm xi măng, nước, phụ gia, bê tông... Tất cả vật liệu này phải đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng. Để sản xuất cột điện bê tông cốt thép ly tâm có thể sử dụng xi măng poóc lăng (loại vật liệu được sử dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới, nó là thành phần cơ bản của bê tông, vữa, hồ) phù hợp với TCVN 2682:2009 hoặc TCVN 6260:2009.

Tuy nhiên, nghe giải thích, dư luận lại đặt câu hỏi: Vì sao các cột điện này được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 với ứng suất chịu được gió giật cấp 12 lại bị gãy khi bão số 5 chỉ cấp 8-9, giật cấp 11?

Giá mà cột điện biết nói thì sẽ rõ ngay nguyên nhân vì sao. Nhưng vì nó không biết nói nên dư luận mới phải băn khoăn rằng không rõ đơn vị sản xuất có làm theo đúng TCVN hay không? Thậm chí là tiêu chuẩn của kỹ thuật sản xuất cột điện như vậy có phù hợp với thực tế hay không?

Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo đơn vị trực thuộc tạm dừng sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực tại những vùng có bão như Thừa Thiên - Huế để nghiên cứu, đánh giá lại; sau khi có hơn 400 cột điện tại tỉnh này đồng loạt gãy đổ do bão số 5 - cơn bão có sức gió dưới cấp 10.

Việc tạm dừng sử dụng cột điện bê tông làm theo công nghệ dự ứng lực tuy có muộn nhưng cũng là điều cần thiết. Bởi với ngành điện, an toàn luôn là yêu cầu được đặt lên hàng đầu bởi những sự cố luôn có thể đe dọa tới tính mạng người dân. Vì vậy rất cần các cơ quan chuyên môn sớm vào cuộc kiểm tra để có kết luận chính thức về mức độ an toàn của loại cột điện này.

Tân Lương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/neu-cot-dien-biet-noi-613273/