Nếu có công nghệ V.A.R ở ASIAD 2018, Olympic Việt Nam đã có một trận đấu công bằng hơn

Không thể đổ lỗi cho trọng tài khi Olympic Việt Nam không thể vượt qua Olympic UAE, thế nhưng cũng không thể phủ nhận đâu đó đã có những bất lợi cho đội tuyển Việt Nam từ những quyết định của trọng tài người Hàn Quốc Kim Dea-young.

Ngay sau khi trận đấu tranh huy chương đồng nội dung bóng đá nam ASIAD 2018 kết thúc, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra liên quan đến công tác trọng tài của trận đấu. Theo đó, nhiều người cho rằng trọng tài điều khiển chính trận đấu người Hàn Quốc ông Kim Dea-young đã có nhiều quyết định thiếu chuẩn xác trong một số tình huống có tính chất thay đổi trận đấu. Không đổ thừa thất bại của đội tuyển Olympic Việt Nam cho những sai lầm của trọng tài, thế nhưng nhiều người hâm mộ vẫn tỏ ra bức xúc.

Trọng tài người Hàn Quốc bắt chính trận tranh huy chương đồng ASIAD 2018 nội dung bóng đá nam.

Trọng tài người Hàn Quốc bắt chính trận tranh huy chương đồng ASIAD 2018 nội dung bóng đá nam.

Đáng chú ý nhất là tình huống ở phút thứ 57 của trận đấu, băng quay chậm cho thấy bóng đã chạm tay một cầu thủ Olympic UAE trong vòng cấm địa thế nhưng quyết định của trọng tài là không có một quả phạt đền cho đội tuyển Việt Nam. Nhiều tình huống khác trong trận đấu cũng dường như cho thấy đội tuyển Olympic Việt Nam có phần bị trọng tài Kim “xử ép”. Thậm chí, BLV Bùi Quang Huy thậm chí còn phải thốt lên rằng thật khó có thể nghe thấy tiếng còi của trọng tài Kim cất lên trong các tình huống va chạm giữa Olympic Việt Nam và Olympic UAE ở phần sân UAE trong hiệp hai.

Dẫu biết rằng vẫn có sẽ có nhiều ý kiến trái chiều về cách điều hành trận đấu của trọng tài Kim, thế nhưng có một điều mà nhiều người ước đã có mặt tại ASIAD 2018, ít nhất là trong nội dung bóng đá nam: công nghệ V.A.R (trợ lý trọng tài thông qua video).

World Cup 2018 là sự kiện thể thao lớn đầu tiên công nghệ trợ lý trọng tài thông qua video (V.A.R) được đưa vào sử dụng. Ở thời điểm đó, không ít ý kiến cho rằng công nghệ này đang giết chết cảm xúc trong bóng đá bởi mọi thứ bỗng nhiên quá… rõ ràng và khô cứng. Chưa nói đến việc các tình huống V.A.R thường kéo dài, gây gián đoạn và đứt mạch trận đấu.

Theo đó, với V.A.R, trọng tài chính điều khiển trận đấu có quyền dừng trận đấu để xem lại bằng ghi hình các tình huống nhạy cảm và thay đổi quyết định của mình. Từng diễn biến trên sân đều hiện rõ trước hàng chục chiếc máy quay độ nét cao và bắt hình siêu chậm. Khi ấy, nhiều trang thông tin lớn nhỏ trên thế giới đều đồng ý rằng không chỉ người hâm mộ và có lẽ cả các cầu thủ trên sân cũng cần thêm thời gian để quen với tính chính xác mà V.A.R mang lại.

Dù vậy, những con số mà FIFA đưa ra tại World Cup 2018 về công nghệ V.A.R thực sự là những con số biết nói. Cụ thể, theo thống kê nhanh của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trước trận chung kết và trận tranh hạng ba tại World Cup 2018, đã có 19 tình huống V.A.R tổng cộng được trọng tài quyết định xem xét lại và 16 quyết định (trước đó không bắt lỗi) được đưa ra. Tỷ lệ bắt chính xác các tình huống quan trọng trong kì World Cup này được tăng lên 99,32% từ con số 95% nếu không có sự trợ giúp của công nghệ. FIFA cũng khẳng định V.A.R khiến các cầu thủ chơi fair-play hơn. Thực tế, trong cả giải đấu năm nay không có bất kì thẻ đỏ nào được rút ra.

Với những con số này, có thể thấy V.A.R sẽ là xu hướng công nghệ thể thao trong tương lai bởi dẫu sao đi nữa bóng đá sẽ vẫn có cảm xúc (chẳng ai phủ nhận World Cup 2018 vẫn để lại nhiều ấn tượng), còn sự công bằng thì lại luôn cần thiết.

T. Sơn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/cong-nghe/neu-asiad-2018-dung-cong-nghe-v-a-r-olympic-viet-nam-co-the-da-co-mot-tran-dau-cong-bang-hon-3589450.html