Nếu con chỉ cao dưới 4cm một năm, cha mẹ cần nghĩ ngay đến điều này

Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ nên theo dõi sát, nếu thấy tốc độ tăng trưởng dưới 4cm một năm thì nên đưa con đi khám ngay. Bởi nếu trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ.

Trên thực tế, mọi đứa trẻ từ lúc mới sinh cho đến trước tuổi dậy thì đều có thể có biểu hiện chậm tăng trưởng chiều cao. Do đó, cha mẹ nên quan tâm đến tốc độ tăng chiều cao của con mình ở mọi độ tuổi để có thể đưa bé đi khám sớm nhất nếu thấy bất thường hoặc có nghi ngờ bất thường.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên đo chiều cao cho trẻ 3 tháng/lần. Thông thường, nếu chiều cao của trẻ < -2SD (đường cong biểu diễn chiều cao nằm ngang hoặc đi xuống); hoặc tốc độ tăng trưởng ≤ 4 cm/năm và đã loại trừ vấn đề suy dinh dưỡng thì bé có thể rơi vào trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao và nên được đưa đi khám nội tiết sớm.

Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ sơ sinh đến 10 tuổi của WHO.

Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ sơ sinh đến 10 tuổi của WHO.

Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Nếu do bệnh lý khác như Turner chẳng hạn thì bé sẽ có một số biểu hiện khác. Tuy nhiên, những biểu này thường chỉ được nhận biết bởi bác sĩ nội tiết.

Khuyến cáo chung là cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy tốc độ tăng trưởng ≤ 4cm/năm thì nên đưa bé đi khám ngay.

Với nhiều bậc cha mẹ, khi con có dấu hiệu chậm phát triển chiều cao, họ thường cho rằng nguyên nhân là do dinh dưỡng và di truyền.

Đo chiều cao ở trẻ để tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao. Ảnh: V.Thư

Thực tế, chậm phát triển chiều cao không chỉ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng hay di truyền mà còn do nhiều nguyên nhân khác như nguyên nhân nội tiết (thiếu hormone tăng trưởng, suy tuyến giáp), thai nhi suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, trẻ sinh ra nhẹ cân, bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Turner, hội chứng Down), một số loại thiếu máu (thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm), bệnh mãn tính (thận, tim, tiêu hóa, hoặc bệnh phổi), sang chấn tâm lý, hậu quả của việc sử dụng 1 loại thuốc khi mang thai của bà mẹ… Cũng có trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao nhưng không xác định được nguyên nhân gọi là thấp vô căn.

Trong các nguyên nhân trên thì dù tỉ lệ thiếu hormone tăng trưởng ước tính chỉ chiếm khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em.

Hormone tăng trưởng là yếu tố quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em và là hormone đóng vai trò quyết định về chiều cao trong giai đoạn phát triển của trẻ. Nếu trẻ chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng nhưng không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành. Điều này có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cũng như tâm lý sau này của trẻ.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, việc chuẩn hóa quy trình chẩn đoán và điều trị chậm tăng trưởng chiều cao bằng hormone tăng trưởng đã bắt đầu được quan tâm và ngày càng phát triển.

Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng dụng cụ tiêm trong điều trị chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormon tăng trưởng tại BV Nguyễn Tri Phương. Ảnh: V.Thư

Ngoài ra, việc điều trị bằng hormone tăng trưởng không chỉ áp dụng cho trường hợp trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng mà còn được chỉ định trong các trường hợp gây ra do những nguyên nhân khác như: hội chứng Turner, bệnh thận mãn, trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai… Việc điều trị bằng hormone tăng trưởng nhằm mục đích giúp trẻ đạt được chiều cao càng gần mức bình thường càng tốt. Thông thường, sau 3 tháng điều trị, chiều cao của trẻ sẽ được cải thiện.

Khi điều trị thay thế bằng hormone tăng trưởng, để đạt được hiệu quả tối ưu thì việc điều trị đúng thời điểm, đúng liều lượng là rất quan trọng. Trẻ nên được phát hiện sớm và được điều trị trước tuổi dậy thì. Tốt nhất là điều trị trong khoảng độ tuổi từ 4-13 tuổi. Nếu qua “thời gian vàng” này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng.

TS.BS Trần Quang Khánh, Trưởng Khoa Nội tiết bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: Nếu trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ”.

Từ năm2017, BV Nguyễn Tri Phương đã tầm soát miễn phí cho gần 200 trẻ với 10 trẻ được chỉ định điều trị, năm 2018 là gần 350 trẻ và có 21 trẻ được chỉ định điều trị.

BS Trần Quang Khánh cho hay, thực tế các trường hợp điều trị bằng hormone tăng trưởng tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy, các bé sẽ tăng được từ 6 – 12 cm/năm và khoảng 80% bé tăng được 1cm/tháng trong năm đầu tiên.

Năm nay, Bệnh viện sẽ khám và tầm soát miễn phí cho khoảng 400 trẻ em chưa dậy thì có nhu cầu được tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao vào các buổi sáng thứ bảy và chủ nhật từ 8/6 đến 27/7.

“Tuy nhiên, quá trình điều trị cần bắt đầu sớm, trước khi trẻ dậy thì thì mới có kết quả. Do vậy, chương trình rất có ý nghĩa trong việc giúp các bậc phụ huynh kịp thời cho trẻ điều trị ngay khi bác sĩ có kết luận chính thức về trường hợp chậm tăng trưởng ở trẻ”, BS Khánh nói.

Mai Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/neu-con-chi-cao-duoi-4cm-mot-nam-cha-me-can-nghi-ngay-den-dieu-nay-20190530102357193.htm