Nếu có một cam kết mạnh mẽ hơn

Không có gì lạ khi dư luận những ngày này tỏ ra rất quan tâm đến hai mốc thời gian mà ngành Giao thông vận tải mới cam kết.

Thứ nhất là từ 12/12/2020, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ bắt đầu chạy thử toàn hệ thống để đánh giá an toàn. Thứ hai, 31/12/2020 là hạn cuối cùng hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp mặt cầu Thăng Long.

Về cam kết thứ nhất, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể hứa với Thủ tướng Chính phủ sẽ phấn đấu trong tháng 12/2020 hoàn thành nghiệm thu có điều kiện để đưa vào khai thác thương mại trước ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Với cam kết này, Bộ GTVT cũng chính thức thừa nhận không thể hoàn thành được nhiệm vụ đưa dự án đường sắt đô thị này “cán đích” trong năm 2020 như Chính phủ giao trước đó. Tuy nhiên, dư luận cũng không mấy quan tâm đến lần lỡ hẹn này bởi đặt hy vọng vào cái mốc mới được đưa ra, liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước, không thể nói chơi, hứa suông.
Trong một diễn biến khác, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Dự án sửa chữa cầu Thăng Long được khởi công tháng 8/2020 với tổng kinh phí 270 tỷ đồng là lần sửa chữa lớn nhất và triệt để nhất từ trước tới nay. Việc nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long một cách căn cơ để khai thác an toàn, bền vững lâu dài đồng bộ với đường Vành đai III mới hoàn thành là hết sức cần thiết và cấp bách.

Bởi với tuyến cầu cạn trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long mới hoàn thành, một lộ trình thông suốt từ Đông Anh về cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hình thành. Và Dự án sửa chữa cầu Thăng Long lần thứ ba cũng được cam kết sẽ hoàn thành trước 31/12/2020 để không trở thành “nút thắt cổ chai” của tuyến cao tốc này với tốc độ xe chạy 80km/h này.
Bên cạnh tầm quan trọng, hai dự án nói trên thu hút sự chú ý của dư luận và công luận còn bởi những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trễ hẹn đến cả chục lần, đội vốn gấp 2 lần gấp đôi trong thời gian hơn 11 năm qua. Còn với Dự án sửa chữa cầu Thăng Long thì đây là lần sửa chữa thứ ba cũng trong thời gian 11 năm, sau hai lần sửa chữa lớn với chi phí hàng trăm tỷ đồng cùng với nhiều đợt duy tu, cải tạo nhỏ.
Như trên đã nói, việc hoàn thành dự án sửa chữa cầu Thăng Long trước ngày 31/12 cũng như việc bắt đầu chạy thử toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đánh giá an toàn, đưa vào khai thác thương mại trước khi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là những cột mốc không thể lùi. Nó không chỉ là một lời hứa, mà còn là sự thể hiện lòng tự trọng của những người có trách nhiệm, cụ thể ở đây là Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và cộng sự trước Đảng, trước dân về công việc mà mình đảm trách. Và nói như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề đưa vào sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, cần được nghiêm túc thực hiện.
Như vậy, từ người đứng đầu Chính phủ cho tới mỗi người dân đều mong cho lời hứa của Bộ trưởng sẽ được thực hiện, hai dự án giao thông quan trọng trên sẽ được đưa vào phục vụ người dân Thủ đô và cả nước trong dịp trọng đại đón chào năm mới 2021, mừng Xuân Tân Sửu và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tuy nhiên, vì đây không phải lần đầu xảy ra câu chuyện lỡ hẹn, có lẽ người dân sẽ tin tưởng hơn, nếu cùng với lời hứa “sẽ phấn đấu”, những người có trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu ngành là Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra một cam kết mạnh mẽ, rõ ràng hơn: Sẽ xin từ chức nếu lần này dự án lại lỡ hẹn! Nếu được như vậy, lòng tin của người dân đối với ngành GTVT nói chung và với việc nghiêm túc thực hiện các cam kết sẽ được củng cố. Ở một góc độ khác, sự cam kết có tính quyết liệt ấy sẽ là động lực để ông Bộ trưởng cùng cộng sự phấn đấu thực hiện bằng được lời hứa của mình.

Lê Quân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/neu-co-mot-cam-ket-manh-me-hon-404019.html